Chỉ bàn làm, không bàn lùi để thúc đẩy mạnh mẽ động lực chuyển đổi số

Thứ tư, 10/07/2024 20:50

Chiều ngày 10/7/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06.

Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành, thành viên Ủy ban; lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin.

Chỉ bàn làm, không bàn lùi để thúc đẩy mạnh mẽ động lực chuyển đổi số- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chỉ bàn làm, không bàn lùi để thúc đẩy mạnh mẽ động lực chuyển đổi số

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã báo cáo tóm tắt về tình hình chuyển đổi số quốc gia trong 6 tháng đầu năm 2024.

Dữ liệu số là tài nguyên mới, yếu tố sản xuất mới, là đầu vào của kinh tế

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, phát triển kinh tế số năm 2024 tập trung vào 4 trụ cột chính: Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông; Kinh tế số các ngành; Quản trị số và Dữ liệu số.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế số ước đạt 22,4%, chiếm 18,3% GDP. Với đà như vậy, mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đặt ra là kinh tế số Việt Nam tăng trưởng 20% vào năm 2025 là sẽ đạt được. Ngành công nghiệp ICT đã lấy lại được đà tăng trưởng như trước COVID-19, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lần đầu tiên chúng ta soạn thảo một bộ luật riêng cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, đó là Luật phát triển công nghiệp công nghệ số. Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua luật này vào năm 2025. Việt Nam sẽ là một trong số rất ít nước có một bộ luật riêng về phát triển công nghiệp công nghệ số, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngành công nghiệp công nghệ số. Đây là ngành công nghiệp nền tảng, là cốt lõi để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số.

Chỉ bàn làm, không bàn lùi để thúc đẩy mạnh mẽ động lực chuyển đổi số- Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Lần đầu tiên chúng ta soạn thảo một bộ luật riêng cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, đó là Luật phát triển công nghiệp công nghệ số"

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của phát triển kinh tế số các ngành, Bộ trưởng chỉ rõ, đây chính là sự hội tụ của công nghệ số vào giáo dục, y tế, thương mại, ngân hàng…, để không chỉ góp phần hiện đại hóa và số hóa các ngành này mà còn làm ra các sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, tạo thành động lực chính cho tăng trưởng của các ngành này. Kinh tế số của các ngành sẽ là phần chính, chiếm tới 70% của nền kinh tế số.

Phát triển dữ liệu số được coi là một yếu tố sản xuất mới, là đầu vào của kinh tế. Dữ liệu số là một loại tài nguyên mới, do con người sử dụng công nghệ số tạo ra. Chính phủ đã ban hành một nghị định về phát triển các cơ sở dữ liệu cấp quốc gia và cấp Bộ, ngành, yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương xây dựng các cơ sở dữ liệu cốt lõi. Muốn phát triển kinh tế số nhanh thì phải nhanh chóng xây dựng các cơ sở dữ liệu này. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương phải có một đề án như Đề án 06 của Bộ Công an và nên tập trung làm dữ liệu cốt lõi của địa phương mình, của ngành mình. Năm nay, Bộ TT&TT sẽ thí điểm sàn giao dịch dữ liệu.

Về quản trị số, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động về xây dựng chính phủ số, chỉ đạo điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Để làm được việc này thì tất cả các Bộ, ngành và địa phương phải kết nối trực tuyến với Chính phủ. Các Bộ, ngành, địa phương vì vậy cũng phải chuyển đổi số để chỉ đạo điều hành cấp mình một cách trực tuyến và sử dụng dữ liệu.

Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, để kế hoạch hành động này thành công thì một việc có vai trò quyết định là: Toàn bộ hoạt động hàng ngày của cán bộ công chức viên chức từ cấp thấp nhất trong hệ thống chính quyền phải được thực hiện trên môi trường số, nếu không phải được cập nhật theo định kỳ. Bởi vậy, việc quan trọng nhất của chuyển đổi số là các cấp chính quyền phải thể chế hóa, có quy định về làm việc trên môi trường số và nhập liệu của cán bộ công chức.

Về phát triển kinh tế số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh ba vấn đề, đó là:

Thứ nhất, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức hội nghị về mô hình chuyển đổi số thành công cấp Bộ, ngành tại Toà án Nhân dân tối cao. Sắp tới sẽ có thêm Hội nghị về mô hình dịch vụ công trực tuyến và mô hình Trung tâm điều hành thông minh, để sau nhiều năm làm về chuyển đổi số chúng ta tổng kết được các mô hình thành công và nhân rộng.

Thứ hai, về ứng dụng AI, Bộ trưởng khuyến khích phát triển trợ lý ảo để hỗ trợ cán bộ công chức trong các hoạt động của họ, đặc biệt là về văn bản pháp luật, quy định và quy trình.

Thứ ba, Bộ trưởng đề nghị Thủ tướng Chính phủ thông qua các chương trình đào tạo chuyển đổi số cho người đứng đầu các cấp, từ Bộ trưởng đến Chủ tịch UBND các tỉnh, cùng với đó là kế hoạch chuyển đổi số tổng thể cấp quốc gia, giao việc chuyển đổi số cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương.

Chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người"

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược. Thời gian qua, công tác chỉ đạo, điều hành đã có kinh nghiệm hơn, lớp lang, bài bản, bám sát thực tiễn hơn, hiệu quả hơn. Công tác tổ chức thực hiện từ Trung ương đến cơ sở được triển khai đồng bộ, tích cực hơn. Kết quả mang lại thiết thực, tích cực và thuyết phục hơn.

Chỉ bàn làm, không bàn lùi để thúc đẩy mạnh mẽ động lực chuyển đổi số- Ảnh 3.

Toàn cảnh Phiên họp

Thủ tướng đánh giá cao sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06. Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nhiệm vụ chậm tiến độ như việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa kịp thời. Nhiều nhiệm vụ theo kế hoạch của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra.

Theo Thủ tướng, phát triển kinh tế số chưa tương xứng với tiềm năng, đầu tư còn dàn trải. Phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số chưa khắc phục được tình trạng "manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt, co cụm dữ liệu" (hạ tầng số, nền tảng số của nhiều cơ quan đầu tư thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ thông tin). Vẫn còn nhiều thôn, bản chưa có đường cáp quang; nhiều điểm lõm sóng, lõm điện, còn 821 điểm lõm sóng di động. Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao.

Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ này, ưu tiên nguồn lực, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số đã đề ra, với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm phải có sản phẩm, hiệu quả cụ thể.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức và ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số. Mục tiêu đến năm 2025 là 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn trình; 50% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; 50% thủ tục, giấy tờ của người dân liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm...

Thủ tướng giao Bộ TT&TT tổ chức họp với các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện và trình Thủ tướng ban hành "Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030" trong tháng 7/2024. Bộ cũng cần khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành các văn bản thi hành Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông và nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn về địa chỉ số quốc gia./.

Một số kết quả nổi bật trong chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2024

- Về dịch vụ công trực tuyến, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); Bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%).

- Kinh tế số 6 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%.

- Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin (kinh tế số ICT) ước đạt 1.928.311 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023.

- Tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm đạt trên 97.000 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng doanh số trên sàn giao dịch bán lẻ trực tuyến tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023.

- Số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng 8% so với cùng kỳ.

- Về quản trị số, lần đầu tiên sau hơn 20 năm việc giám sát, đo lường dịch vụ công trực tuyến được thực hiện tự động, online; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đánh giá chất lượng online.

- Lần đầu tiên Việt Nam đo lường chất lượng mạng viễn thông di động và băng rộng cố định trực tuyến bằng công cụ Make in Vietnam.

- Giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia 6 tháng đầu năm tăng mạnh 67% so với cùng kỳ năm 2023.

Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top