Sử dụng ở lĩnh vực mới để tạo khái niệm, gợi ý sơ đẳng
Đến nay, sau gần 02 tháng ra đời, ChatGPT đã có hơn 100 triệu người dùng. Đây là một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử người dùng khi tiếp nhận sản phẩm ứng dụng công nghệ mới.
Bên cạnh đó, ChatGPT thực sự đã làm tốt vai trò là công cụ số tạo ra sự tương tác giữa người và máy một cách thân thiện và tất cả mọi hoạt động được đảm bảo dựa trên nguyên lý khai thác tối đa các nền tảng cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn được chuẩn bị trước, do đó tối ưu để trả lời được các câu hỏi ở nhiều nội dung, lĩnh vực khác nhau.
Nói cách khác, bản chất chính, ChatGPT hoạt động dựa trên một mô hình xác suất thống kê, lấy các cụm từ câu hỏi và sử dụng nguồn dữ liệu lớn để đưa ra câu trả lời phù hợp trong bối cảnh, ngữ cảnh đó. Hơn nữa, nó có thể sử dụng đồng thời 12 tác vụ để xử lý ngôn ngữ - điều này giúp ích nhiều cho mọi mặt đời sống của con người.
Nêu ra những lợi thế, ưu điểm nữa của ChatGPT, cũng theo TS. Đặng Minh Tuấn, giờ đây con người hay chủ thể người dùng, muốn tạo ra những lợi thế cho mình cũng cần phải có thông tin, sự đa dạng về ý tưởng, kiến thức, tri thức.
Nói cách khác, đối với bất kỳ một lĩnh vực, ngành nghề nào muốn phát triển cũng không thể thiếu các thông tin về thị trường, khách hàng và thông qua công cụ ChatGPT, sẽ đưa người dùng tiếp cận đến các nội dung, ý tưởng, và đưa ra các gợi ý mở nhanh hơn.
Về phía cá nhân, TS. Đặng Minh Tuấn đánh giá các kết quả ChatGPT đưa ra có thể chấp nhận 70% - 80% về độ tin cậy, tuy nhiên, sự tin cậy thông tin muốn đạt ở mức hiệu quả nên đặt ở giới hạn là sự gợi ý kết quả bởi câu trả lời thiên về công nghệ và nếu kiểm tra tính đúng đắn, xác thực cần nhiều sự tổng hợp khác.
“Đặc biệt, đối với các kết quả nghiên cứu khoa học ChatGPT đưa ra, chúng ta vẫn luôn cần cần xác thực thông tin qua các kênh uy tín, đáng tin cậy khác”, TS. Đặng Minh Tuấn lưu ý.
Hơn nữa, TS. Đặng Minh Tuấn lưu ý một điểm hạn chế nữa mà ChatGPT đang gặp phải đó chính là kết quả các câu trả lời có thể không đúng, chính xác tuyệt đối vì vẫn phụ thuộc vào cảm tính, thiên lệch, thiên kiến do sai lệch về dữ liệu (dữ liệu chưa đầy đủ, thiên về tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt và dữ liệu của những năm trước, mới chưa được cập nhật).
Vì điều này, TS. Đặng Minh Tuấn cho rằng, dù các công cụ công nghệ số có phát triển theo chiều hướng tích cực thì vẫn mãi không thể thay thế được con người, vì con người luôn là chủ thể, nhân tố quan trọng số một.
“Máy móc, công nghệ không thể thay thế được con người. Con người luôn làm chủ bởi có sức mạnh từ suy nghĩ, cảm xúc, tư duy để làm chủ thế giới và khi người dùng biết cách tận dụng các mặt mạnh hỗ trợ từ công nghệ thì việc nâng cao tri thức mới thực sự hiệu quả, bền vững”, TS. Đặng Minh Tuấn nêu quan điểm.
Tóm lại, trong quan điểm cá nhân của mình, TS. Đặng Minh Tuấn cho rằng, chúng ta chỉ nên sử dụng ChatGPT cho một lĩnh vực mới, bởi lẽ những kết quả đưa ra sẽ là căn cứ ban đầu để chúng ta hiểu, hình thành khái niệm và các gợi ý sơ đẳng. Còn đối với lĩnh vực khi có sự hiểu biết nhất định, chúng ta nên tìm vào những địa chỉ tra cứu uy tín, chất lượng như trang Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia)...
“Qua các địa chỉ tìm kiếm uy tín, chúng ta sẽ yên tâm và không bị mất nhiều thời gian, công sức để kiểm định, kiểm chứng những thông tin, kết quả khi sử dụng”, TS. Đặng Minh Tuấn nhận định.
Lạm dụng công cụ sẽ dần hướng đến “cùi mòn” tư duy
Còn khi nói về những tác động tích cực từ ChatPGT, ThS. Triệu Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu blockchain QNET đánh giá, đây là công cụ số: Có khả năng “tạo sinh” nội dung; được huấn luyện đào tạo trước dựa trên CSDL khổng lồ thông qua đội ngũ con người khổng lồ để gán nhãn dữ liệu, tinh chỉnh kết quả đưa ra đáp án cho các câu hỏi sát với thực tế; mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên khác với các mô hình xử lý truyền thống.
“ChatGPT chính là một cánh cửa mới để người dùng khai thác tất cả những tri thức từ kho dữ liệu khổng lồ của Internet và các tài liệu chuyên ngành, đặc thù khác, đồng thời, đang một phần trở thành người bạn đồng hành của người dùng trong kỷ nguyên tìm kiếm thông tin, đa dạng thông tin số”, ThS. Triệu Anh Dũng, nhấn mạnh.
Và khi chúng ta dùng công cụ này nhiều, ưu điểm tạo ra có thể dần trở thành người bạn đồng hành cung cấp kiến thức, thông tin có gạn lọc, tổng hợp.
Nhược điểm nữa, đối với các bạn trẻ khi sử dụng lâu dài sẽ tạo ra xu hướng “tốn ít năng lượng”, dần sinh lười, đồng thời, hạn chế năng lực về tư duy, logic.
Nếu chúng ta đi quá giới hạn tin tưởng, lạm dụng công cụ này sẽ dần hướng đến sự “cùi mòn” tư duy - kỹ năng hiểu, học, bổ sung, bồi dưỡng tri thức. ”Do đó, chúng ta cần hạn chế, tránh thụ động trong việc tiếp cận quá trình “tự động hoá” tri thức và trong quá trình đón nhận các sản phẩm công nghệ mới hãy tối ưu để để tạo ra các giá trị, kiến thức tốt đẹp nhất”, ThS. Triệu Anh Dũng đưa ra lời khuyên.
Cũng chính vì sự bùng nổ của các công nghệ số, nhất là các ứng dụng chat sử dụng trí tuệ nhân tạo như hiện nay, để góp phần tạo ra những tích cực trong việc tiếp cận tri thức cho người dùng, nhất là đối với ngành giáo dục hay các cấp trường đào tạo cũng luôn cần phải có hướng tiếp cận theo phương thức giáo dục phù hợp để khơi dậy trong mỗi học sinh về các chuẩn mực, thước đo giá trị về những nhận thức chuẩn, đúng đắn./.