ảnh minh họa
Trà sữa, bánh kẹo, TLĐT đều là "nạn nhân"
Nữ bệnh nhân K.N (20 tuổi) phải cấp cứu tại BV Bạch Mai ngày 26-7-2022 trong tình trạng hôn mê sâu do ngộ độc ma túy trộn trong TLĐT là vấn đề gây đau đầu cho cơ quan quản lý tội phạm ma túy.
Trước hàng loạt các vụ việc xảy ra, ngành y tế đã lên tiếng báo động, ngộ độc ma túy có thể gây rối loạn tâm tâm thần, ảo giác, suy đa tạng, hôn mê… Đại diện Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, phụ huynh cần nâng cao cảnh giác đề phòng con em bị dụ dỗ dùng các chất gây nghiện nguy hiểm do ngày càng có quá nhiều loại ma túy mới xuất hiện, núp bóng dưới nhiều loại thuốc, trò chơi mà không dễ nhận biết.
Google hiển thị hơn 2,3 triệu kết quả về biến tướng của ma túy: ma túy được trộn vào trong trà sữa, bánh kẹo, nước giải khát… để tăng lợi nhuận. Từ khóa "ma túy TLĐT" cũng cho thấy hình thức này cũng đang là "nạn nhân" được các tội phạm ma túy mạnh tay "khai thác" do mới lạ và dễ "qua mặt" cơ quan chức năng. Do chưa có cơ chế kiểm soát các loại thuốc lá thế hệ mới, nên TLĐT trở thành mặt hàng quá thuận lợi để bọn tội phạm ma túy khai thác kẽ hở. Các nguồn hàng TLĐT và tinh dầu đi kèm chủ yếu đến từ thị trường đen thông qua đường nhập lậu từ Trung Quốc.
Theo đó, các trường hợp ngộ độc dẫn đến nguy kịch, nhập viện sau khi hút TLĐT hầu hết đều điểm mặt "thủ phạm" chính là cần sa hay ma túy tổng hợp. Bản chất của sự việc là do một thành phần giới trẻ thiếu suy nghĩ, hiếu kỳ nên bị kẻ gian lợi dụng TLĐT mà dẫn dụ vào con đường hút ma túy. Hầu hết sự việc đều chỉ xảy ra đối với hình thức TLĐT hệ thống mở (open system), khó xảy ra với TLĐT hệ thống đóng (closed system) và không thể xảy ra trên thuốc lá làm nóng là sản phẩm chứa nguyên liệu thuốc lá. Với TLĐT hệ thống mở, người dùng có thể tùy ý phối trộn các chất khác nhau vào trong bình chứa dung dịch tinh dầu trước khi sử dụng.
"Qua mặt" lực lượng chức năng
Theo khảo sát của phóng viên, dù chưa được cấp phép kinh doanh nhưng ở nhiều tuyến phố Hà Nội, các cửa hàng bán TLĐT lậu vẫn bày bán trực tiếp hay trực tuyến trên mạng, luôn tấp nập kẻ bán, người mua. Điều đáng lo ngại là các thủ đoạn của tội phạm ma túy sử dụng đối với TLĐT tinh vi đến mức lực lượng chức năng ở các địa phương cũng khó phát hiện. Các đối tượng thường lợi dụng hệ thống mở của TLĐT hòa tan các chất cấm vào các vỏ chai, lọ đựng dung dịch của sản phẩm mà vẫn giữ nguyên màu sắc, mùi vị.
Đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) từng chia sẻ, lợi dụng sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các loại ma túy tổng hợp được sản xuất bởi nhiều tiền chất và hoá chất, luôn thay hình đổi dạng, hình thức bên ngoài bắt mắt, nhiều màu sắc hơn để lôi cuốn người chơi. Đáng nói là thủ đoạn của tội phạm ma túy rất tinh vi, đổi mới liên tục nhằm qua mặt cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt.
Dù đều có thể trở thành vỏ bọc cho ma túy ẩn nấp, nhưng so với trà sữa hay những mặt hàng thực phẩm đang bị lợi dụng thì TLĐT thường mang danh là "thủ phạm chính" gây ra tình trạng ngộ độc ma túy. Như vậy, dù có cấm TLĐT thì cũng không thể cấm tất cả các loại thực phẩm hay bất kỳ mặt hàng nào khác có thể trở thành ma túy trá hình trong tương lai.
Thực trạng này đặt ra một câu hỏi lớn, vì sao các sản phẩm hàng lậu có thể "làm mưa làm gió" ở thị trường chợ đen và kẻ gian dễ dàng lợi dụng TLĐT dẫn dụ người sử dụng sai mục đích?
Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc các cấp, ngành liên quan cần nhìn nhận vào thực tiễn không thể tiếp tục "thả" mặt hàng thuốc lá thế hệ mới. Theo đó, với một hành lang pháp lý rõ ràng sẽ giúp bảo vệ người dùng thoát khỏi cạm bẫy của kẻ gian và sử dụng thuốc lá thế hệ mới đúng mục đích cũng như hạn chế tối đa các vụ việc đáng tiếc liên quan đến sức khoẻ, tính mạng con người, đồng thời giúp tiết kiệm nguồn lực cho cơ quan quản lý.