Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Các đài PTTH cần hướng tới tự chủ tài chính
Thứ trưởng nhận định, muốn phát triển thì thời gian tới các đài PTTH cần đổi mới, tập trung vào 3 vấn đề lớn nhất là quản lý kinh tế, phát triển nội dung và chuyển đổi số.
Theo Thứ trưởng, quản lý kinh tế là vấn đề cấp bách đối với các đài PTTH, muốn làm tốt vấn đề này thì mô hình quản lý kinh tế của các Đài cần phải dịch chuyển theo hướng đơn vị tự chủ công lập và tăng cường tự chủ kinh tế. Trong tháng 3, Bộ TT&TT đã tổ chức đào tạo quản lý kinh tế cho các cơ quan báo chí trên cả. Dự kiến, Bộ TT&TT sẽ tổ chức hội nghị về quản lý kinh tế cho các đài PTTH vào tháng 4 tới – Thứ trưởng chia sẻ.
Về yếu tố nội dung, lợi thế của các đài PTTH chính là phát triển nội dung, vì vậy, làm tốt yếu tố này thì kinh tế sẽ phát triển. Hiện nay, Nhà nước đã và đang tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí bằng cách đẩy mạnh việc chuyển đổi từ giao nhiệm vụ sang đặt hàng báo chí. Điều này giúp báo chí nói chung và các đài PTTH nói riêng chủ động trong nguồn thu và tự chủ về mặt kinh tế. Do đó, các đài PTTH cần tập trung quản lý tốt nội dung và xây dựng cơ chế chính sách tài chính phù hợp với đơn vị mình trong năm 2022.
Thứ trưởng cũng yêu cầu các đài PTTH trong thời gian tới cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền các hoạt động của Đảng, Chính phủ, Nhà nước đã định hướng, đặc biệt là phòng chống dịch trong điều kiện thích ứng an toàn; khôi phục và phát triển kinh tế.
Ngoài ra, để hỗ trợ các đài PTTH chuyển đổi số, Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ đào tạo nhân lực chuyển đổi số cho các Đài. Theo Thứ trưởng, Bộ TT&TT dự kiến đào tạo 10.000 nhân lực số cho toàn quốc, trong đó có 3.000 nhân lực số cho lĩnh vực báo chí truyền thông.
Xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số là việc cần làm năm 2022
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PT, TH và TTĐT) cho biết: Hiện nay có 72 cơ quan hoạt động PTTH với gần 17.000 người lao động, trong đó hơn 6.700 người được cấp thẻ nhà báo. Tổng doanh thu năm 2021 của các đơn vị PTTH ước tính khoảng 9.200 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 303,4 tỷ đồng. Các đài PTTH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt doanh thu khoảng 3.900 tỷ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo đạt 2.833 tỷ đồng; Nguồn kinh phí được cơ quan nhà nước cấp là 1.275 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Cục PT, TH và TTĐT, năm 2021 Việt Nam có 78 kênh phát thanh và 198 kênh truyền hình trong nước. So với năm 2020, số lượng kênh truyền hình tăng 1 kênh, trong khi phát thanh giảm 8 kênh phát. Việt Nam cũng có 58 chương trình nước ngoài được cấp phép biên tập cung cấp trên dịch vụ PTTH trả tiền, giảm 16 kênh so với năm 2020.
Năm 2021, thông tin tuyên truyền tập trung trọng tâm vào một số vấn đề lớn như: tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tuyên truyền Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng; tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo đánh giá của đơn vị quản lý, các đài PTTH gặp nhiều khó khăn do phải tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên và ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, nguồn thu quảng cáo của các Đài ước tính sụt giảm 40 - 50% so với năm trước.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, ông Lưu Đình Phúc nhấn mạnh, năm 2022, Bộ sẽ hỗ trợ các cơ quan báo nói, báo hình xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số. Trọng tâm là đưa sản xuất nội dung và phân phối nội dung lên môi trường số, đổi mới cách làm nội dung, đa dạng hóa nguồn thu báo chí, chuyển từ tư duy báo chí, truyền thông hoạt động “thu bằng quảng cáo” sang tư duy hoạt động “thu phí nội dung”, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng. Từ đó giúp các cơ quan báo chí phát triển thị phần, tăng lượng khán giả và có nguồn thu trên nền tảng số.
Bộ TT&TT hỗ trợ các cơ quan báo nói, báo hình phát triển hạ tầng công nghệ kỹ thuật; hoạt động theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp.
Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường ứng dụng kỹ thuật trong công tác rà quét nhằm phát hiện kịp thời nguồn phát tán thông tin vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Nhằm ghi nhận những thành tích của các đài PTTH trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã quyết định trao tặng 9 Cờ thi đua cho các đài PTTH có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua; tặng 22 Bằng khen cho các đài PTTH có thành tích xuất sắc; tặng 8 Bằng khen cho các cá nhân Cụm trưởng các Cụm thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bộ trưởng cũng tặng 124 Bằng khen cho các cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua của các đài PTTH năm 2021.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện phong trào thi đua có nhiều tập thể, cá nhân thuộc các đài PTTH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Bộ TT&TT khen thưởng các danh hiệu và hình thức khen thưởng cấp Nhà nước; khen thưởng đột xuất vì có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền các sự kiện đặc biệt.
Một số hình ảnh trao Cờ và Bằng khen cho các tập thể và cá nhân các đài PTTH tỉnh, thành phố có thành tích xuất sắc tại Hội nghị: