Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long; Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng, Chánh Văn phòng Đảng ủy, đại diện lãnh đạo Công đoàn TT&TT, Đoàn Thanh niên Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ; các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ số; đại diện các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, công ty in; phóng viên của một số cơ quan thông tấn, báo chí chuyên trách theo dõi các hoạt động của Bộ TT&TT.
Tại Hội nghị, Vụ Tổ chức Cán bộ đã thông báo tình hình thay đổi nhân sự của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp lớn trong ngành trong Quý I/2024. Văn phòng Bộ thông báo một số văn bản quan trọng trong lĩnh vực TT&TT mới được ban hành; báo cáo về một số hoạt động nổi bật của Bộ trong Quý I và nhiệm vụ trọng tâm của Quý II/2024; tình hình xử lý kiến nghị của các đối tượng quản lý gửi đến Bộ.
Trao Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng cho Tập đoàn Viettel và Tập đoàn VNPT
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng cho Tập đoàn Viettel và Tập đoàn VNPT. Đại diện lãnh đạo hai Tập đoàn cam kết tích cực tham gia xây dựng hạ tầng để cung cấp dịch vụ tốt hơn, hiện đại hơn cho người dân trên toàn quốc.
Cũng tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Công ty Viettel Telecom, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Công ty VNPT IT, Báo Tài nguyên và Môi trường, Công ty VinAI đã trình bày các tham luận liên quan đến các chủ đề: Chuyển đổi khách hàng từ 2G lên 4G; Chuyển đổi số báo chí, hạ tầng số, kinh nghiệm xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trong báo chí thực hiện đặt hàng nhà nước trong báo chí; Kinh nghiệm nghiên cứu phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo…
Đối với các đề xuất, góp ý, vướng mắc, khó khăn mà đại diện các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị nêu ra trong tham luận, Trưởng các đơn vị thuộc Bộ đã trực tiếp trả lời thẳng thắn, đầy đủ ngay tại Hội nghị.
Đo lường, công bố chất lượng dịch vụ trong các lĩnh vực là một công cụ quản lý nhà nước quan trọng
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ một số nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực bưu chính, Bộ trưởng nhận định, gần đây chất lượng dịch vụ giảm. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, việc đảm bảo dịch vụ vận chuyển hàng hóa là cấp thiết. Vụ Bưu chính cần tiến hành đo lường, công bố thường xuyên chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp. Vụ cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành đầu tư vào mạng lưới, công cụ quản lý, chất lượng lao động để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nhấn mạnh việc quản lý thị trường bưu chính với khoảng 800 doanh nghiệp đang hoạt động, Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Bưu chính cần lảm rõ các tiêu chí về cạnh tranh lành mạnh để các doanh nghiệp thực hiện và giúp Bộ giám sát thị trường, xử lý các hành vi không lành mạnh.
Trong lĩnh vực viễn thông, việc nâng cao chất lượng mạng lưới, dịch vụ di động đang trở thành vấn đề rất nóng. Chất lượng dịch vụ mạng 4G đang giảm sút, đòi hỏi các nhà mạng phải tập trung cải thiện. Bộ trưởng lưu ý, mạng 4G hiện là mạng chính trong khi đó lại không có tần số thấp để phủ sóng. Ba nhà mạng lớn cần cân nhắc tham gia đấu thầu tần số 700 MHz nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ viễn thông.
Cục Viễn thông sẽ thực hiện đo lường chất lượng mạng thường xuyên và công bố công khai kết quả trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bộ trưởng cũng chỉ đạo Cục Viễn thông nghiên cứu các mô hình kinh doanh mới của các nhà mạng trên thế giới để áp dụng vào Việt Nam, có khuyến nghị áp dụng một cách chính thức, làm được như vậy mới thể hiện được vai trò dẫn dắt.
Năm 2024 là năm thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc. Các nhà mạng vừa dùng 5G để nâng cao chất lượng dịch vụ di động, đồng thời triển khai các dịch vụ mới cho 5G, nhất là cho các khu công nghiệp, nhà máy.
Bộ trưởng chỉ đạo cần xử lý triệt để SIM rác viễn thông. Từ ngày 15/4/2024, nếu phát hiện SIM rác thì doanh nghiệp viễn thông phải chịu trách nhiệm toàn bộ.
Về lĩnh vực chuyển đổi số, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi Nghị định 73 về quản lý đầu tư và ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước nhằm tháo gỡ các khó khăn cho các đơn vị, tổ chức trong các vấn đề như thuê dịch vụ CNTT, mua sắm phần mềm đặc thù... Các ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành, địa phương đóng vai trò quan trọng cho dự thảo Nghị định sửa đổi để khi Nghị định ban hành sẽ khả thi, thực sự giải quyết được các vướng mắc, khó khăn.
Bộ TT&TT cũng sẽ triển khai đánh giá và công bố một Tỉnh mẫu về Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và dịch vụ công trực tuyến toàn trình trong quý II/2024. Yêu cầu tất cả các báo cáo và đánh giá phải được thực hiện online, không nhận báo cáo giấy, để thúc đẩy hiệu quả quản lý trong quá trình chuyển đổi số.
Trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng, các cuộc tấn công mạng xảy ra trong thời gian gần đây là những cảnh báo về những rủi ro, thiệt hại khi các tổ chức, doanh nghiệp bị tấn công. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại hệ thống an toàn thông tin, để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của các doanh nghiệp, tổ chức về an toàn, an ninh mạng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về nâng cao an toàn thông tin. Các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, các đơn vị trong ngành phải quán triệt chỉ thị này.
Bộ trưởng chỉ đạo Cục An toàn thông tin khẩn trương đầu tư nâng cấp hệ thống cho Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Trung tâm này thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng: Giám sát thông tin trên không gian mạng và giám sát tấn công mạng, hỗ trợ các đơn vị, tổ chức khi bị tấn công mạng, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Do đó hệ thống thông tin của Trung tâm phải được cập nhật, sử dụng công nghệ mới nhất, là một hệ thống mẫu của quốc gia. Cục An toàn thông tin cần phải làm gấp việc này, đây là yêu cầu số một của Bộ trưởng đối với Cục.
Đối với lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, Bộ trưởng cho biết, năm nay Việt Nam sẽ thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số. Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông phải tổ chức nhiều hội thảo thu thập ý kiến đóng góp của các Bộ ngành, giới học giả, doanh nghiệp.
Bộ trưởng nhấn mạnh cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài. Chỉ có đi ra nước ngoài, cạnh tranh với các cường quốc thì Việt Nam mới mạnh lên được.
Đối với lĩnh vực báo chí, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Báo chí cũng như việc đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Báo chí sửa đổi. Cục Báo chí cũng cần ban hành các hướng dẫn về chuyển đổi số báo chí, lan toả các kinh nghiệm, các mô hình chuyển đổi số để các cơ quan báo chí lựa chọn.
Các cơ quan chủ quản có nhiều cơ quan báo chí cần trình lên Bộ kế hoạch thí điểm mô hình tập đoàn báo chí ngay trong quý II để Bộ xem xét và ngay trong tháng 4, Bộ sẽ có cuộc họp với các cơ quan chủ quản về vấn đề này.
Đối với lĩnh vực xuất bản, Bộ trưởng chỉ đạo việc tham dự Hội nghị quốc tế thường niên về sách sẽ góp phần mở rộng không gian cho ngành Xuất bản. Nhằm tôn vinh vai trò của sách, Giải thưởng Sách quốc gia phải đổi mới để thực sự đem lại vị trí xứng đáng cho sách. Ngành Sách cần phải có những quyển sách có hàng triệu người đọc, đây chính là phép đo đối với ngành Xuất bản Việt Nam.
Với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, hiện đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, tìm kiếm nguồn thu mới do nguồn thu truyền thống đang suy giảm trong các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, báo chí... Cơ cấu nguồn thu mới sẽ quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Việc áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) được xác định đóng vai trò quan trọng. Ứng dụng AI trong công việc hàng ngày góp phần tăng năng suất lao động, giảm tải công việc, AI càng hẹp, càng dễ làm, dễ triển khai.
Cuối cùng, Bộ trưởng đánh giá cao chất lượng các câu hỏi, các kiến nghị của các đơn vị, doanh nghiệp gửi đến Bộ trước Hội nghị giao ban hôm nay. Bộ trưởng cũng ghi nhận câu trả lời của các Cục, Vụ trực thuộc Bộ và đề nghị các doanh nghiệp, các đơn vị tổ chức liên quan tăng cường đặt ra những câu hỏi sâu cho Bộ, có như vậy cơ quan quản lý nhà nước mới thực sự lên tay, nâng cao năng lực./.