Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi gặp mặt
Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí Thứ trưởng Bộ TT&TT; Lãnh đạo chủ chốt các đơn vị thuộc Cục Báo chí, Cục PTTH&TH, Cục TTCS, Cục TTĐN, Trung tâm Thông tin, Tạp chí TT&TT, Báo VietNamNet và Cục Xuất bản, In và Phát hành.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các cơ quản lý báo chí, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động đang làm việc trong các cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ TT&TT.
Theo Bộ trưởng, đã đến lúc chúng ta cần phải có một tầm nhìn chiến lược đối với báo chí. Báo chí cách mạng Việt Nam phải tiên phong đi đầu, thực hiện tốt sứ mệnh: khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng đã được ghi vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Báo chí phải lan toả năng lượng tích cực “lấy cái tốt dẹp cái xấu”; phản ánh trung thực, thể hiện dòng chảy chính của xã hội. Đồng thời, thực hiện tốt quy hoạch báo chí và đi vào thực chất; Quan tâm đến chính sách đặt hàng cho báo chí (nhất là các tờ báo lớn, các đài lớn), tăng hỗ trợ đặt hàng báo chí từ 0,5% đến 0,65%/năm từ nguồn ngân sách của các bộ, ngành, địa phương hàng năm mà không phải xin thêm từ Chính phủ. Câu chuyện tăng ngân sách đặt hàng cho báo chí lên 0,65%/năm sẽ tạo điều kiện cho báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ báo chí cách mạng.
Quang cảnh buổi gặp mặt
Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý, Bộ TT&TT kiên quyết không bảo hộ ngược đối với doanh nghiệp xuyên biên giới. Tức là các doanh nghiệp xuyên biên giới nước ngoài cũng như doanh nghiệp nước trong đều phải bình đẳng trước pháp luật Việt Nam, phải tuân thủ pháp luật Việt Nam (hiện gần 70% nguồn thu quảng cáo thuộc về các nền tảng xuyên biên giới).
Đặc biệt chú trọng đến chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, Bộ TT&TT sẽ đứng ra nhận làm các nền tảng chuyển đổi số. Năm nay, Bộ TT&TT cũng tiếp tục đứng ra tổ chức hội nghị về chuyển đổi số cho báo chí, trong đó chú trọng đến chuyển đổi mô hình kinh doanh, thay đổi mô hình vận hành, quản trị cho phù hợp với thực tế đang đặt ra. Gần đây báo VietNamNet đã đi đầu trong việc báo chí thu tiền, thu phí phiên bản “cao cấp”. Do vậy, báo chí cần phải thay đổi mô hình kinh doanh, kể cả mô hình viết báo. Chuyển đổi số trong báo chí không chỉ là thay đổi về công nghệ mà còn là thay đổi cách làm báo, thay đổi cách kinh doanh, thay đổi phân phối, thay đổi nguồn thu,…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng sách cho một số nhà báo, đại diện cho các cơ quan báo chí của Bộ TT&TT.
Cần xây dựng từ 10 đến 15 cơ quan báo chí lớn làm chủ lực trong số 850 tờ báo ở Việt Nam hiện nay để bảo đảm nguồn lực đầu tư. Trong hoạt động, các cơ quan báo chí thường phải chi một khoản lớn cho chi phí truyền dẫn, thuê đường truyền. Về vấn đề này, Bộ trưởng giao Cục Viễn thông thống kê, đánh giá lại, trao đổi với các nhà mạng lớn, xem xét hỗ trợ việc thuê đường truyền cho các cơ quan báo chí, nhất là những cơ quan báo chí lớn, chủ lực.
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí, truyền thông phải có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế để báo chí, truyền thông phát triển, phụng sự Tổ quốc. Báo chí hiện nay còn phải thực hiện thêm một sứ mệnh nữa là tuyên truyền thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, báo chí cần đi đầu, tiên phong ngay từ đầu trong cuộc cách mạng này. Báo chí phải làm thay đổi nhận thức của người Việt Nam và truyền được cảm hứng cho toàn xã hội. Theo Bộ trưởng, trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước kia, các quốc gia hoá rồng, hóa hổ thì đều là những nước đã tận dụng được thời cơ từ các cuộc cách mạng bằng cách dám đi đầu….Chuyển đổi số cũng vậy, hiện ai đi đầu, đi tiên phong thì người ấy sẽ thắng.
Thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu báo chí cần tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền chuyển đổi số, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số trong hoạt động báo chí. Đặc biệt, báo chí phải đảm nhận ngọn cờ tiên phong dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia, tuyên truyền tác động nhận thức đến mọi người, tác động vào chính sách, giúp cho các cơ quan xây dựng pháp luật, chính sách đi vào cuộc sống, Bộ trưởng yêu cầu./.