Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 942/BDN ngày 06/11/2024, nội dung kiến nghị như sau:
Hiện nay, không có nhiều những kênh truyền hình phục vụ cho các em thiếu nhi; do đó đề nghị Bộ chỉ đạo tăng cường các kênh thông tin phục vụ cho các em thiếu nhi để dạy, truyền tải những chuẩn mực đạo đức, lối sống tốt đẹp cho các cháu từ khi còn nhỏ.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
Hiện nay, cả nước có 150 kênh truyền hình, các kênh phát thanh, kênh truyền hình thực sự là phương tiện thông tin tuyên truyền nhanh, nhạy của Đảng và Nhà nước, phục vụ kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương tích cực tuyên truyền, phản ánh nhiều chiều, phong phú, đa dạng mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, an ninh quốc phòng trong đó có các nội dung liên quan đến trẻ em, dành cho trẻ em.
Hiện các Đài Phát thanh truyền hình đang sản xuất và phát sóng 04 kênh truyền hình trong nước dành cho trẻ em; biên tập 04 kênh truyền hình nước ngoài thuộc thể loại phim hoạt hình để cung cấp trên hệ thống dịch vụ truyền hình trả tiền.
Cùng với đó, Bộ TTTT cũng đã ban hành Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ trưởng Bộ TTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT được ban hành nhằm giúp các các cơ quan báo chí, các nhà xuất bản thực hiện tốt chức năng thông tin, đặc biệt là với đối tượng khán giả trẻ em theo khoản 2, điều 46 Luật trẻ em. Thông tư quy định rõ nội dung ưu tiên sản xuất đăng, phát sóng, xuất bản; các đài, kênh truyền hình phải ưu tiên khung giờ vàng, giờ sinh hoạt chung (6 giờ - 7 giờ 30 phút; 12 giờ - 13 giờ 30; 18 giờ - 21 giờ) dành cho các tin tức, nội dung, chuyên đề về trẻ em; đối với báo in và báo điện tử thì nội dung thông tin dành cho trẻ em, tuyên truyền về trẻ em phải được ưu tiên đăng tải ở vị trí phù hợp, dễ nhận biết để trẻ dễ dàng tiếp cận. Qua khảo sát, Bộ TTTT nhận thấy về cơ bản các cơ quan báo, đài đã triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đài PTTH tăng cường ưu tiên sản xuất đăng, phát sóng các tin tức, nội dung, chuyên đề về trẻ em.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri./.