Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thứ ba, 08/10/2024 15:56

Công văn số 4069/BTTTT-VP ngày 27/9/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc trả lời kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 655/BDN ngày 02/8/2024, nội dung kiến nghị như sau:

Câu 1: Cử tri kiến nghị Bộ chỉ đạo các nhà mạng ngăn chặn cuộc gọi rác bằng các biện pháp kỹ thuật công nghệ cao để tránh việc xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:

Thời gian vừa qua, Bộ TTTT đã thực hiện 06 giải pháp trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, mạo danh [1], bên cạnh giải pháp tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân, Bộ TTTT đã phối hợp với các cơ quan chỉ đạo các nhà mạng ngăn chặn cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo bằng các biện pháp kỹ thuật công nghệ như:

- Bộ TTTT đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý các trường hợp vi phạm. Từ năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành xác thực hơn 125 triệu thuê bao từ đó xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ cũng đã nêu rõ quan điểm từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định (được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu của cuộc gọi rác). Trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ TTTT sẽ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm (có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển thuê bao), đồng thời Bộ TTTT sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở Người đứng đầu các doanh nghiệp. Từ ngày 12/5/2024 đến nay, Bộ TTTT (Cục Viễn thông) đã triển khai các đoàn kiểm tra về quản lý thông tin thuê bao di động tại các doanh nghiệp viễn thông di động, tới thời điểm hiện tại, Bộ TTTT đã đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới trong 02 tháng của 03 doanh nghiệp viễn thông di động: Vietnamobile, VNSKY đình chỉ từ ngày 1/7/2024 đến ngày 31/8/2024; Mobicast đình chỉ từ ngày 06/6/2024 đến ngày 05/8/2024. Đây là một hình thức xử lý rất nặng đối với các nhà mạng, thể hiện quyết tâm cao của Bộ TTTT trong vấn đề xử lý SIM rác, SIM không chính chủ. Bộ TTTT rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của cử tri, người dân và xã hội.

- Triển khai định danh cuộc gọi (voice brandname) cho các cơ quan nhà nước. Bộ TTTT đã tiên phong triển khai từ tháng 10/2023. Bộ TTTT đã có văn bản số 2970/BTTTT-CVT ngày 23/7/2024 gửi 30 đơn vị là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đề nghị cung cấp thông tin số điện thoại[2]. Trên cơ sở đó hiện nay, Bộ đã có văn bản gửi các doanh nghiệp viễn thông triển khai định danh cuộc gọi (voice brandname) cho các cơ quan nhà nước.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp:

- Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân: không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, qua đường link trên email/SMS; không download, sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc có khả năng lấy cắp thông tin cá nhân…

- Phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện danh sách số điện thoại định danh của cơ quan nhà nước, cung cấp danh sách cho các doanh nghiệp viễn thông di động để hoàn thiện và chính thức triển khai tính năng định danh cuộc gọi.

- Xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM.

- Phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Căn cước góp phần xác định thông tin chính chủ.

Câu 2: Cử tri kiến nghị cần tăng cường quản lý thông tin và truyền thông, cần kiểm tra và chấn chỉnh các nội dung quảng cáo, thông tin không đúng sự thật; quản lý chặt việc mua bán hàng qua mạng, tránh việc lợi dụng buôn bán trên mạng xã hội, quảng cáo sai sự thật, bán hàng kém chất lượng.

Việc quản lý hoạt động buôn bán, bán hàng kém chất lượng trên không mạng thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Thời gian qua, Bộ TTTT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương nhằm ngăn chặn hoạt động mua bán hàng hóa trái phép trên mạng, đặc biệt là trên các nền tảng của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Nhằm chấn chỉnh các nội dung quảng cáo, thông tin không đúng sự thật; quản lý chặt việc mua bán hàng qua mạng, tránh việc lợi dụng buôn bán trên mạng xã hội, quảng cáo sai sự thật, bán hàng kém chất lượng, Bộ TTTT đã triển khai thực hiện các giải pháp sau:

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để kiểm soát hoạt động bán hàng trên mạng, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok. Mục tiêu là ngăn chặn việc buôn bán hàng hóa kém chất lượng và quảng cáo sai sự thật qua các nền tảng này.

- Tiến hành rà soát, xử lý các nội dung quảng cáo vi phạm, đặc biệt tập trung vào các quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, dịch vụ. Khi xác định được đối tượng vi phạm, Bộ sẽ xử phạt hành chính. Trường hợp không xác định được danh tính, Bộ yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ nội dung hoặc chặn tên miền, website vi phạm.

- Yêu cầu nền tảng mạng xã hội gỡ bỏ nội dung vi phạm: Bộ đã yêu cầu các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok phải gỡ bỏ ngay các nội dung xấu độc và quảng cáo sai sự thật. Bộ cũng yêu cầu các nền tảng áp dụng công nghệ AI để phát hiện và xử lý vi phạm nhanh chóng.

- Chỉ đạo Sở TTTT các tỉnh/thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan để tăng cường rà quét, truy vết và xử lý các đối tượng vi phạm, đặc biệt là các nghệ sĩ và người nổi tiếng tham gia quảng cáo sai sự thật.

- Bộ TTTT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet và thông tin trên mạng, nhằm tăng cường quản lý các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.

- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

+ Rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng tầm ảnh hưởng, lòng tin, tình cảm yêu mến của người dân để tung tin giả hoặc quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sai công dụng, tính năng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt và quyền lợi của người dân.

+ Xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo, trong đó chú trọng bổ sung các quy định sau: Bổ sung các quy định mới về quảng cáo trên mạng; Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ TTTT, đồng thời cũng phát huy và tăng cường được vai trò, trách nhiệm của các địa phương; Sửa đổi, bổ sung quy định về nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo cho phù hợp với thực tế hiện này và phù hợp với xu thế phát triển. Đặc biệt, tham mưu bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các nền tảng xuyên biên giới để tạo căn cứ pháp lý cho biện pháp quản lý này.

- Phối hợp với Bộ Y tế để thẩm định, rà quét, phát hiện và xử lý các vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc đông y gia truyền và các sản phẩm y tế nói chung.

- Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc để quản lý không gian mạng: Ai quản lý lĩnh vực gì ngoài đời thực thì cũng quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng.

- Xây dựng danh sách Blacklist - White list để khuyến nghị các đại lý quảng cáo, các nhãn hàng lớn ưu tiên quảng cáo trong những trang, kênh có nội dung sạch, tích cực (white list), không quảng cáo trong những trang, kênh vi phạm, qua đó từng bước điều hướng dòng tiền quảng cáo vào các nội dung sạch đã được cấp phép, kiểm soát.

Tuy nhiên, việc quản lý các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok gặp nhiều khó khăn do các nền tảng này không có trụ sở tại Việt Nam; Các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam và phản ứng chậm trong việc gỡ bỏ các nội dung vi phạm; Các bộ, ngành chưa chủ động rà soát, phát hiện các nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật trên môi trường mạng trong lĩnh vực mà mình quản lý; Các hành vi quảng cáo sai sự thật ngày càng tinh vi; Việc phát hiện và xử lý các vi phạm yêu cầu nguồn nhân lực và công nghệ cao, trong khi đội ngũ quản lý còn mỏng và hệ thống kỹ thuật hiện nay chưa được đầu tư, nâng cấp phù hợp.

Phương hướng, giải pháp thực hiện trong thời gian tới:

- Bộ TTTT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hoàn thiện Luật Quảng cáo, bổ sung các quy định nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo trên mạng, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới.

- Bộ sẽ duy trì tỷ lệ gỡ bỏ nội dung vi phạm trên các nền tảng mạng xã hội ở mức trên 92%, đồng thời buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam.

- Tiếp tục điều hướng dòng tiền quảng cáo vào các nền tảng chính thống thông qua danh sách White List, nhằm bảo đảm quảng cáo được thực hiện trên các nền tảng đã được cấp phép và kiểm soát.

- Bộ TTTT sẽ đầu tư vào công nghệ và nâng cao năng lực giám sát, đồng thời tổ chức các chương trình tập huấn chuyên đề cho đội ngũ cán bộ quản lý, đảm bảo xử lý kịp thời các vi phạm.

Câu 3: Hiện nay, mạng xã hội đã tác động lớn đến mọi lĩnh vực hoạt động và sinh hoạt của con người, nhất là giới trẻ. Bên cạnh nhiều tiện ích, các trang mạng xã hội cũng đã gây ra những hệ lụy không tốt, khó lường với những thông tin xấu, độc, tiêu cực; cử tri kiến nghị Bộ có giải pháp thường xuyên rà soát trên không gian mạng, qua đó đã kịp thời phát hiện những vụ việc đăng tải, phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật trên mạng xã hội, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Quản lý nội dung thông tin trên mạng, đặc biệt là trên các nền tảng số nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ TTTT chú trọng thực hiện hàng năm.

Để kịp thời phát hiện những vụ việc đăng tải, phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật trên không gian mạng và xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, Bộ TTTT đã triển khai các giải pháp sau:

- Triển khai hệ thống kỹ thuật, chủ động rà soát không gian mạng: Vận hành hiệu quả Trung tâm Giám sát không gian mạng; Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc nhằm phát hiện kịp thời dấu hiệu lừa đảo, các thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật trên không gian mạng để chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn phù hợp, kịp thời; Hướng dẫn thành lập Trung tâm xử lý tin giả tại các địa phương, hình thành mạng lưới xử lý tin giả, thông tin xấu độc quốc gia[3].

- Đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, duy trì tổ chức các cuộc họp, đàm phán định kỳ, đột xuất với Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam hoặc cấp cao hơn của các nền tảng xuyên biên giới lớn để đôn đốc, yêu cầu các nền tảng này tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

- Yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam (mục tiêu ở mức từ 92%), số lượng nội dung chặn gỡ đều tăng, thời gian xử lý trong 24 giờ và cả 03 nền tảng này đều phải chấp nhận gỡ bỏ các tài khoản, trang, kênh, hội nhóm vi phạm. Các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Google đã phải áp dụng rà quét, chặn lọc tự động quảng cáo trực tuyến vi phạm trên các nền tảng do họ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam thay vì gỡ thụ động như trước đây: Từ năm 2023, Google đã chủ động rà quét, phát hiện và gỡ các tài khoản quảng cáo vi phạm trên YouTube gấp gần 03 lần số lượng chặn gỡ của năm trước đó[4]. Từ đầu năm 2023, bằng việc quyết liệt triển khai các giải pháp đấu tranh mới, Bộ đã thiết lập được quy trình xử lý đặc biệt khi có tình huống nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia với cả 03 nền tảng[5].

- Lần đầu tiên Bộ thành lập Đoàn liên ngành, tổ chức kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam vào tháng 5/2023 nhằm chấn chỉnh hoạt động của TikTok tại Việt Nam, cũng như để cảnh báo, răn đe các nền tảng xuyên biên giới khác.

- Triển khai sáng kiến về "White List" nhằm điều chỉnh dòng tiền quảng cáo từ các nền tảng xuyên biên giới về các nền tảng nội dung số trong nước với thông điệp được chuyển tải đến các đại lý quảng cáo và người làm nội dung: Chỉ làm nội dung sạch, thông tin có ích cho cộng đồng mới được nhận quảng cáo.

Trong thời gian tới, để kịp thời phát hiện việc đăng tải, phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật trên mạng xã hội và xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, Bộ TTTT sẽ triển khai các giải pháp sau:

- Tiếp tục duy trì các biện pháp đã và đang triển khai nêu trên, đồng thời có cải tiến để các biện pháp phát huy hiệu quả cao hơn, đạt mục tiêu đặt ra.

- Tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng liên quan khác trong việc kiểm tra, xác minh, điều tra, truy vết và xác định các hành vi, đối tượng vi phạm các quy định về nội dung thông tin để xử lý theo quy định của pháp luật.

- Triển khai thực thi các quy định về định danh người dùng, xác thực số điện thoại đối với người dùng trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet và thông tin trên mạng sau khi được Chính phủ ban hành nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi cung cấp, sử dụng thông tin.

- Tăng cường tuyên truyền để từng người sử dụng hiểu được trách nhiệm, cũng như để tăng sức đề kháng của người sử dụng khi tham gia cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng.

Câu 4: Dù đã có nhiều trường hợp bị xử lý khi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên không gian mạng, thế nhưng thời gian gần đây, nhiều cá nhân lại lợi dụng những vụ việc được dư luận quan tâm để đưa ra thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội, làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang cho dư luận; cử tri kiến nghị Bộ tiếp tục quan tâm kiểm tra, xử lý kịp thời.

Không gian mạng hiện nay đang tồn tại một số thông tin xấu độc, tin giả, nội dung vi phạm pháp luật. Các mạng xã hội xuyên biên giới đang là công cụ được các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng... Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Bộ TTTT xác định "không gian mạng đã trở thành trận địa chính", do đó, trong thời gian qua, Bộ đã chủ động nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả hơn nội dung trên không gian mạng. Hiện nay, Bộ đang tập trung thực hiện các giải pháp như sau:

Để xử lý tình trạng cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, Bộ TTTT đã triển khai các biện pháp sau:

- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật bảo đảm hiệu quả công tác quản lý không gian mạng, hạn chế tối đa các đối tượng lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, lừa đảo…. Hiện nay, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet và thông tin trên mạng, trong đó bổ sung nhiều quy định để bảo đảm hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực này, tăng cường quản lý các mạng xã hội xuyên biên giới.

- Quyết liệt đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, TikTok… buộc các nền tảng này phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xấu độc, tin giả trên nền tảng của các đơn vị này. Nhờ đó, tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật trên các nền tảng này đều tăng theo từng giai đoạn[6] và các nền tảng này đều đáp ứng tốt hơn các yêu cầu ngày càng cao của Chính phủ Việt Nam.

- Triển khai hệ thống kỹ thuật, chủ động rà soát không gian mạng: Vận hành Trung tâm Giám sát không gian mạng; Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc nhằm phát hiện kịp thời dấu hiệu lừa đảo, các thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật trên không gian mạng để chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn phù hợp, kịp thời; Kết nối các Bộ, ngành, địa phương với Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam để hướng dẫn thành lập Trung tâm xử lý tin giả tại các địa phương, hình thành mạng lưới xử lý tin giả, thông tin xấu độc Quốc gia

- Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí định kỳ hoặc khi có tình huống mới, phát sinh …

- Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, xây dựng quy chế phối hợp để xử lý, ngăn chặn các nội dung vi phạm pháp luật. Tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để quản lý thông tin trên mạng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các dấu hiệu vi phạm, hành vi vi phạm, với nhận thức thế giới thực ra sao, trên không gian mạng như vậy - ai quản lý lĩnh vực nào ở thế giới thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng.[7]

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Trung tâm xử lý tin giả, tin sai sự thật tại địa phương. Việc thành lập các Trung tâm ngay tại địa phương giúp công tác ngăn chặn và xử lý tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng đạt hiệu quả cao hơn, góp phần giảm tỉ lệ thông tin tiêu cực trên mạng[8].

- Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội; Phát hành cuốn "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng" nhằm cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân dùng mạng Internet để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả tin giả, tin sai sự thật; tổ chức truyền thông trên báo chí, trên mạng xã hội trong và ngoài nước về Bộ cẩm nang dưới các hình thức: bài viết, clip tóm tắt, infographic…

- Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức phát tán tin giả. Áp dụng triệt để hệ thống kỹ thuật giám sát, rà quét phát hiện kịp thời nguồn phát tán tin giả, tin xấu độc để có biện pháp xử lý phù hợp.

Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp sau:

- Các cơ quan chức năng thuộc Bộ TTTT tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng liên quan khác trong việc kiểm tra, xác minh, điều tra, truy vết và xác định các hành vi, đối tượng vi phạm phát tán tin giả để xử lý theo quy định của pháp luật.

- Triển khai thực thi các quy định về định danh người dùng được quy định tại Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet và thông tin trên mạng sau khi được Chính phủ ban hành.

- Tiếp tục xây dựng và thực hiện các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức người dùng mạng xã hội.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri./.


https://vietnamnet.vn/bo-truong-bo-tt-tt-neu-6-giai-phap-xu-ly-tinh-trang-lua-dao-truc-tuyen-2283773.html

[1] Gửi tới 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Đến nay, Bộ đã đã nhận được 10 văn bản của các đơn vị. Trong đó 03 đơn vị không đăng ký (Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước, Thông tấn xã Việt Nam); 06 đơn vị đăng ký (Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

[2] Đến nay đã có 16 tỉnh, thành phố có Trung tâm xử lý tin giả/sai sự thật hoặc Bộ phận xử lý tin giả theo hướng dẫn của Bộ TTTT.

[3] Năm 2023, Facebook đã gỡ 117 trang (page) quảng cáo, kinh doanh, mua bán hóa đơn trái phép; 43 hội nhóm kêu gọi, hướng dẫn cách bùng, trốn nợ, lừa đảo và rủ nhau đi cướp ngân hàng, gỡ 43 tài khoản và 02 group giả mạo; Google tiếp tục gỡ hàng ngàn hàng ngàn quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và tài khoản quảng cáo vi phạm quy định pháp luật.

[4] Kết quả 8 tháng đầu năm 2024:

[5]Từ năm 2020 đến giữa năm 2022, tỷ lệ đáp ứng đạt khoảng 90%; từ cuối 2022 đến nay, tỷ lệ đáp ứng trung bình là 92%.

[6] Phối hợp với Bộ Công an xác minh các hành vi vi phạm; Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các biện pháp hạn chế sự xuất hiện hình ảnh, sản phẩm nghệ thuật biểu diễn của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên báo chí, các phương tiện truyền thông (nhất là trên Facebook, YouTube, TikTok) khi có vi phạm về pháp luật hoặc vi phạm Quy tắc ứng xử trên không gian mạng...

[7] Đến nay đã có 16 tỉnh, thành phố có Trung tâm xử lý tin giả/sai sự thật hoặc Bộ phận xử lý tin giả theo hướng dẫn của Bộ TTTT.

Bộ Thông tin và Truyền thông
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top