Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 942/BDN ngày 06/11/2024 và Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo công văn số 8502/VPCP-QHĐP ngày 20/11/2024, nội dung kiến nghị như sau:
Câu 1: Cử tri phản ánh, hiện có khoảng 400 nhà cung cấp các dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin cho doanh nghiệp; một số lĩnh vực theo quy định của Nhà nước cũng có rất nhiều nhà cung cấp và độ cạnh tranh rất lớn như: 25 nhà cung cấp chữ ký số, hơn 100 nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, hơn 20 nhà cung cấp phần mềm kế toán và phần mềm quản lý bán hàng, còn lại hàng chục nhà cung cấp cho các phân khúc khách hàng nhỏ lẻ khác, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khi sử dụng các sản phẩm số vì phải sử dụng nhiều nền tảng, chưa có nền tảng tích hợp, liên kết dữ liệu. Cử tri kiến nghị ban hành quy định các tiêu chuẩn, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghệ thông tin có cơ chế tích hợp các bộ sản phẩm nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
Sau khi rà soát Bộ TTTT nhận thấy rằng việc cử tri kiến nghị cần nghiên cứu, ban hành quy định các tiêu chuẩn trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghệ thông tin có cơ chế tích hợp các bộ phận sản phẩm là cần thiết nhằm tích hợp, liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin nói chung.
Nguyên tắc cơ bản của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được quy định tại Điều 6, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật: (i) Bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế; (ii) Đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh quốc gia, vệ sinh, sức khoẻ con người, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan, bảo vệ động vật, thực vật, môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; (iii) Công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử và không gây trở ngại không cần thiết đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại; (iv) Việc xây dựng tiêu chuẩn phải bảo đảm sự tham gia và đồng thuận của các bên có liên quan, phải dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ, kinh nghiệm thực tiễn, nhu cầu hiện tại và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội; hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, phù hợp với đặc thù Việt Nam.
Việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ cụ thể phải dựa trên các chính sách quản lý cụ thể của các cơ quan nhà nước (định hướng phát triển, mục tiêu quản lý, biện pháp quản lý, phạm vị ảnh hưởng/tác động tới tổ chức, cá nhân …) đồng thời tuân thủ các nguyên tắc của hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Tiêu chuẩn khi được ban hành chỉ mang tính khuyến nghị, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp tự nguyện áp dụng để nâng cao chất lượng và tính tương thích đối với sản phẩm mà họ làm ra. Còn quy chuẩn mang tính bắt buộc và phải đảm bảo quy định đối với hàng hóa nhóm 2 (có khả năng gây mất an toàn cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, môi trường và an ninh) theo quy định tại Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP, nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng và tuân thủ quy định pháp luật. Do vậy, việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải tuân thủ theo đúng quy định pháp luật.
Về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với Nền tảng số, thời gian tới, Bộ TTTT sẽ khuyến nghị các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp khi xây dựng các phần mềm cần đảm bảo có cơ chế tích hợp, liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống với nhau nhằm đảm bảo tuân thủ theo quy định tại khoản 2, Điều 27 về hạ tầng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo Nghị định 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
Câu 2: Cử tri cho rằng, chuyển đổi số giúp tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo điều hành, tiến đến phát triển Chính phủ số, xã hội số, công dân số. Cử tri kiến nghị Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng Chương trình, Đề án phổ cập chữ ký số cá nhân cho người dân khi thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử thay thế cho giao dịch bằng giấy tờ nói chung và giải quyết thủ tục hành chính nói riêng.
Bộ TTTT nhất trí với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng. Hiện nay, Bộ TTTT đã xây dựng Dự thảo Đề án thúc đẩy sử dụng chữ ký số cá nhân cho người dân trong 03 lĩnh vực mang tính đột phá là dịch vụ công, giáo dục và y tế. Trong đó, giải pháp trọng tâm là thúc đẩy các nhà mạng viễn thông, các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực cung cấp các gói dịch vụ, khuyến mại, giảm giá để thu hút người dân sử dụng chữ ký số trong 03 lĩnh vực trên. Hoạt động thúc đẩy số lượng và chất lượng chữ ký số được thực hiện theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, tuân thủ nguyên tắc thị trường, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.