Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời kiến nghị của cử tri TP Đà Nẵng gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thứ ba, 08/10/2024 16:27

Công văn số 4077/BTTTT-VP ngày 27/9/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc trả lời kiến nghị của cử tri TP Đà Nẵng gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 655/BDN ngày 02/8/2024 và Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo công văn số 5887/VPCP-QHĐP ngày 19/8/2024, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri phản ánh, tình trạng lợi dụng mạng xã hội để đưa thông tin không chính xác, tiêu cực, độc hại, … nhằm thu hút lượng người xem với các mục đích khác nhau đang diễn ra phức tạp. Cử tri kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để giám sát, kiểm duyệt nội dung các thông tin và có chế tài xử phạt đủ sức răn đe nhằm giải quyết triệt để vấn đề này.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:

Internet luôn có tính 2 mặt, bên cạnh những tác động tích cực như thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của xã hội, kết nối không giới hạn người dùng về không gian và thời gian, là môi trường thuận lợi để kinh doanh, học tập, giải trí... thì Internet nói chung cũng có những tác động tiêu cực; thông tin xấu độc từ mạng xã hội. Nhận thức được thực trạng này, trong những năm gần đây, Bộ TTTT đã kiên quyết, kiên trì triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực nêu trên, cụ thể:

- Bộ TTTT đã triển khai rà quét, phát hiện và xử lý các thông tin xấu độc, quảng cáo vi phạm trên các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok[1]. Trong trường hợp xác định được danh tính đối tượng vi phạm, Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính; nếu không xác định được thì yêu cầu các nền tảng này gỡ bỏ các đường link vi phạm và chặn tên miền.

- Bộ đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok phải ngăn chặn và gỡ bỏ các nội dung vi phạm, sử dụng công nghệ AI để phát hiện và xử lý vi phạm. Tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook và YouTube ở mức trên 92%, bao gồm việc gỡ bỏ nhiều tài khoản và trang mạng vi phạm như Facebook đã chặn và gỡ 539 tài khoản giả mạo và nhiều nhóm có nội dung vi phạm, TikTok gỡ bỏ 32 tài khoản và một số quảng cáo bất hợp pháp.

- Bộ đã chỉ đạo Sở TTTT các tỉnh/thành phố phối hợp với cơ quan liên quan để rà soát, truy vết và xác định các đối tượng vi phạm nhằm xử lý nghiêm.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; phát huy vai trò của các bộ, ngành địa phương trong việc quản lý không gian mạng. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý nghiêm các trường hợp nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng sự ảnh hưởng để quảng cáo sai sự thật hoặc tung tin giả.

- Bộ đã đề xuất hình thành mạng lưới xử lý tin giả trên toàn quốc, kết nối các địa phương với Trung tâm Xử lý tin giả thông tin xấu độc Việt Nam. Đến nay, 16 tỉnh, thành phố đã thành lập trung tâm này.

- Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, để từng người dân có sức đề kháng khi tiếp cận, sử dụng thông tin trên không gian mạng.

- Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet và thông tin trên mạng, trong đó đã bổ sung rất nhiều quy định mới nhằm tăng cường quản lý mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên biên giới. Dự kiến Nghị định này sẽ được Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2024.

Tuy nhiên, trong quá trình xử lý tình trạng lợi dụng mạng xã hội để đưa thông tin không chính xác, tiêu cực, độc hại cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như:

- Việc kiểm soát các nền tảng xuyên biên giới còn gặp nhiều khó khăn do các nền tảng này không có trụ sở tại Việt Nam.

- Các công nghệ mới được sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo, phát tán thông tin sai lệch trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho việc phát hiện và xử lý vi phạm.

Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp sau:

- Bộ sẽ tiếp tục trình các văn bản pháp luật mới, đặc biệt là dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet và thông tin trên mạng, nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các mạng xã hội xuyên biên giới và xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Triển khai phổ biến và thực thi các quy định tại Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet và thông tin trên mạng sau khi được Chính phủ ban hành.

- Tăng cường phối hợp với cơ quan chủ quản, các bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý thông tin trên mạng xã hội và thông tin, dịch vụ trên không gian mạng theo hướng ai quản lý lĩnh vực nào ở thế giới thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng.

- Tăng cường hiệu quả, nâng cấp Trung tâm Giám sát không gian mạng và Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Quốc gia. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương xây dựng Trung tâm xử lý tin giả, tin xấu độc tại địa phương để kết nối hình thành mạng lưới xử lý tin giả, tin xấu độc Quốc gia.

- Tiếp tục chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nhất là trước các vấn đề được dư luận trong và ngoài nước quan tâm; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng để trả lời cử tri./.


[1] Riêng trong Quý III/2024: Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.751 nội dung, xóa 329 tài khoản và 1 nhóm vi phạm (tỷ lệ 93%). Google đã gỡ 2.024 video vi phạm trên YouTube và 19 kênh vi phạm chứa 49.469 video (tỷ lệ 92%). TikTok đã chặn gỡ 241 nội dung vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, tin giả. Trong đó, xóa 108 tài khoản đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước (chứa khoảng 15.558 video) (tỷ lệ 92%).

Bộ Thông tin và Truyền thông
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top