Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 942/BDN ngày 06/11/2024, nội dung kiến nghị như sau:
Hiện nay, Chính phủ đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số, không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực hạ tầng thực hiện chuyển đổi số chưa đảm bảo, sóng di động 3G, 4G rất yếu. Đề nghị Chính phủ quan tâm có chính sách đầu tư hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ở khu vực miền núi, vùng lõm. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính phải thực hiện đồng thời trên môi trường mạng và văn bản giấy, gây tốn kém, mất nhiều thời gian. Do vậy, đề nghị rà soát tiến tới chỉ thực hiện trên môi trường mạng đối với các thủ tục hành chính, đảm bảo yêu cầu (không dùng văn bản giấy).
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
Đối với vấn đề đầu tư hạ tầng phục vụ chuyển đổi số Đối với vấn đề chỉ thực hiện trên môi trường mạng đối với các thủ tục hành chính, đảm bảo yêu cầu (không dùng văn bản giấy).
Việc phát sinh các khu vực chưa có sóng 3G, 4G hoặc đã có sóng nhưng sóng yếu là vấn đề khó tránh khỏi trong quá trình phát triển đô thị, di dân, phát triển kinh tế, thành lập khu dân cư mới, xây dựng các tòa nhà cao tầng gây nên hiện tượng che chắn làm hạn chế vùng phủ sóng …kể cả ở khu vực thành phố đã được phủ sóng dày đặc. Việc triển khai hạ tầng để cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại các khu vực phát sinh chưa có sóng di động là việc làm thường xuyên, liên tục của Bộ TTTT để bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận được dịch vụ viễn thông phổ cập, không để ai bị bỏ lại phía sau nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo chủ quyền biên giới trên đất liền và trên biển của nước ta.
Thời gian qua, Bộ TTTT đã có nhiều chỉ đạo trong công tác phủ sóng vùng lõm. Trước năm 2021, toàn quốc còn 3.310 thôn, bản, làng, ấp, buôn, bon, phum, sóc (gọi chung là đơn vị cấp thôn) lõm sóng, đến nay các doanh nghiệp viễn thông đã phủ sóng được 2.568 thôn. Hiện nay, chỉ còn 742 thôn lõm sóng. Đối với các thôn lõm sóng còn lại, các doanh nghiệp vẫn đang tập trung nguồn lực để phủ sóng. Theo kế hoạch đặt ra, các thôn bản lõm sóng đã có điện sẽ được hoàn thành phủ sóng vào tháng 6/2025. Đối với các thôn chưa có điện, Bộ TTTT đã gửi danh sách này cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị rà soát, ưu tiên triển khai điện lưới để phủ sóng viễn thông.
Hiện nay, Bộ TTTT vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, phát triển hạ tầng các khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo và nâng cao chất lượng vùng phủ. Bộ TTTT đã ban hành các Quyết định: (1) Quyết định số 816/QĐ-BTTTT ngày 18/05/2024 về kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông Việt Nam giai đoạn 2024-2025; (2) Quyết định số 1110/QĐ-BTTTT ngày 02/7/2024 phê duyệt kế hoạch nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động Việt Nam đến năm 2025.
Nhằm đảm bảo cho mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ viễn thông, không để ai bị bỏ lại phía sau, rất mong các địa phương khi phát hiện nơi nào còn lõm sóng, hoặc sóng yếu, đề nghị các địa phương gửi danh sách thông tin về Bộ TTTT (Cục Viễn thông). Bộ TTTT sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp kiểm tra, rà soát, lên kế hoạch phủ sóng.
Ngày 14/10/2024, Bộ TTTT đã ban hành văn bản số 4338/BTTTT-CĐSQG về Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đặt mục tiêu đến hết năm 2025, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (không sử dụng bản giấy) của cả nước đạt 80% (khối bộ đạt 85%; khối tỉnh 70%). Trong đó nhấn mạnh việc tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo hướng đơn giản, thuận tiện; Xây dựng kho dữ liệu số để bảo đảm người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến không phải cung cấp thông tin lặp lại cho cơ quan nhà nước, đồng thời cơ quan nhà nước xử lý, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và dựa trên dữ liệu.
Bộ TTTT cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2024/NĐ-CP ngày 23/10/2024 quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử. Tại Điều 8 của Nghị định số 137/2024/NĐ-CP quy định:
- Thủ tục hành chính và dịch vụ hành chính công quy định hoặc không quy định thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng thực hiện theo quy định của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và quy định của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, trừ trường hợp luật khác quy định không được thực hiện bằng phương tiện điện tử.
- Cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình khi đủ điều kiện thực hiện trọn vẹn từ đầu đến cuối quy trình bằng phương tiện điện tử. Trong trường hợp chưa thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử, cơ quan nhà nước phải thông báo để tổ chức, cá nhân được biết.
Trong năm 2025, Bộ TTTT sẽ có hướng dẫn bộ, ngành, địa phương thực hiện nội dung này theo quy định tại Nghị định số 137/2024/NĐ-CP.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam để trả lời cử tri./.