Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024, nội dung kiến nghị như sau:
Câu 1: Hiện nay, tình trạng lừa đảo núp bóng các loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên không gian mạng đang diễn biến hết sức phức tạp; tình trạng lưu hành sim rác của các nhà mạng tạo điều kiện để tội phạm lợi dụng sim rác cho mục đích phạm tội, lừa đảo gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự và làm hao hụt kinh tế của người dân. Đề nghị thực hiện các biện pháp quyết liệt để hạn chế tối đa các hành vi phạm tội nói trên; đồng thời có giải pháp tăng cường công tác quản lý của các doanh nghiệp viễn thông không để tình trạng sim rác tiếp tục lưu hành trên thị trường.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
Thời gian vừa qua, Bộ TTTT đã thực hiện 6 giải pháp trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến tình trạng lừa đảo trực tuyến như: chỉ đạo cơ quan báo, đài lớn tổ chức các chuyên mục để cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến, phối hợp với Bộ Công an để xử lý và triệt phá một số đường dây lừa đảo trực tuyến, gán nhãn xanh cho các trang web của cơ quan Nhà nước và các tổ chức đã được xác thực…trong đó, đối với công tác quản lý SIM thuê bao di động: Từ ngày 15/4/2024, Bộ TTTT đã thông báo, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ sẽ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm, đồng thời sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở Người đứng đầu các doanh nghiệp. Hiện tại, Bộ TTTT (Cục Viễn thông) đã và đang triển khai các đoàn kiểm tra về quản lý thông tin thuê bao di động tại các doanh nghiệp viễn thông di động, tới thời điểm hiện tại Bộ TTTT đã đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới trong 2 tháng của 03 doanh nghiệp viễn thông di động: Vietnammobile, VNSKY đình chỉ từ 01/7/2024 đến 31/8/2024; Mobicast đình chỉ từ 06/6/2024 đến 05/8/2024. Đây là một hình thức xử lý rất nặng đối với các nhà mạng, thể hiện quyết tâm cao của Bộ TTTT trong vấn đề xử lý SIM rác, SIM không chính chủ, rất mong nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của cử tri, người dân và xã hội.
Đồng thời trên cơ sở tiếp thu kiến nghị, đề xuất của các cử tri, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp:
- Phối hợp với Bộ Công an hoàn thiện danh sách số điện thoại định danh của ngành Công an, cung cấp danh sách cho các doanh nghiệp viễn thông di động để hoàn thiện và chính thức triển khai tính năng định danh cuộc gọi.
- Xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM.
- Phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Căn cước góp phần xác định chính chủ.
Câu 2: Cử tri kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để xử lý dứt điểm tình trạng lợi dụng mạng xã hội để đưa những thông tin xấu, độc, không chính xác, có ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến tư tưởng, nhận thức, lối sống, hành vi của một bộ phận người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu niên.
Internet luôn có tính 2 mặt, bên cạnh những tác động tích cực như thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của xã hội, kết nối không giới hạn người dùng về không gian và thời gian, là môi trường thuận lợi để kinh doanh, học tập, giải trí... thì Internet nói chung cũng có rất nhiều tác động tiêu cực; thông tin xấu độc từ mạng xã hội, blog cá nhân, ảnh hưởng của trò chơi trực tuyến, phim ảnh bạo lực, đồi trụy đã góp phần làm gia tăng tội phạm và nhiều hiện tượng xã hội đáng quan tâm khác, đặc biệt là với học sinh do dễ tiếp cận thông tin lừa đảo, sai trái, xấu độc... Nhận thức được thực trạng này, trong những năm gần đây, Bộ TTTT đã kiên quyết triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực nêu trên, cụ thể: (1) Bằng nhiều biện pháp kiên quyết đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới buộc các nền tảng này phải đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, trong đó có việc nâng tỷ lệ, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, độc lên mức cao nhất; chủ động rà quét, ngặn chặn thông tin xấu độc; (2) Thành lập và khai thác hiệu quả Trung tâm rà quét không gian mạng để phát hiện kịp thời nguồn thông tin xấu độc; (3) Tăng cường xử lý đối tượng vi phạm; (4) Phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để quản lý người nổi tiếng, nghệ sỹ, người có tác động, ảnh hưởng nhiều với thế hệ trẻ để không có những hành vi lệch chuẩn; (5) Hoàn thiện hệ thống chính sách, cụ thể xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet và thông tin trên mạng, đã bổ sung nhiều quy định để hạn chế tình trạng thông tin xấu độc, sai sự thật, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng; (6) Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; phát huy vai trò của các bộ, ngành địa phương trong việc quản lý không gian mạng; (7) Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, để từng người dân có sức đề kháng khi tiếp cận, sử dụng thông tin trên không giang mạng.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp sau:
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Triển khai phổ biến và thực thi các quy định tại Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP sau khi được Chính phủ ban hành.
- Đối với công tác đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới: (1) Duy trì tỷ lệ chặn gỡ nội dung xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới ở mức cao (>92%), gỡ nhiều tài khoản, trang, kênh, nhóm vi phạm hơn; (2) Xử lý và buộc các nền tảng xuyên biên giới phải khắc phục các sai phạm, tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam.
- Tiếp tục nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo từ các nền tảng xuyên biên giới về các cơ quan báo chí, các trang thông tin điện tử, trang, kênh nội dung đã được xác thực.
- Sử dụng hiệu quả đội ngũ các công ty truyền thông lớn, các KOLs đã tập hợp, kết nối được để triển khai các chiến dịch truyền thông chính sách, các chủ trương của Bộ trên các nền tảng xuyên biên giới.
- Tăng cường phối hợp với cơ quan chủ quản, các bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý thông tin trên mạng xã hội và thông tin, dịch vụ trên không gian mạng theo hướng ai quản lý lĩnh vực nào ở thế giới thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng.
- Đầu tư nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chú trọng công tác tập huấn chuyên đề và kiểm tra, giám sát tại một số địa phương, bộ ngành… Tăng cường rà soát, xử lý đối với việc đưa tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm đời tư các cá nhân, tổ chức, công dân, kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và phát tán thông tin độc hại trên Internet.
- Tăng cường hiệu quả, nâng cấp Trung tâm Giám sát không gian mạng và Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc quốc gia. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương xây dựng Trung tâm xử lý tin giả, tin xấu độc tại địa phương để kết nối hình thành mạng lưới xử lý tin giả, tin xấu độc quốc gia.
- Tiếp tục chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nhất là trước các vấn đề được dư luận trong và ngoài nước quan tâm; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định để trả lời cử tri./.
Bộ Thông tin và Truyền thông