Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Long An do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 942/BDN ngày 06/11/2024, nội dung kiến nghị như sau:
Câu 1: Hiện nay các đối tượng lừa đảo sử dụng sim rác giả danh cơ quan chức năng (cán bộ công an, thông tin truyền thông, nhân viên ngân hàng, người giao hàng,..), nhắn tin, gọi điện cho người dân để yêu cầu, đe dọa, dụ dỗ diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi. Cử tri tiếp tục kiến nghị có các giải pháp quản lý sim rác của các nhà cung cấp dịch vụ mạng và kịp thời thông tin, tuyên truyền và ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
Từ năm 2023 đến nay, với sự phối hợp tích cực của Bộ Công an, Bộ TTTT đã hướng dẫn, đôn đốc các nhà mạng đối soát, bảo đảm 100% SIM thuê bao di động (hơn 125 triệu thuê bao đã được đối soát - qua đó xử lý 17 triệu (chuẩn hoá 11 triệu, chặn 6 triệu)) có thông tin trùng khớp với thông tin được đối soát trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó bảo đảm các SIM thuê bao hiện nay đều có thông tin đầy đủ, đúng quy định. Vấn đề còn tồn tại hiện nay là tình trạng SIM không chính chủ, không xác định được chính xác người sử dụng dịch vụ dù có thông tin đầy đủ, đúng quy định.
Bộ TTTT xác định để xử lý SIM không chính chủ sẽ cần sự tham gia của cả nhà mạng và người dân, từ đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới Bộ sẽ tập trung triển khai các giải pháp sau:
- Chỉ đạo các nhà mạng triển khai nhắn tin thông báo quy định tại Luật Viễn thông (chủ thuê bao sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc sử dụng số thuê bao viễn thông do mình đã giao kết) từ đó đề nghị người dân chủ động rà soát, đảm bảo SIM chính chủ và thông tin cá nhân của mình đang không bị sử dụng để kích hoạt cho SIM không sở hữu.
- Tiến hành tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm của bản thân trong việc đảm bảo SIM chính chủ.
- Tiếp tục chủ động thanh, kiểm tra các doanh nghiệp viễn thông và nếu phát hiện SIM có thông tin không đúng quy định sẽ xử lý nghiêm vi phạm (dừng phát triển thuê bao). Bộ TTTT đã thông báo từ ngày 15/4/2024, nếu phát hiện vi phạm về SIM rác, Bộ sẽ đình chỉ phát triển thuê bao mới của doanh nghiệp viễn thông.
- Phối hợp với Bộ Công an, các đơn vị liên quan trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về SIM rác, SIM không chính chủ, trong đó làm rõ trách nhiệm của các bên (doanh nghiệp, người sử dụng) và xử lý nghiêm vi phạm.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chủ động cập nhật, ứng dụng các giải pháp công nghệ trong việc chủ động phát hiện, xử lý SIM không chính chủ.
Câu 2: Trong thời gian gần đây, các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải những nội dung chưa được kiểm chứng về chất lượng và một số thông tin sai lệch; một số ca sĩ nổi tiếng đăng những hành động không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, gây bất bình và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người dân. Cử tri tiếp tục kiến nghị cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm mang tính răn đe các đối tượng có hành vi vi phạm trên không gian mạng.
Tình trạng nghệ sĩ, người nổi tiếng và KOLs (người có tầm ảnh hưởng) tham gia quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng đang diễn biến phức tạp và gây nhiều hệ lụy tiêu cực. Các cá nhân này thường lợi dụng sự nổi tiếng, được nhiều người quan tâm để quảng cáo phóng đại công dụng của thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm, lừa dối người tiêu dùng về việc đã sử dụng sản phẩm; dùng uy tín cá nhân quảng cáo cho hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, dịch vụ tài chính, đầu tư, tiền ảo và tín dụng đen… Hình thức quảng cáo phổ biến nhất là tự đăng tin bài, livestream bằng tài khoản mạng xã hội (MXH) có đông người theo dõi của mình; hoặc xuất hiện trong các hình ảnh, video được nhãn hàng phát tán, chạy quảng cáo rộng rãi trên mạng, chủ yếu là trên MXH xuyên biên giới.
- Xử lý vi phạm chưa triệt để, chủ yếu là do:
+ Luật Quảng cáo năm 2012 chưa có quy định về trách nhiệm của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng, KOLs khi tham gia quảng cáo. Do đó, chưa có ràng buộc đối với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng, KOLs trong trường hợp nội dung quảng cáo là không đúng sự thật hoặc yêu cầu họ phải tìm hiểu về công dụng, tính năng, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, dịch vụ và có trách nhiệm về các nội dung mình quảng cáo.
+ Chế tài xử phạt thấp, chưa đủ tính răn đe so với thu nhập từ quảng cáo phi pháp mang lại.
Bộ TTTT đang triển khai các giải pháp như:
- Tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm đối với nghệ sĩ và KOLs: Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát, xử lý nghiêm những nghệ sĩ, KOLs quảng cáo sai sự thật, đồng thời đăng tải thông tin công khai về các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người dân.
- Tập trung rà quét, phát hiện và xử lý các quảng cáo sai sự thật, tập trung trên Facebook, YouTube, TikTok; Yêu cầu Facebook, Google, TikTok tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, chặn gỡ các quảng cáo sai sự thật theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, tập trung vào nhóm sản phẩm thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không cho phép quảng cáo khi chưa được cơ quan chuyên ngành về y tế cấp phép, xác nhận nội dung quảng cáo; đồng thời, xây dựng các thuật toán AI để chủ động rà quét, gỡ bỏ triệt để quảng cáo và tài khoản quảng cáo có vi phạm .
- Tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành như: Bộ Y tế, Bộ Công Thương để kiểm tra, giám sát nội dung quảng cáo thuộc các lĩnh vực chuyên ngành nhằm đảm bảo tính hợp pháp và an toàn cho người tiêu dùng, theo quan điểm bộ, ngành nào quản lý lĩnh vực nào trong đời thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng; phối hợp với Bộ Tài chính để tăng cường quản lý thuế.
- Triển khai đề án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát không gian mạng áp dụng công nghệ AI để rà quét nội dung, hình ảnh, video để phát hiện quảng cáo vi phạm.
- Đề xuất bổ sung trách nhiệm xác thực thông tin quảng cáo và đảm bảo nội dung quảng cáo minh bạch, an toàn của người nổi tiếng, KOLs vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo: phân biệt nội dung quảng cáo và nội dung thông thường; thông báo cho người xem về việc đang thực hiện quảng cáo; tuân thủ quy định về pháp luật về quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Bổ sung thêm các chế tài xử phạt để đảm bảo tính răn đe như: tăng mức phạt, thu hồi Giấy phép, truy thu thu nhập từ việc quảng cáo phi pháp, cấm hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo.
- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai quy trình xử lý vi phạm đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, theo hướng: (1) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật; (2) Hạn chế biểu diễn, phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên báo chí, Đài phát thanh truyền hình, trên môi trường mạng theo Quy trình thí điểm đã ban hành (phong sát).
- Tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật cho người nổi tiếng, KOLs, người có ảnh hưởng để tăng cường ý thức trách nhiệm khi tham gia quảng cáo trên mạng.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng: Thông qua các chiến dịch truyền thông, Bộ sẽ nâng cao nhận thức người dân, giúp họ biết cách nhận diện quảng cáo sai sự thật và cẩn trọng hơn khi lựa chọn sản phẩm dựa trên các quảng cáo của người nổi tiếng.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Long An, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An để trả lời cử tri./.