Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 942/BDN ngày 06/11/2024, nội dung kiến nghị như sau:
Câu 1: Đề nghị Bộ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Quỹ Viễn thông công ích đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong việc phát triển hạ tầng số tại các địa phương, nhất là đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn như tỉnh Lạng Sơn.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
Việc triển khai hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông công ích tại khu vực khó khăn cần có các quy định đặc thù. Luật Viễn thông số 24/2023/QH15 đã giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Hiện nay, Bộ TTTT đang tích cực hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Viễn thông về hoạt động viễn thông công ích để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành (dự kiến Bộ TTTT sẽ trình trong Quý I/2025). Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định nêu trên, Bộ TTTT sẽ chỉ đạo Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam khẩn trương triển khai để hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư phát triển hạ tầng số (phủ sóng di động băng rộng mặt đất và băng rộng cố định) tại các thôn/bản đã có điện thuộc địa bàn hỗ trợ của Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích trên cả nước, trong đó có các thôn/bản thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Dự kiến, việc này sẽ được triển khai và hoàn thành trong tháng 6/2025.
Câu 2: Đề nghị Bộ tiếp tục quan tâm, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện hỗ trợ các địa phương trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Nền tảng số của địa phương với cơ sở dữ liệu của các cơ quan trung ương có liên quan; tiếp tục mở các lớp đào tạo trực tuyến qua các nền tảng học trực tuyến mở đại trà để đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức địa phương về chuyển đổi số.
1. Về thực hiện hỗ trợ các địa phương trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Nền tảng số của địa phương với cơ sở dữ liệu của các cơ quan trung ương có liên quan:
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ TTTT sẽ tiếp tục thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương chia sẻ dữ liệu lên Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để các cơ quan nhà nước khai thác, sử dụng.
Hiện nay, Bộ TTTT đã xúc tiến kết nối khoảng 28 hệ thống thông tin từ các bộ, ngành với NDXP để các địa phương kết nối; tổng số đầu mối kết nối khoảng gần 100 đầu mối kết nối. Số lượng giao dịch năm 2023 đã có sự tăng trưởng mạnh đạt hơn 1 tỷ giao dịch tăng so với năm 2022 hơn 60%. Các đề nghị kết nối của các bộ, ngành, địa phương với NDXP đã được đáp ứng đầy đủ.
Trong năm 2023, Bộ TTTT đã tổ chức rà soát toàn bộ các cơ sở dữ liệu, nền tảng số do các bộ, ngành triển khai toàn quốc. Hiện nay, các bộ, ngành đã công bố tổng cộng 159 nền tảng số triển khai toàn quốc. Để thúc đẩy việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành với địa phương, trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ xúc tiến kết nối các nền tảng số này với NDXP để các địa phương thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu.
2. Về tiếp tục mở các lớp đào tạo trực tuyến qua các nền tảng học trực tuyến mở đại trà để đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức địa phương về chuyển đổi số.
Bộ TTTT đã triển khai các nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Bộ TTTT đã xây dựng nền tảng bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số cho người dân: Từ năm 2022 đến nay, Bộ TTTT (Cục Chuyển đổi số quốc gia) đã chủ trì tổ chức 15 khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho tổng cộng 751.505 cán bộ học viên trong cả nước trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà MOOCS. Các bộ, ngành, địa phương đã sử dụng Nền tảng MOOCs để chủ động bồi dưỡng cho tổng cộng 490.200 cán bộ học viên. Thực hiện phổ cập kỹ năng số cho người dân trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà MOOCs với hơn 40 triệu lượt truy cập khóa học.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy hơn nữa việc triển khai các khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước trên toàn quốc, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng các khóa học.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn để trả lời cử tri./.