Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Đà Nẵng gửi tới trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Thứ năm, 06/02/2025 08:46

Công văn số 234/BTTTT-VP ngày 24/01/2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Đà Nẵng gửi tới trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 942/BDN ngày 06/11/2024, nội dung kiến nghị như sau:

Câu 1: Cử tri phản ánh, tình trạng quảng cáo sai sự thật, không đúng quy định, không được kiểm chứng diễn ra tràn lan trên không gian mạng, gây tác động xấu đến xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Cử tri kiến nghị cần quan tâm tăng cường công tác quản lý nhà nước lĩnh vực này và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:

1. Thực trạng:

Tình trạng quảng cáo có nội dung sai sự thật trên mạng vẫn đang diễn ra phổ biến, gây nhiều tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và xã hội. Các quảng cáo sai sự chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng hóa, dịch vụ như:

- Thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm: thường bị phóng đại về công dụng, hiệu quả, khả năng điều trị hoặc cải thiện sức khỏe vượt trội.

- Hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, công dụng, tính năng…

- Dịch vụ tài chính, đầu tư, tiền ảo và tín dụng đen, mời chào đầu tư, kinh doanh mô hình đa cấp có dấu hiệu lừa đảo.

- Quảng cáo cờ bạc và cá độ trên mạng.

Các quảng cáo này chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội (MXH) xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok và các websites có tên miền nước ngoài; ngoài ra, còn xuất hiện trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, MXH trong nước thông qua sự phân phối của các mạng lưới quảng cáo Ad Network của nước ngoài như Mgid, Google...

2. Giải pháp

a. Giải pháp đã và đang triển khai

- Bổ sung vào Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 các quy định yêu cầu các MXH xuyên biên giới đảm bảo chỉ những tài khoản đã được xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới được cung cấp thông tin, livestream; khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm, kênh MXH thường xuyên vi phạm.

- Tập trung rà quét, phát hiện và xử lý các quảng cáo sai sự thật, đặc biệt trên các nền tảng xuyên biên giới: Facebook, YouTube, TikTok...

- Yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới chặn gỡ quảng cáo sai sự thật theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, tập trung vào nhóm sản phẩm thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không cho phép quảng cáo khi chưa được cơ quan chuyên ngành về y tế cấp phép, xác nhận nội dung quảng cáo; đồng thời, xây dựng các thuật toán AI để chủ động rà quét, gỡ bỏ triệt để quảng cáo và tài khoản quảng cáo có vi phạm.

Kết quả chặn, gỡ của các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới (từ năm 2018 đến hết năm 2023): Facebook đã gỡ bỏ 2.459 link quảng cáo có hoạt động buôn bán các dịch vụ bất hợp pháp như hàng giả, hàng nhái, buôn bán động vật hoang dã, vũ khí, tiền giả; Google đã ngăn chặn trên 3.000 quảng cáo và tài khoản quảng cáo trên YouTube về thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đông y gia truyền, thần y, thần dược, cam kết chữa trị dứt điểm bệnh tật.

- Yêu cầu các báo điện tử, MXH, trang thông tin điện tử tổng hợp và đại lý quảng cáo trong nước rà soát, kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo xuất hiện trên trang của mình, dừng hợp tác với các mạng lưới quảng cáo có nhiều vi phạm.

- Tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân, các đại lý quảng cáo và nhãn hàng vi phạm. Năm 2023, xử phạt vi phạm hành chính đối với 23 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt 258 triệu đồng. Tổ chức truyền thông về kết quả, đối tượng bị xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, phòng ngừa.

- Tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Công thương để kiểm tra, giám sát nội dung quảng cáo thuộc các lĩnh vực chuyên ngành nhằm đảm bảo tính hợp pháp và an toàn cho người tiêu dùng với quan điểm: Bộ, ngành nào quản lý lĩnh vực nào trên không gian mạng thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng; phối hợp với Bộ Tài chính tăng cường quản lý thuế.

- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và ban hành Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sỹ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm Quy tắc ứng xử, trong đó có hành vi vi phạm về quảng cáo.

- Điều hướng quảng cáo vào các cơ quan báo chí, kênh nội dung an toàn, uy tín, kiểm duyệt nội dung chặt chẽ bằng việc xây dựng danh sách "White list" và "Black list" cho các kênh uy tín và các trang vi phạm pháp luật: Công bố danh sách gần 8.000 kênh, trang sạch để các nhãn hàng, đại lý quảng cáo ưu tiên quảng cáo (White list) và khoảng 600 kênh trang chứa nội dung độc hại, vi phạm pháp luật để cấm quảng cáo (Black list).

b. Các giải pháp trong thời gian tới:

- Triển khai đề án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát không gian mạng áp dụng công nghệ AI để rà quét nội dung, hình ảnh, video để phát hiện quảng cáo vi phạm.

- Siết chặt quản lý nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOLs: Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai quy trình xử lý vi phạm đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, theo hướng: (1) Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật; (2) Kiểm soát hoạt động biểu diễn, phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên báo chí, Đài phát thanh truyền hình, trên môi trường mạng theo Quy trình thí điểm đã ban hành.

- Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo để tăng cường quản lý các nền tảng xuyên biên giới nói chung và hoạt động quảng cáo xuyên biên giới nói riêng, tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành: (1) Phân công trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chủ động tham gia quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo chuyên ngành trên môi trường mạng; (2) Bổ sung trách nhiệm của các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo: xác minh danh tính người quảng cáo; lưu trữ thông tin hồ sơ về hoạt động quảng cáo; có giải pháp kỹ thuật loại bỏ nội dung quảng cáo vi phạm; thể hiện thông tin từng quảng cáo theo thời gian thực; có trách nhiệm chấp hành nghiêm túc các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính khi thực hiện hành vi vi phạm tại Việt Nam; (3) Bổ sung trách nhiệm của KOLs, người nổi tiếng trong hoạt động quảng cáo: phân biệt nội dung quảng cáo và nội dung thông thường; thông báo cho người xem về việc đang thực hiện quảng cáo; tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng mức phạt để đảm bảo tính răn đe, bổ sung thêm các hành vi vi phạm phổ biến và các hình thức xử phạt bổ sung như thu hồi Giấy phép, truy thu các doanh thu từ việc quảng cáo phi pháp, cấm hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo...

- Tiếp tục yêu cầu nền tảng xuyên biên giới xây dựng các thuật toán AI để chủ động rà quét, gỡ bỏ triệt để quảng cáo và tài khoản quảng cáo có vi phạm.

- Tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật cho người nổi tiếng, KOLs, người có ảnh hưởng. Vinh danh, trao giải thưởng cho người nổi tiếng, KOLs, nhà sáng tạo nội dung nhằm khuyến khích sản xuất các nội dung tích cực, lành mạnh trên không gian mạng với thông điệp nội dung "sạch" thì mới được nhận quảng cáo.

- Triển khai các chiến dịch truyền thông để người dân nhận biết, cảnh giác khi tiếp cận với các thông tin quảng cáo sai sự thật, có dấu hiệu lừa đảo.

Câu 2: Cử tri kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cắt liên lạc và không cho phép phục hồi các số điện thoại vi phạm quảng cáo, rao vặt trái phép nhằm xử lý triệt để tình trạng quảng cáo, rao vặt.

Trong thời gian vừa qua, Bộ TTTT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cụ thể như sau:

Về thể chế: Tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BTTTT ngày 13/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, trong đó quy định rõ bộ tiêu chí nhận diện tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác.

Về triển khai các biện pháp kỹ thuật: Đã phát triển và vận hành hệ thống kỹ thuật hỗ trợ tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác (thông qua đầu số tiếp nhận 5656/156) cho phép người dùng phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Tất cả các phản ánh của người dùng lên hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác đều được Bộ TTTT (Cục An toàn thông tin) chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai các biện pháp xác minh và xử lý nếu phát hiện ra vi phạm và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan như Thanh tra Bộ, các Sở TTTT các tỉnh/thành phố, Bộ Công an nhằm ngăn ngừa sự phát tán của tin nhắn rác, cuộc gọi rác[1].

Căn cứ vào dữ liệu phản ánh của người dùng trên đầu số 5656, Bộ TTTT đã tổ chức rà soát và mời lên làm việc 40 doanh nghiệp có tên định danh bị phản ánh là phát tán rác, trong đó phát hiện 32 doanh nghiệp có các hành vi vi phạm quy định về thực hiện quảng cáo bằng tin nhắn/gọi điện thoại theo quy định của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP; tiến hành thu hồi 06 tên định danh được sử dụng để phát tán tin nhắn rác.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng để trả lời cử tri./.


[1] Trong 11 tháng đầu năm 2024, Bộ TTTT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xác minh và đã xử lý chặn 01 chiều đối với 87.588 thuê bao bị phản ánh, chặn 02 chiều đối với 16.236 thuê bao bị phản ánh và xử lý thu hồi đối với 31.408 thuê bao bị phản ánh.

BTTTT
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top