Dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long, Bùi Hoàng Phương cùng lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ và đại diện lãnh đạo Công đoàn TT&TT, Đoàn Thanh niên, cán bộ biệt phái của Bộ tại các Bộ ngành, địa phương, đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM, Đà Nẵng và lãnh đạo một số doanh nghiệp thuộc Bộ.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra các biện pháp, giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao trên một số lĩnh vực, như: Viễn thông, bưu chính, xuất bản, phát thanh truyền hình… Đồng thời định hướng một số nội dung cần triển khai thực hiện.
Về lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng nhấn mạnh, các doanh nghiệp viễn thông cần phát triển 5G và đảm bảo chất lượng của dịch vụ 5G. Bộ TT&TT sẽ công bố tiêu chuẩn tốc độ, chất lượng 5G để doanh nghiệp có căn cứ công bố 5G của mình.
Để đảm bảo chất lượng 5G, theo Bộ trưởng, các doanh nghiệp viễn thông cần chi cho nghiên cứu phát tiển với tỷ lệ từ 15 - 20%. Đặc biệt là phát triển các hạ tầng mới như AI. Ngoài ra, các nhà mạng cũng cần thành lập Viện nghiên cứu AI, hay công ty AI để phát triển AI như là một dịch vụ đáp ứng cho sự phát triển của các lĩnh vực.
Bộ trưởng giao Thứ trưởng Phạm Đức Long chỉ đạo các Vụ, Cục chức năng sớm xây dựng để ban hành tiêu chuẩn tốc độ cho mạng 5G. Trước khi công bố 5G trong đầu năm 2024 thì phải đo lường được tốc độ của mạng 5G.
Về định hướng phát triển Bưu chính , Bộ trưởng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm, cụ thể: Thông minh hóa bưu chính, ứng dụng AI, đóng gói xanh, kiểm tra an ninh. Bộ trưởng chỉ đạo, đặc biệt lưu ý giám sát chất lượng dịch vụ chuyển phát bưu chính; việc đo đạc, công bố phải được đánh giá thường xuyên; kiểm tra và yêu cầu các sàn thương mại điện tử không được độc quyền về chuyển phát. Cùng với đó là tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ.
Bộ trưởng giao Vụ Bưu chính thực hiện việc đo lường, công bố tiêu chuẩn dịch vụ, để làm căn cứ cho các doanh nghiệp bưu chính.
Về xây dựng, phát triển thành phố thông minh, Bộ trưởng chỉ rõ, cái gốc của thành phố thông minh là dữ liệu. Thành phố thông minh đầu tiên phải dựa trên dữ liệu thì mới thông minh. Đặc biệt, thành phố thông minh là phải đưa được tất cả thông tin của thành phố vào trung tâm dữ liệu.
Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chủ trì, xây dựng một tỉnh/thành phố thông minh để làm mẫu.
Về kinh tế số, Bộ trưởng lưu ý tập trung vào phổ cập hạ tầng và ứng dụng để phát triển kinh tế số. Theo Bộ trưởng, động lực tăng trưởng của kinh tế số là hạ tầng. Muốn phát triển kinh tế số phải có hạ tầng số và các ứng dụng (use case). Ngoài ra, muốn đẩy nhanh kinh tế số phải đưa ứng dụng 5G vào các ngành công nghiệp và tăng cường các nguồn nhân lực, các đầu mối xử lý thêm cho các đơn vị thực hiện, nhất là các viện nghiên cứu.
Về trường đại học, Bộ trưởng lưu ý Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cần tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, quốc tế.
Về báo chí, truyền thông, Bộ trưởng nhấn mạnh, các cơ quan báo chí phải triển khai đa phương tiện, có mặt trên các nền tảng mạng xã hội lớn. Mạng xã hội, nền tảng số nên được nhìn nhận như một cái mới, như một công cụ để làm tốt việc của mình. Ngoài ra các cơ quan báo chí phải truyền tải đến công chúng năng lượng tích cực cũng như phản ánh dòng chảy chính của xã hội.
Bộ trưởng cũng cho rằng lĩnh vực báo chí, truyền thông có hai việc cần làm. Đó là, các cơ quan truyền hình phải vừa làm nhanh vừa làm sâu (làm nhanh là đăng, phát kịp thời trên các nền tảng xã hội; làm sâu là định hướng để phát triển truyền hình), đồng thời giao nhiệm vụ cho các mạng xã hội, nền tảng số tham gia tuyên truyền những sự kiện lớn.
Bộ trưởng giao Cục Báo chí nghiên cứu mô hình kinh doanh cho các cơ quan báo chí. Bộ trưởng gợi ý, trong 800 cơ quan báo chí nên lựa chọn và tập trung vào 8 đến 10 cơ quan lớn để xây dựng mô hình tập đoàn.
Một số thành quả nổi bật của Bộ TT&TT trong tháng 11/2023Về lĩnh vực bưu chính : Trong tháng 10/2023, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 5.775 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng 10/2023 và tăng 20% so với tháng 11/2022; sản lượng bưu gửi ước đạt 250 triệu bưu gửi, tăng 9% so với tháng 10/2023 và tăng 30% so với tháng 11/2022.
Về lĩnh vực Viễn thông: Tính đến tháng 11/2023, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 79,1 % tăng 7,8% so với cùng kỳ 11/2022. Số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 100,4 triệu thuê bao tăng 6 % so với cùng kỳ tháng 11/2022. Số thuê bao BRDĐ đạt 84,9 triệu thuê bao (tương ứng với 85,3 thuê bao/100 dân) tăng 2,4 % so với cùng kỳ tháng 11/2022. Tốc độ băng rộng cố định của Việt Nam (tháng 10/2023) đạt 104,08 Mbps, xếp thứ 41/181 quốc gia/vùng lãnh thổ, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ băng rộng di động đạt 44,92 Mbps xếp thứ 57/181 quốc gia/vùng lãnh thổ, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia: Tính đến ngày 20/11/2023, đã có 63/63 địa phương trên cả nước thành lập 76.905 Tổ CNSCĐ với 356.914 thành viên tham gia Tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, phố, trong đó 53/63 địa phương hoàn thành 100% đến cấp xã. 100% Bộ, ngành và địa phương đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số. 100% bộ, ngành và địa phương đã ban hành Kế hoạch/Đề án về chuyển đổi số (22/22 Bộ, ngành; 63/63 tỉnh, thành phố). Tính đến ngày 15/11/2023, đã có 22.307.978 lượt truy cập vào nền tảng học trực tuyến mở đại trà.
Về lĩnh vực An toàn thông tin mạng : Doanh thu tháng 11/2023 đạt 475 tỷ đồng, tăng 42,2% so với tháng 11/2022 (334 tỷ đồng). Nộp ngân sách nhà nước: 33,3 tỷ đồng, tăng 48,4% so với tháng 11/2022 (22,4 tỷ đồng). Lợi nhuận là 47,5 tỷ đồng, tăng 42,2% so với tháng 11/2022 (33,4 tỷ đồng).
Tổng Số chứng thư số công cộng đã cấp tính đến hết tháng 11/2023: 6.861.690 chứng thư số tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2022 (là 5.749.864 chứng thư số). Tính đến ngày 22/11/2023, số phí thu được lũy kế từ đầu năm của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đạt hơn 54 tỷ đồng và đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 8,1 tỷ đồng. Số dự toán giao thu đầu năm là 48.245 tỷ, so với dự toán giao, dự kiến Trung tâm vượt thu 12%.
Về Kinh tế số, Xã hội số : Tỷ trọng kinh tế số/GDP của quý III năm 2023 ước đạt 16,56%, tăng trưởng 8.5% so với Quý II năm 2023.
Tháng 10/2023 ghi nhận tổng số lượt tải ứng dụng mới trên thiết bị di động đạt hơn 237 triệu lượt tải. Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia, nhiều hoạt động, chương trình thúc đẩy người dân hoạt động trên các nền tảng số đã được triển khai, thông qua đó thu hút được sự quan tâm đông đảo người dân, đặc biệt là đội ngũ thanh niên.
Về lĩnh vực Công nghiệp ICT : Tổng doanh thu công nghiệp CNTT 11 tháng năm 2023 ước đạt 3.040.772 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt gần 107,8 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm nộp báo cáo cập nhật thông tin về sản phẩm phần mềm, công đoạn trong hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình, mức thuế được khấu trừ về Bộ TT&TT theo quy định tại Thông tư 13/2020/TT-BTTTT ngày 03/7/2020 về quy định việc xác nhận hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình.
Về báo chí, truyền thông: Tính đến tháng 11/2023, thuê bao truyền hình trả tiền ước đạt 18.8 triệu thuê bao, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022 (số liệu thuê bao truyền hình trả tiền cùng kỳ 2022 đạt 16.8 triệu thuê bao). Doanh thu truyền hình trả tiền tính đến quý III/2023 ước đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 1.4% so với cùng kỳ năm 2022
Tháng 11/2023: Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 246 bài viết vi phạm; gỡ bỏ 06 tài khoản giả mạo và 66 group vi phạm (nội dung độc hại với trẻ em, khuyến khích tự tử, trẻ em vi phạm giao thông, lừa đảo, kêu gọi cướp ngân hàng, hướng dẫn trốn nợ…) với số lượng thành viên lên đến hơn 200 nghìn người; gỡ 17 trang quảng cáo, mua bán hóa đơn trái phép (tỷ lệ 90%). Google đã gỡ 262 video vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 96%); gỡ 03 tài khoản có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước chứa hơn 11.366 video. TikTok đã chặn gỡ 12 nội dung vi phạm (tỷ lệ 92%), xóa 10 tài khoản có nội dung vi phạm./.