Việt Nam đang trở thành một nhân tố mới quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu - nhận định từ trang Asia Times. Các kỹ sư có trình độ học vấn cao, có động lực mãnh liệt, làm việc với mức lương tương đối khiêm tốn, đang thu hút nhiều công ty thiết kế và đóng gói bán dẫn từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Cùng chung nhận định, trang Inteligentcio cho biết: Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam đang định vị để trở thành một nhân tố chính trong các lĩnh vực có tác động cao như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và linh kiện bán dẫn.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc khu vực Châu Á, Tập đoàn De Heus cho biết: "Loại hình FDI mà Việt Nam đang cố gắng thu hút hiện nay tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin. Vì vậy, có nhiều sự tập trung vào đổi mới sáng tạo và việc làm chất lượng cao. Việc nhiều công ty chọn Việt Nam cho thấy ở đây có nguồn nhân lực tốt, nhưng chúng ta cần cố gắng làm cho nguồn nhân lực đó lớn hơn nữa".
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đang tiến hành các cải cách luật pháp và thủ tục hành chính.
Trang Nation của Thái Lan nhận định, Việt Nam, Thái Lan và Singapore đều đang cạnh tranh để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực trong ngành sản xuất linh kiện bán dẫn. Việt Nam đang soạn thảo luật công nghệ số mới, cung cấp một số ưu đãi cho các nhà sản xuất chip toàn cầu đầu tư vào nước này.
Theo Nikkei Asia, Việt Nam đang lập danh sách các ưu đãi cho các công ty sản xuất chip, từ giảm thuế đến đẩy nhanh quá trình xuất khẩu.
GS. Pankaj Jha - Đại học Toàn cầu Jindal, Ấn Độ cho hay: "Toàn bộ hệ sinh thái liên quan đến việc phát triển kỹ sư bán dẫn và phần mềm trên khắp Việt Nam là rất quan trọng vào thời điểm này. Đề xuất của tôi là Việt Nam nên xem xét và tham gia cùng các nền kinh tế mạnh về bán dẫn, bao gồm Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, xem cách họ đưa sản xuất chip thành cơ sở quan trọng cho nền kinh tế và tìm kiếm bài học kinh nghiệm từ đó. Cần có sự chung tay của cả chính phủ và khu vực tư nhân để tạo ra hệ sinh thái đang rất cần thiết đó".
Về mục tiêu, theo trang Business Standard, Việt Nam đang nỗ lực chuyển từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang các ngành công nghệ cao. Việt Nam đặt mục tiêu có 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030.
“Chúng tôi chào đón Chiến lược của Việt Nam, và rất mừng khi thấy Việt Nam đã tập trung vào 1 trong 4 trụ cột quan trọng của ngành này, đó là đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, AI. Đây là một trong những sự khởi động rất sớm, để chuẩn bị cho chặng đường dài sau này”, ông John Neuffer Chủ tịch, kiêm CEO Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) nói và bày tỏ sự tin tưởng rằng, bất cứ quốc gia nào tập trung phát triển nguồn nhân lực, đi đúng hướng và có chính sách đúng đắn thì sẽ sớm có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.
Bắt đầu chinh phục thị trường công nghiệp bán dẫn 1.000 tỷ USD
Theo dự báo của Gartner, ngành công nghiệp bán dẫn có doanh thu 620 tỷ USD vào năm 2024 và sẽ tăng mạnh lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Với việc ban hành Chiến lược, Việt Nam đã bắt đầu bắt tay vào chinh phục thị trường 1.000 tỷ USD này.
“Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội tuyệt vời để Việt Nam tham gia với vai trò to lớn hơn trong chuỗi cung ứng của chúng tôi”, ông John Neuffer nói.
Trong khi đó, ông Keith Strier, Phó chủ tịch cấp cao AMD, cho rằng, có 4 yếu tố quan trọng để phát triển các ngành bán dẫn, AI, là con người, hệ sinh thái, hạ tầng và thể chế, chính sách.
“Một nền kinh tế tự cường thì cần sự phát triển và đồng hành của AI, hướng đến sử dụng AI bao trùm, hiệu quả và minh bạch. Chúng tôi sẽ đồng hành với Việt Nam để hiện thực hóa điều đó”, ông Keith Strier nhấn mạnh.
Đang có một làn sóng các nhà đầu tư đi tìm kiếm các cơ hội đầu tư để đa dạng hóa nguồn cung ngành bán dẫn. Việt Nam có thể được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư lớn đó, nhưng rõ ràng, cần nỗ lực rất lớn mới có thể hiện thực hóa tham vọng của mình.