Báo chí Cách mạng & sứ mệnh dẫn lối

Thứ ba, 14/05/2024 15:05

Loạt bài “Báo chí Cách mạng & sứ mệnh dẫn lối" của nhóm tác giả Hà Vân đăng trên Báo Nhà báo và Công luận đã đoạt Giải Khuyến khích - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023.

LTS: Gần một thế kỷ qua, nền Báo chí Cách mạng Việt Nam đã không ngừng phát triển, luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhưng bên cạnh những người làm báo chân chính, học tập và làm theo Bác cũng còn một số người làm báo đã không vượt qua được cám dỗ, cạm bẫy, lầm đường lạc lối, để rồi, nhẹ thì bị kỷ luật nêu gương, nặng thì tù tội… Những ngày tháng 6 - kỷ niệm 98 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhớ lời Bác Hồ căn dặn “cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng” mà không khỏi xót xa trước những “ung nhọt” ấy của nghề báo. Phải cắt bỏ chúng bằng cách nào? Những nút thắt, rào cản nào cần tháo gỡ? Chuyên đề “Báo chí Cách mạng và sứ mệnh dẫn lối” của Báo Nhà báo & Công luận sẽ phần nào tìm lời giải xung quanh vấn đề này.

Bài 1: Những nhà báo quên lời Bác dặn…

Rất xót xa nhưng không thể phủ nhận được thực tế đáng buồn là đã có một bộ phận người làm báo thiếu tự trọng, sẵn sàng bỏ qua mọi quy chuẩn đạo đức để vụ lợi, lạm quyền, đánh đấm dọa dẫm doanh nghiệp, viết báo một đằng, nói năng ngoài xã hội một nẻo; Phát ngôn trên MXH trái quy định của Hội Nhà báo Việt Nam; moi móc tìm điểm xấu của chính quyền, doanh nghiệp, câu view bằng nội dung rẻ tiền, khẩu chiến trên mạng xã hội…

1. Không khó để “điểm danh” những vụ việc phóng viên, cộng tác viên bị công an bắt liên tiếp xảy ra thời gian qua. Chỉ mới cuối tháng 5/2023 vừa qua, cơ quan CSĐT Công an TP. Đồng Hới (Quảng Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Lê Toàn (SN 1996, trú TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), là phóng viên của một tạp chí (đã được cấp thẻ nhà báo) và Trần Thị Nhung (SN 1988, trú phường Nam Lý, TP. Đồng Hới) về tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”.

Theo cơ quan công an, trước đó, Lê Toàn cùng Trần Thị Nhung phát hiện một số cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu sai phạm. Sau khi thu thập thông tin mang tính đe dọa, hai đối tượng này tìm gặp chủ doanh nghiệp, xuất trình thẻ nhà báo, khoe có nhiều mối quan hệ rộng, uy hiếp và yêu cầu phải đưa số tiền khoảng 40 - 50 triệu đồng để bỏ qua mọi chuyện. Nếu doanh nghiệp không chịu đưa tiền, Toàn sẽ viết bài đăng báo phản ánh sai phạm, khiến cho cơ sở này buộc phải đóng cửa, dừng hoạt động… Vụ việc được đưa ra ánh sáng nhưng không còn là chuyện bất ngờ hay động trời gì nữa vì có vẻ như chuyện bắt bớ này giờ đã khá quen rồi.

Báo chí Cách mạng & sứ mệnh dẫn lối- Ảnh 1.

Nhà báo vẫn luôn được Đảng, dân tin yêu, luôn trên những tuyến đầu sự kiện.

Cũng là vụ việc điển hình cho chiêu trò dọa nạt tống tiền, kết quả là ngày 25/5, bị cáo Phan Mạnh Chi bị TAND huyện Minh Hóa (Quảng Bình) tuyên phạt 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Theo kết luận của cơ quan công an, Phan Mạnh Chi là phóng viên của một tạp chí. Đầu năm 2022, sau khi nắm được thông tin ông Đinh Tiến Dũng (43 tuổi, trú tại thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa) đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét để bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa nên Chi đã tiếp cận ông Dũng. Tại các buổi nói chuyện, Phan Mạnh Chi thông báo rằng ông Dũng có một số sai phạm về đất đai và đe dọa, uy hiếp tinh thần đối với ông Dũng nhằm buộc ông Dũng phải đưa số tiền 300 triệu đồng theo yêu cầu để không viết bài đăng báo. Do không có tiền cùng việc liên tục bị Chi cứ thúc ép nên ông Dũng đã trình báo cơ quan công an giải quyết với toàn bộ tài liệu liên quan…

Tạo trang web giả mạo cơ quan báo chí, đăng bài sai phạm rồi ép chi tiền “gỡ bài”… cũng là một dạng của tội phạm mang danh báo chí. Ngày 4/5, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an phối hợp với Công an TP. Hà Nội đã thông tin về vụ cưỡng đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn Hà Nội. Các đối tượng là cộng tác viên của một tạp chí đã tạo lập hệ thống rất nhiều trang web có tên gọi, giao diện, hình thức như một cơ quan báo chí. Sau đó, thu thập thông tin để viết, đăng tải tin bài phản ánh về những dấu hiệu sai phạm của các tổ chức, cá nhân, gây sức ép, đe dọa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phải chi tiền để gỡ, sửa bài. Nhiều vụ làm ăn trót lọt, ăn chia chóng vánh giữa các đối tượng khiến cho công chúng không khỏi hoang mang về một kiểu “thế lực”… coi trời bằng vung. Đối tượng dùng thẻ nhà báo đến đặt vấn đề làm việc, lấy số điện thoại của lãnh đạo, sau đó về nhắn tin, gửi bài viết đe dọa, uy hiếp các cơ quan, tổ chức chi tiền để gỡ bài. Các đối tượng hoạt động có tổ chức, phân công vai trò từng người. Trong đó, có người thu thập thông tin, chụp ảnh các công trình có dấu hiệu sai phạm; người viết và đăng bài; người đến đe dọa và người nhận tiền...

Báo chí Cách mạng & sứ mệnh dẫn lối- Ảnh 2.

2. Điểm danh một số vụ việc bắt phóng viên, cộng tác viên liên tiếp được đưa ra ánh sáng đã cho thấy cách thức, chiêu trò dùng danh nghĩa báo chí để cưỡng đoạt tài sản hết sức tinh vi, trắng trợn… Các đối tượng chủ yếu ở các tờ tạp chí nhỏ, hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích, lợi dụng hoạt động báo chí, lợi dụng danh nghĩa là phóng viên cơ quan báo chí, giả mạo cơ quan báo chí để thực hiện hành vi lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, vi phạm pháp luật.

Đánh giá thêm về thực trạng này, đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, hiện nay còn một số phóng viên dao động về lập trường tư tưởng do chưa được đào tạo bài bản, thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp, đề cao danh vị, đồng tiền và vốn sống; có trường hợp bị một số thế lực xấu dụ dỗ, lôi kéo, nên đã có những bài viết vi phạm đạo đức, pháp luật; gây khó dễ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Cùng với đó là tình trạng phóng viên tham gia mạng xã hội có những phát biểu, bài viết về một số vấn đề nóng, vụ việc tiêu cực trái quan điểm chỉ đạo, có xu hướng kích động, gây rối nhiễu dư luận… Chưa hết, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên của một số cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao, gây phiền hà cho các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước...; có trường hợp cấu kết với một số đối tượng xấu nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, cơ quan, ép ký hợp đồng quảng cáo, đăng tải tin, bài thiên lệch quá nhiều vào mặt trái…

Thêm nữa, có tình trạng phóng viên thiếu trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, rộ lên một xu hướng phóng viên nhận tài liệu nhưng không dám viết bài vì đó là thông tin một chiều, nhưng lại đưa thông tin lên mạng, viết status bằng tên của mình hoặc tên khác. Những phóng viên này sử dụng chuyên nghiệp các kỹ xảo để lan toả thông tin, nêu đích danh doanh nghiệp, doanh nhân. Rõ ràng là lâu nay việc quản phóng viên lên mạng ở nhiều báo còn rất lỏng lẻo…

Thực trạng đáng báo động này đã thúc đẩy công tác rà soát, phát hiện và quyết liệt xử lý các thông tin sai sự thật, vi phạm đạo đức thời gian qua. Năm 2022, lần đầu tiên, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí, chấn chỉnh việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện trách nhiệm chủ quản đối với cơ quan báo chí. Kết quả kiểm tra 07 cơ quan chủ quản báo chí cho thấy nhiều bất cập cần chấn chỉnh như: Chưa bảo đảm điều kiện hoạt động ban đầu cho cơ quan báo chí theo đề án xin phép hoạt động báo chí; dấu hiệu buông lỏng quản lý ở một số cơ quan chủ quản, để cơ quan báo chí vi phạm trong thời gian dài; cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí không có tổ chức Đảng, hoặc có tổ chức Đảng nhưng lại không trong cùng một hệ thống (tổ chức Đảng của cơ quan chủ quản và tổ chức Đảng của cơ quan báo chí trực thuộc các đảng ủy, đảng bộ khác nhau), hạn chế trong việc thống nhất chỉ đạo, định hướng về thông tin, tổ chức bộ máy, nhất là công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí…

Đặc biệt, thực trạng đạo đức báo chí ngày một xuống cấp rất nóng với muôn hình vạn trạng, Quy định số 101/QĐ-TW về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí vừa được ban hành mới đây cũng “nóng” không kém. Theo các lãnh đạo báo chí đánh giá thì đây là một cách chấn chỉnh, siết kỷ cương trong hoạt động báo chí thực sự đi vào thực chất. Không ít lãnh đạo báo chí phải rốt ráo “soi” lại bản thân, “căn chỉnh” lại mình và “chấn chỉnh” lại mọi hoạt động của đơn vị. Bởi với quy định này, những cơ quan báo chí có phóng viên vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp bị xử lý về pháp luật sẽ xem xét cả trách nhiệm của người đứng đầu, thậm chí cả trách nhiệm của cơ quan chủ quản… Nếu do quản lý lơ là thì đó lại là một chuyện, nhưng nếu tiếp tay, đứng sau, thậm chí là hỗ trợ phóng viên vi phạm đạo đức và thực hiện tống tiền thì cách xử lý sẽ phải khác vì lúc đó đã trở thành tòng phạm.

3. Trên thực tế, có thể nói chưa khi nào số lượng cơ quan báo chí bị xử phạt nhiều như giai đoạn mấy năm trở lại đây, trong đó một bộ phận người làm báo đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tha hóa; nhiều nhà báo lợi dụng nghề để vụ lợi... bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam, bị xử lý kỷ luật và tước thẻ… Hành vi vi phạm này đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan báo chí hoạt động nghiêm túc, làm nghề thực sự. Đau xót vì những “con sâu” đang làm hỏng “nồi canh” nhưng đau xót hơn nữa khi chúng ta đang mất dần niềm tin nơi độc giả do sự “lạm quyền” của một bộ phận phóng viên trong tác nghiệp. Không chỉ là những vụ việc đã thành án mà tiềm ẩn trong tác nghiệp của một số phóng viên còn là những mánh khóe, những cách thức tống tiền mang danh người cầm bút cũng biến hóa khôn lường… Vì thế mà diện mạo và gương mặt người làm báo đâu đó cũng đã trở nên méo mó, thật giả lẫn lộn.

Câu hỏi thao thiết là, điều gì khiến một số người làm báo ngày càng trở nên đáng sợ trong con mắt của người dân, doanh nghiệp? Điều gì khiến một bộ phận người làm báo bẻ cong ngòi bút, quên đi trách nhiệm của mình dẫn đến vị thế, hình ảnh nghề nghiệp bị coi thường, rẻ rúng trong con mắt công chúng? Trả lời được câu hỏi ấy sẽ thấy thấm thía điều mà cố nhà báo Hữu Thọ chia sẻ trong cuốn “Đèn xanh – Đèn đỏ”: “Trong nghề buôn đừng bao giờ buôn chữ. Nghèo đói có thể bán thứ này thứ khác nhưng không bao giờ bán ngòi bút. Làm nghề báo mà bán bút là bán tất cả. Trước đây người ta hay nói, “nhà giáo, nhà báo, nhà văn, cộng ba nhà ấy thành ba nhà nghèo”. Nhưng xem ra, có một số nhà báo không nghèo nữa, thậm chí có người rất giàu”. “Xem ra” là chữ dùng với cảm thán thật chua xót, cũng phần nào lý giải về nguyên nhân của thực trạng này.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra môi trường truyền thông mở, sự xuất hiện của các loại hình truyền thông mới tạo áp lực cạnh tranh ngày càng cao, đòi hỏi báo chí cách mạng phải nỗ lực hơn nữa để vượt qua thách thức, thích ứng với xu thế phát triển, khẳng định rõ vai trò trong thời kỳ mới. Đồng thời, luôn luôn nhìn rõ, nhìn thẳng thắn vào nội tại của nghề nghiệp để “soi và sửa mình”, để sàng lọc, để cùng nhìn về một hướng… vì đất nước, vì nhân dân. Bởi Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, qua nhiều thăng trầm luôn là một nền báo chí của dân, vì dân.

Đảng ta coi báo chí là ngọn cờ, là vũ khí đi đầu trong công tác tư tưởng , là phương tiện giao lưu, hội nhập quốc tế. Đảng giao cho báo chí vai trò giám sát xã hội. Đảng coi người làm báo là chiến sĩ. Sự tin cậy ấy cắt nghĩa vì sao báo chí luôn có mặt ở tuyến đầu cuộc chiến đấu cứu nước, giữ nước, thống nhất non sông trước đây và sự nghiệp xây đắp cuộc sống mới hôm nay” – nhà báo Phan Quang từng chia sẻ. Vậy nên trong lúc có rất nhiều sức ép, thách thức thì người làm báo cách mạng lại nghĩ về Bác, về Đảng, về nhân dân, nghĩ về lý do tồn tại, để nỗ lực lấy lại niềm tin nơi công chúng, giữ vững giá trị cốt lõi, giữ gìn tính cách mạng trong mạch nguồn văn hóa nghề nghiệp. Từ đó, gạt đi những nỗi đau xót, nhìn ra con đường cần phải kiên định xây dựng và bồi đắp thì ắt hẳn không có thế lực đen tối nào có thể cản bước, cũng không có cạm bẫy nào có thể khiến người làm báo gục ngã. Giữ được phẩm chất đạo đức thì mới có thể bảo vệ các giá trị tốt đẹp của ngòi bút, của thông tin là sự trung thực, khách quan, chính xác, nhân văn. Và chắc chắn, trên hành trình ấy sẽ luôn vang vọng lời Bác Hồ kính yêu “Nhà báo trước hết là người cán bộ cách mạng!”; “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng, Phải giữ đạo đức cách mạng mới là người cán bộ chân chính. Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức hay không?”…

Bài 2: Nhà báo Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Điều quan trọng hơn cả xử lý là ngăn chặn hành vi vi phạm

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khi trao đổi về hoạt động của Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (HĐXLVP) đã nhấn mạnh như vậy.

Ông cũng cho rằng, HĐXLVP tới đây sẽ cần phải cải thiện hơn nữa về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp hội, sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia, chuyên viên ở các cơ quan ban ngành, đặc biệt có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa “kiềng ba chân” - Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam… trong việc xử lý vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật của người làm báo.

Hành vi vi phạm pháp luật bắt đầu từ vi phạm về đạo đức của người làm báo

+ Thưa ông, vấn đề nhức nhối thời gian qua là thực trạng vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật dẫn đến nhiều vụ việc phóng viên, hội viên, cộng tác viên bị bắt. Những vấn đề này có vẻ như không còn là hiện tượng mà đã trở thành thực trạng rất đáng báo động. Cấp độ nghiêm trọng đó có là sức ép cho cơ quan quản lý, tổ chức Hội trong quá trình quản lý không, thưa ông?

- Phải nói rằng, bên cạnh những thành tích của báo chí trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thì trên thực tế, tình trạng một bộ phận nhà báo, hội viên, cộng tác viên có những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đang trở nên đáng báo động. Điều này đã tạo ra sức ép rất lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam. Thậm chí, từ vi phạm đạo đức đã dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Ranh giới này rất gần, nói đúng hơn là hành vi vi phạm pháp luật cũng bắt đầu từ những vi phạm về đạo đức của người làm báo. Thực trạng này thực ra không phải mới, mà đã kéo dài trong thời gian khá lâu rồi.

Trước thực tế đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã ra quyết định thành lập HĐXLVP vào tháng 3 năm 2017. Cho đến nay, hoạt động của các HĐXLVP (bao gồm Hội đồng xử lý cấp Trung ương và Hội đồng xử lý cấp tỉnh và tương đương) tương đối hiệu quả, góp phần rất quan trọng trong việc ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm đạo đức của người làm báo.

Đơn cử như trong năm 2022, phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội đồng xử lý vi phạm, với tư cách là cơ quan thường trực của Hội đồng, Ban Kiểm tra đã tiếp nhận trên 100 đơn thư tố cáo, khiếu nại, phản ánh báo chí thông tin sai sự thật, vi phạm Luật Báo chí, 100% đơn thư nói trên đã được nghiên cứu phân loại và xử lý. Khi có kết luận của các cơ quan chức năng, HĐXLVP đều xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các cá nhân hội viên, nhà báo có sai phạm. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hoạt động các Hội đồng này từ cấp Trung ương đến địa phương đến các cấp cơ sở hiện này vẫn còn nhiều bất cập.

+ Sự bất cập như ông nhắc đến, cụ thể là như thế nào, thưa ông?

- Thứ nhất là, còn thiếu sự phối hợp giữa các HĐXLVP ở các cấp Hội với nhau, cấp tỉnh và cấp Trung ương, các Liên chi hội, chi hội đối với cấp Trung ương. Thứ hai là, theo quy định, Hội đồng thuộc cấp tỉnh và tương đương phải báo cáo định kỳ khoảng 6 tháng, 1 năm và báo cáo đột xuất lên HĐXLVP cấp Trung ương. Nhưng hiện nay chế độ báo cáo không được duy trì thường xuyên. Thậm chí, có một số HĐXLVP tại cấp tỉnh còn không thực hiện công việc báo cáo này.

Thứ nữa là, còn có hiện tượng đùn đẩy công việc. Tức là, theo sự phân công thì HĐXLVP cấp Trung ương chỉ xử lý các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, với hình thức kỷ luật là khai trừ Hội viên. Tuy nhiên, có tình trạng, một số vụ việc lẽ ra chỉ cần xử lý ở cấp tỉnh nhưng không xử lý mà đùn đẩy lên cấp trên.

Thứ ba là nhiều cấp Hội chưa dành sự quan tâm thỏa đáng cho hoạt động của HĐXLVP. Theo nguyên tắc, lãnh đạo Hội Nhà báo các cấp phải là người trực tiếp điều hành Hội đồng, cùng với đó là sự tham gia của Ban Kiểm tra, một số tổ chức bên ngoài… Nhưng hiện nay nhiều lãnh đạo cấp Hội chưa thực sự quan tâm nên rất lơ là, coi nhẹ.

Thứ 4 là, nhân lực và điều kiện hoạt động của HĐXLVP cũng chưa thật chuyên nghiệp. Ngay như HĐXLVP tại Trung ương mà cơ quan Thường trực là Ban kiểm tra hiện rất thiếu nhân lực, thậm chí thiếu nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát… Các cơ quản lý Nhà nước như Bộ Thông tin & truyền thông, Sở Thông tin & Truyền thông các tỉnh thì khác, họ có con người, có bộ máy, có chuyên môn, nghiệp vụ… Trước khi đưa ra quyết định họ có căn cứ, cơ sở thuyết phục. Vì nhân lực của cơ quan thường trực Hội đồng mỏng nên nhiều vụ việc chủ yếu dựa vào kết luận của các cơ quan quản lý Nhà nước nên thường phải chờ đợi thì mới có cơ sở xử lý. Không chỉ vậy, thẳng thắn mà nói, Thường trực Hội đồng cấp Trung ương của chúng ta cũng có một bộ máy cồng kềnh với 23 thành viên, nên mỗi khi triệu tập họp hành còn khó khăn.

“Kiềng ba chân” cần phải phối hợp tốt hơn nữa…

+ Xin được thẳng thắn, thưa ông, đã có ý kiến cho rằng, trong vấn đề xử lý vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật của người làm báo, tiếng nói của Hội Nhà báo Việt Nam vẫn còn chưa lớn, chưa rõ nét, chưa quyết liệt. Ông nghĩ sao về điều này, thưa Phó Chủ tịch Thường trực?

- Trong sự phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm, HĐXLVP là một thiết chế cần thiết. Nhưng điều quan trọng hơn cả xử lý là ngăn chặn hành vi vi phạm. Cũng phải nói rõ hơn, một trong những chức năng của HĐXLVP là giáo dục, thuyết phục, định hướng, là nhắc nhở, cảnh báo. Theo đó, chúng tôi không ngừng giáo dục cho anh em nắm vững nội dung về Luật Báo chí, 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, Tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí…

Có thể nói, thời gian qua, HĐXLVP đã có nhiều hoạt động tích cực nhưng để hoạt động tốt hơn thì cần phải cải thiện hơn nữa về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp hội, sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia, chuyên viên ở các cơ quan ban ngành, đặc biệt có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa “kiềng ba chân” - Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam…

+ Như ông vừa nhấn mạnh thì “ngăn chặn còn quan trọng hơn xử lý”… Nhưng đó là những vi phạm còn ở mức… ngăn chặn được. Còn nếu nghiêm trọng đến mức phải xử lý pháp luật thì quả thực cũng khó… nương tay, thưa ông?

- Đúng là như vậy. Thực ra, xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp có khi còn khó xử lý hơn vi phạm pháp luật vì nó tương đối trừu tượng. Đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cho mỗi người làm báo nhưng để phân định rõ sai đúng không phải dễ dàng. Với những vi phạm muôn hình vạn trạng, đôi khi còn ở những cảnh huống khác nhau nên xử lý đạo đức nghề nghiệp phải rất thận trọng, tỉnh táo trước nhiều luồng dư luận.

Đối với HĐXLVP vừa phải nghiêm khắc, công minh, vừa phải nhân văn. Tới đây, để hoạt động của Hội đồng một cách hiệu quả, thực chất hơn thì lãnh đạo Hội đã quyết định thu gọn cơ cấu thành phần Hội đồng để hoạt động được thuận lợi, cơ động, dễ vận hành hơn.

Đặc biệt, để ngăn chặn, tránh vi phạm đạo đức chuyển sang mức vi phạm pháp luật thì cần sự phối hợp tốt hơn nữa giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam. Sự phối hợp trong các mặt như giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp đồng thời phối hợp trong xử lý vi phạm… Tôi ví dụ như Ban Tuyên giáo, các Cục, Thanh tra thuộc Bộ TT&TT hoàn toàn có thể thường xuyên cung cấp thông tin cho Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, từ đó Hội sẽ có sự chủ động hơn trong đóng góp ý kiến, ngăn chặn kịp thời hành vi sai trái, cùng có phương án thống nhất hơn trong các hình thức xử lý.

+ Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Thường trực!

Bài 3: Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ - Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân: “Ranh giới đỏ” phải giữ bằng mọi giá…

Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân Đoàn Xuân Bộ cho rằng việc gìn giữ đạo đức, văn hóa, chuẩn mực nghề nghiệp của người làm báo trong bối cảnh hiện nay là vô cùng quan trọng. Với những người làm báo Quân đội Nhân dân thì đó là “Ranh giới đỏ” nhất định phải gìn giữ bằng mọi giá.

Bên cạnh giáo dục thuyết phục, hô hào thì phải có cơ chế

+ Được biết, Báo Quân đội Nhân dân đã và đang triển khai rất nhiều những biện pháp trong quản trị tòa soạn để không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp cũng như rèn giũa đạo đức cán bộ, phóng viên. Trong đó có Nghị quyết chuyên đề về xây dựng phẩm chất nhà báo – chiến sĩ… Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về điều này?

- Nghị quyết chuyên đề về xây dựng phẩm chất nhà báo - chiến sĩ của Báo Quân đội Nhân dân (QĐND) là ý tưởng đã được hình thành, xây dựng từ năm ngoái. Chúng tôi đã thành lập một ban soạn thảo là những người, những cây bút viết xuất sắc nhất, những người có khả năng nhất để xây dựng Nghị quyết chuyên đề làm cơ sở giúp BBT có những biện pháp để giữ gìn, phát huy phẩm chất của nhà báo - chiến sĩ.

Chúng tôi nghĩ rằng, Báo QĐND không phải là tờ báo có lượng view nhiều nhất, không phải là tờ báo hot trên thị trường, vậy bạn đọc tìm đến mình vì cái gì? Thế mạnh của mình là tính trung thực! Giá trị đạo đức thể hiện tính trung thực trong nghề nghiệp… Cho nên, đấy chính là “ranh giới đỏ” mà những người làm Báo QĐND phải giữ bằng mọi giá. Đây là Nghị quyết sát sườn với người làm báo nên cùng với mục tiêu, giải pháp thì phải có biện pháp cụ thể về cơ chế tổ chức, về hành chính, kể cả về kinh tế, nhuận bút, chế độ thù lao… đều phải dần dần xây dựng thật chi tiết.

Quan điểm của tôi là bên cạnh giáo dục thuyết phục, hô hào thì phải có cơ chế. Chẳng hạn như 3 năm nay, chúng tôi áp dụng quy chế khen thưởng, xử phạt rất hiệu quả. Quy chế quy định rõ sai phạm đến đâu, sai phạm như thế nào sẽ có từng mức áp dụng và 3 năm nay, mọi người đều cảm thấy là cần thiết. Áp dụng quy chế này, Phó Tổng Biên tập, Tổng Biên tập cũng từng bị phạt do chịu trách nhiệm liên đới khi phóng viên có sai sót về nghiệp vụ.

+ “Ranh giới đỏ” như chia sẻ của ông, đã được cụ thể hóa trong hoạt động của toà soạn như thế nào, thưa ông?

- Hằng ngày trong các cuộc giao ban sáng, chúng tôi đều nói về vấn đề đạo đức bằng việc thảo luận các câu chuyện hết sức cụ thể, thực chất, thẳng thắn, từ dấu chấm, dấu phẩy cho đến phong cách tác nghiệp. Ban Chấp hành LCH thường xuyên tổ chức sinh hoạt, quán triệt, học tập, nêu ra các câu chuyện đạo đức để cùng nhau giải quyết, vượt qua thử thách, khó khăn. Mọi cán bộ, phóng viên, biên tập viên phải tuân thủ và chấp hành nghiêm kỷ luật làm báo; duy trì chặt chẽ tất cả các khâu, các bước trong quy trình làm báo.

Ngay như trong Nghị quyết chuyên đề, chúng tôi bàn bạc cách thức, hằng tuần, hằng tháng các phòng phải phân loại phóng viên và các tiêu chí cũng phải hội tụ đủ chuẩn mực, bao gồm đầy đủ các yếu tố: chất lượng tác phẩm, ý thức, tác phong, chấp hành nội quy. Chúng tôi đề cao sự chuẩn mực, tới đây, sẽ tiếp tục làm nghiêm hơn nữa để giữ gìn hình ảnh phóng viên bộ đội cụ Hồ bằng nhiều cơ chế khác.

+ Tôi cho rằng, Báo chí Cách mạng Việt Nam hôm nay có đủ sức thích nghi và phát triển trong một thế giới thông tin đầy biến động và cạnh tranh quyết liệt, một phần phụ thuộc rất lớn vào việc đội ngũ những người làm báo, các cơ quan báo chí có giữ vững được bản chất cách mạng, phẩm chất văn hóa của mình hay không… Với Báo Quân đội Nhân dân, “ranh giới đỏ” như ông vừa nhấn mạnh, có thực sự khó thực hiện trong bối cảnh đầy thách thức của thời cuộc hay không, thưa ông?

- Vấn đề đạo đức cơ quan báo chí nào cũng rất cần quan tâm coi trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Báo chí chính thống nói chung và báo QĐND nói riêng sở dĩ khẳng định mình hơn MXH chính là ở đạo đức. Mà đạo đức thể hiện ở tính trung thực, tính chuyên nghiệp thì mới có thể dẫn dắt dư luận. Rõ ràng là chúng ta làm sao đa dạng, phong phú, nhanh chóng được như MXH nên ranh giới của mình chính là có văn hóa, có đạo đức. Điều này cũng rất phù hợp với phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ.

Trong 10 lời thề danh dự của quân nhân, lời thề thứ nhất là hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội… Đây chính là lời thề của sự dấn thân, là hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam mà người chiến sĩ nào, anh bộ đội cụ Hồ nào cũng nằm lòng điều ấy. Bởi vậy, đã là nhà báo - chiến sĩ thì phải vượt qua khó khăn, vượt qua thử thách, vượt qua cám dỗ.

Còn nếu cảm thấy làm báo khó quá, khổ quá cần phải đi làm giàu thì cũng động viên, khuyến khích cho ra khỏi ngành. Chứ chúng tôi không có chuyện chân trong chân ngoài, kiên quyết không ủng hộ việc lấy cơ quan là bình phong để làm giàu. Chúng tôi cho rằng, duy trì nghiêm túc, thực hiện thường xuyên những việc đó có thể làm áp lực công việc của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên tăng lên, nhưng lại ngăn ngừa, giảm thiểu được những sơ suất, hạn chế trong hoạt động chuyên môn.

Từ lúc tôi làm Tổng biên tập đến nay đã hơn 3 năm, không có hiện tượng vi phạm đạo đức nghiêm trọng, chỉ có một vài sơ ý trong đưa tin, gây ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp, công dân, chúng tôi đều phải làm cho rõ, đúng thì bảo vệ, sai thì xử phạt theo quy định…

Điểm tựa cũng là sức ép

+ Và đâu sẽ là điểm tựa để đứng vững, tồn tại, ngẩng cao đầu… khi những áp lực của nghề nghiệp, của hình ảnh người lính trong lòng dân mỗi thời mỗi khác, thưa nhà báo?

- Với chúng tôi có rất nhiều “điểm tựa” trong đó “điểm tựa” truyền thống là sâu sắc, trăn trở nhất. Tôi cứ nghĩ, ngày xưa các thế hệ các bác làm vất vả hơn mình nhiều chứ, đói khổ, hi sinh, phương tiện thì không có, kinh tế cũng không, chỉ có dấn thân tận hiến. Mình so với thế hệ trước, điều kiện đã tốt hơn nhiều lần thì có lý do gì mà không tích cực, không lăn lộn, không chịu khó đi công tác? Nghĩ về truyền thống để trí tuệ thêm sáng suốt, tâm hồn thêm trong sáng và thêm động lực để cống hiến. Nhưng tất nhiên, đó thực sự cũng là sức ép rất lớn đối với chúng tôi.

Ở Báo QĐND, ai cũng thường trực câu hỏi: Làm thế nào để truyền thống vinh quang luôn được gìn giữ? Báo QĐND đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, 2 lần nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng và nhiều phần thưởng cao quý khác… Sức ép là ở chỗ, phải làm sao giữ gìn được truyền thống vinh quang ấy. Ngày xưa, bối cảnh khác nay rất nhiều. Hiện nay cơ chế chính sách không theo kịp sự phát triển thực tế, nhu cầu bạn đọc thì đa dạng, chứ không chỉ một chiều nghe đài địch hoặc đài ta. Mình không có nhiều giải pháp thì rất dễ đánh mất đi sự vinh quang, đáng tự hào, mất điểm tựa tinh thần vô giá ấy…

+ Tổng Biên tập vừa nhắc đến những cơ chế chính sách, phải chăng đó cũng là những trăn trở, nỗi lo không của riêng ai, cho một chặng đường mới?

- Với nền báo chí chúng ta nói chung, tôi thấy giai đoạn này kinh tế báo chí rất khó khăn. Nhà nước cũng ủng hộ, quan tâm, nhưng cơ chế chính sách cụ thể thì chưa có. Báo QĐND chúng tôi có thuận lợi là được bao cấp, đảm bảo cơ bản cho phóng viên. Nhưng để nâng cao đời sống cho anh em thì cũng là bài toán khó, vận động xã hội hóa, tích kiệm chi tiêu, công khai minh bạch để anh em thấy rằng tòa soạn chỉ có thế, để anh em thông cảm chis sẻ… nhưng cũng không thể cứ mãi như thế.

Trong vấn đề cơ chế chính sách chung, tôi nghĩ rằng cần tiếp tục thực hiện quy hoạch mạnh mẽ, hiệu quả, bởi còn nhiều tờ báo chồng chéo, không cần thiết, phải mạnh dạn thu gọn lại. Một số các đơn vị nói là quy hoạch về mặt hình thức là sáp nhập, số người vẫn thế, thì làm sao mà nuôi được anh em… Cần quy hoạch rõ ràng để tránh chồng chéo, nhiều cơ quan báo chí quá... sẽ giảm sức mạnh của báo chí truyền thống. Nhà nước phải tiếp tục có những chính sách đầu tư chứ để báo chí vận hành theo quy luật thị trường thì sẽ rất khó khăn. Chúng ta làm báo đâu chỉ là tuyên truyền đơn thuần mà tuyên truyền phải có định hướng, thông tin phải có giáo dục, giải trí phải có đấu tranh…

Bài 4: Chỉ mặt đặt tên những vết nứt đạo đức…

Mổ xẻ những hình thái của vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, đánh giá về những “con sâu bỏ rầu nồi canh”,… để rồi rút ra những bài học về sự tu dưỡng, rèn luyện, nghiêm cẩn tự soi, tự sửa và “nằm lòng” những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy Báo chí Cách mạng kính yêu.

Nhà báo Nguyễn Uyển - Nguyên Trưởng ban Công tác Hội – Hội Nhà báo Việt Nam: Phải nghiêm cẩn tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện

Hơn 60 năm trong nghề làm báo, tôi luôn luôn ghi nhớ những lời dạy chí thiết chí tình của Bác Hồ vô vàn kính yêu đối với báo chí và với người làm báo Việt Nam. Tôi luôn học hỏi để thấu đáo và làm cho đúng lời Người: “Làm báo là làm cách mạng... Nhà báo cũng là chiến sĩ”...

Nhà báo Việt Nam luôn được Đảng tin, dân mến, xã hội nể trọng suốt chặng đường vẻ vang của dân tộc là bởi luôn vâng lời Bác lời Đảng, luôn tự soi chiếu đạo đức nghề nghiệp của mình. Báo giới Việt Nam luôn vui, hãnh diện, tự hào về những kỳ tích tuyên truyền nhân văn, tích cực và lành mạnh trong công cuộc đấu tranh xây dựng cái mới, cái tốt đẹp cho con người, cho xã hội và đất nước...

Chúng ta thực sự buồn và căm giận những nhà báo vi phạm đạo đức, vi phạm luật pháp vì sự hèn mạt của cá nhân; đặc biệt những vụ “làm tiền” gần đây. Ấy là chưa kể đến những chuyện “đâm bị thóc chọc bị gạo”, dọa dẫm doanh nhân, doanh nghiệp để vụ lợi cá nhân; viết và nói không nhất quán; viết báo in thì khác, nhưng thông tin trên mạng xã hội thì hệt một kẻ lưu manh tha hóa... Dù đó là cá nhân, ít ỏi nhưng sự mất tín với báo giới Việt Nam là không hề nhỏ. Báo giới không thể để yên, Chi hội Nhà báo không thể cho qua. Cơ quan báo chí dứt khoát không thể có những phần tử như thế ở trong tòa soạn. Luật pháp cần xem xét, nghiêm trị xử phạt để răn đe!...

Để thực sự “Làm báo là làm cách mạng”, “Nhà báo cũng là chiến sĩ” thì nhà báo phải suốt đời theo gương Bác Hồ về đạo đức cách mạng: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tinh thần quốc tế trong sáng. Có vậy báo chí mới nhân văn, tích cực và lành mạnh theo kịp thời đại. Muốn vậy người làm báo dứt khoát phải có tâm đẹp, đức sáng. Tâm chính là phần hồn của con người. Tâm là tâm thức, là trung tâm của cảm giác, của tình cảm, của ý thức và hành động. Tình cảm và ý thức là gốc sinh ra tâm. Tâm sinh ra những điều tốt đẹp, nhưng cũng nẩy ra những điều tệ hại... Đi theo cái hay, cái tốt, cái thiện là tâm sáng, lòng trong (Như nhà báo Hữu Thọ từng nói)...

Cho nên, làm báo thì phải có nghề, phải có tấm lòng đẹp mới mong đưa đến những điều tốt đẹp cho bản thân, cho con người và xã hội... Đi cùng tâm là đức. Đức chỉ giá trị và tính cách của một con người. Đạo là đường, đức là tính tốt. Đạo đức là con người có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn, trong phong cách sống và hành động.

Người làm báo có đạo đức sẽ biết làm chủ, luôn hiểu mình phải làm gì khi tác nghiệp và viết tin bài... Tuyệt nhiên không nói dối, nói sai; không đơm đặt, vụ lợi cá nhân; không để kẻ xấu lợi dụng để làm điều sai trái... Cho nên, muốn có đạo đức đẹp thì phải thường xuyên rèn luyện. Phải nghiêm cẩn tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức của người thầy báo chí cách mạng Hồ Chí Minh kính yêu, nói đi đôi với làm, xây đi đôi với chống. Nghĩa là phải suốt đời rèn luyện, tu dưỡng, bồi dưỡng đạo đức làm người và đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam. Đương nhiên, đây cũng là trách nhiệm không hề nhỏ từ nơi đào tạo Nhà báo, nơi sử dụng người làm báo, của Chi hội nhà báo và Hội Nhà báo Việt Nam!

Ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục báo chí – Bộ Thông tin & Truyền thông: Giữ tính cách mạng - nhiệm vụ cấp thiết, ưu tiên hàng đầu

Có thể thấy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí và người làm báo thể hiện trách nhiệm của báo chí rất nặng nề nhưng là nhiệm vụ hết sức vẻ vang. Thực tế trong suốt hành trình phát triển, báo chí đã có những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đâu đó trong đội ngũ những người làm báo vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”, lợi dụng uy tín của cơ quan báo chí, lợi dụng danh nghĩa “nhà báo” để thực hiện mục đích cá nhân, khiến công chúng bức xúc.

Đặc biệt, khi mạng xã hội ngày càng phổ biến, một số người đang hoặc đã từng công tác trong các cơ quan báo chí có biểu hiện “lệch chuẩn” khi phát ngôn trên không gian mạng. Và ngay ở các cơ quan báo chí, cũng còn một số tòa soạn chưa thực hiện nghiêm các quy định trong hoạt động, không kiểm soát chặt chẽ nội dung, đăng tải thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật, thông tin “giật gân”, câu view… Những vi phạm này đã bị phát hiện, xử lý bằng nhiều hình thức, từ cảnh cáo đến xử phạt vi phạm hành chính; thậm chí có cả những nhà báo đã bị tước thẻ, bị xử lý hình sự vì vi phạm nghiêm trọng. Đây là những việc thực sự đáng buồn và đáng tiếc!

Rõ ràng là, báo chí phải “soi và sửa mình”, phải nỗ lực giữ tính cách mạng, giữ vững giá trị cốt lõi và sứ mệnh của mình. Đây là nhiệm vụ cấp thiết, các cơ quan báo chí phải ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay. Đảm bảo tính tư tưởng, giáo dục, tính chiến đấu của báo chí, người đứng đầu đơn vị và bản thân người làm báo phải kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích, xa rời lập trường chính trị của báo chí cách mạng.

Một điều rất khó nhưng vẫn phải làm nghiêm trong bối cảnh hiện nay là các tòa soạn phải kiên định chống khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận. “Mặt trận” của các nhà báo trong bối cảnh hiện nay rộng hơn và phức tạp hơn bởi sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội. Nhiệm vụ chống hiện tượng lợi dụng báo chí và tự do ngôn luận để làm lộ bí mật quốc gia, thông tin kích động dư luận... trở nên cấp thiết. Báo chí cũng có trách nhiệm vạch trần và làm thất bại mọi âm mưu phá hoại về tư tưởng của các thế lực thù địch.

Song song với đó, báo chí phải tích cực đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước cùng những thành tựu mọi mặt của công cuộc đổi mới… Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ về nghề báo, làm cho báo chí nước nhà luôn luôn xứng đáng là diễn đàn của nhân dân, tiếng nói của Đảng và Nhà nước trong điều kiện mới, đội ngũ người làm báo ngày nay phải xác định tinh thần không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng làm báo và giữ vững sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp, tích cực góp phần phục vụ cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Trưởng Ban Kiểm tra chuyên trách – Hội Nhà báo Việt Nam: Cần sự vào cuộc với thái độ nghiêm túc, quyết liệt

Trong thời gian gần đây, có thể nói chưa bao giờ vấn đề đạo đức báo chí, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo lại trở thành vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm, lo ngại của không chỉ những người làm báo chân chính mà còn của toàn xã hội, công chúng bạn đọc, những người đặt niềm tin tuyệt đối vào sứ mệnh cao quý của những người làm báo.

Qua theo dõi hoạt động báo chí và từ phản ánh của các đơn vị báo chí thông qua công tác kiểm tra giám sát, tôi cho rằng có mấy nguyên nhân chủ yếu sau: Một là: Một số cơ quan báo chí nhất là các tạp chí thực hiện chưa nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực báo chí, tiếp tục buông lỏng công tác quản lý, phóng viên cộng tác viên, nhất là phóng viên văn phòng, đại diện, thường trú, không thực hiện nghiêm túc Quyết định số 979/QĐ-HNBVN ngày 06/4/2018 về việc sinh hoạt của Hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương.

Hai là: Một số cơ quan báo chí vẫn còn hiện tượng giao khoán doanh thu quảng cáo cho đội ngũ phóng viên, cơ quan thường trú. Trong điều kiện các doanh nghiệp gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19 không có điều kiện tài trợ, quảng cáo cho cơ quan báo chí như trước dẫn đến hiện tượng muốn hoàn thành chỉ tiêu định mức với tòa soạn thì buộc phải vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Ba là: Các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp khi bị phóng viên đe dọa, nhũng nhiễu đều rất ngại ngần, không dám đứng ra tố cáo tới các cơ quan chức năng do lo sợ bị các đối tượng này tiếp tục gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Bốn là: Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp tại các cơ quan báo chí còn mờ nhạt. Công tác phổ biến, giáo dục về pháp luật, đạo đức nghề nghiệp chưa nghiêm túc, còn nặng tính hình thức. Một số cấp Hội chưa thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chưa quan tâm đúng mức đến việc hội viên tham gia mạng xã hội để xảy ra hiện tượng hội viên thể hiện quan điểm trên mạng xã hội trái với quan điểm trên tác phẩm báo chí.

Năm là: Ý thức về trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của một bộ phận người làm báo còn rất hạn chế. Một bộ phận phóng viên coi nghề báo chỉ là phương tiện để kiếm tiền, coi nhẹ lòng tự trọng, danh dự, uy tín của nghề báo, người làm báo, lạm dụng nghề nghiệp, lợi dụng lòng tin của công chúng bạn đọc để trục lợi.

Sáu là: Chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe. Tuy những sai phạm chỉ là cá biệt, là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng với niềm tin của Đảng, của nhân dân đối với báo chí thì đây thực sự là nỗi đau, là vết thương đau xót đối với đội ngũ những người làm báo.

Vì vậy, để chấn chỉnh, đẩy lùi những vấn đề tồn tại của các cơ quan báo chí, làm trong sạch đội ngũ người làm báo thì rất cần sự vào cuộc với thái độ nghiêm túc, quyết liệt của các cơ quan quản lý, các cấp hội nhà báo, các cơ quan chủ quản báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí và trách nhiệm bản thân từng phóng viên - nhà báo…

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học Viện Báo chí & Tuyên truyền: Là sự bôi đen, vẩy mực lên nền báo chí của chúng ta

Khoảng 10 năm trở lại đây, đạo đức của nhà báo xuống cấp là vấn đề hết sức nổi cộm và gần đây thì càng trở nên “nóng”. Một số không nhỏ nhà báo vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật đã khiến cho uy tín, niềm tin của công chúng dành cho báo chí giảm sút rất nhiều.

So với trước đây, thực trạng vi phạm đạo đức có nhiều hình thái hơn như: cố tình viết sai sự thật, bịa đặt, thiếu khách quan, thiếu trung thực, phóng viên chạy quảng cáo, ép cơ sở, doanh nghiệp, ép các tổ chức ký hợp đồng truyền thông, săn lùng thông tin sai phạm rồi ngã giá… Thậm chí, một dạng khác cũng hết sức tồi tệ mà cố nhà báo Hữu Thọ khi còn sống đã dùng cụm từ là “đánh hội đồng” hoặc “cứu hội đồng”…

Trong một dịp phỏng vấn cố nhà báo Hữu Thọ khi nhắc đến phẩm chất của người đứng đầu cơ quan báo chí, ông có sử dụng một cụm từ rất Hữu Thọ, đó là “Người đứng đầu phải có khả năng ngửi bài” tức là cầm bài viết trên tay của quân mình, cấp dưới mà có thể “ngửi” được đằng sau đó là động cơ gì, mục đích gì? Hay hiện tượng nữa là báo hóa tạp chí mà Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin & Truyền thông đã có nhiều chỉ đạo, uốn nắn thời gian qua nhưng vẫn còn tồn tại…

Tôi nghĩ rằng, đây không phải chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” mà đã là sự bôi đen, vẩy mực lên nền báo chí của chúng ta. Nguyên nhân của vấn đề này, có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ cơ chế, khó khăn tác động của nền kinh tế thị trường, khiến mỗi nhà báo phải vật lộn với “cơm áo gạo tiền”, các tòa soạn phải lo toan về kinh tế báo chí… Một mặt phải hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm trong Kinh tế báo chí, một mặt phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị của nghề nghiệp.

Cho nên đây cũng là việc vướng mắc cần phải được tháo gỡ để tạo ra cơ chế động viên, khuyến khích, bảo hộ cho báo chí phát triển để cho người làm báo thăng hoa, sáng tạo, các cơ quan báo chí được giải phóng mình, chỉ tập trung thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh hết sức cao cả mà nhân dân, xã hội giao cho. Đó là trách nhiệm trước sự thật, trước công chúng, trước nhân dân. Đó là trách nhiệm trước tin tức, trách nhiệm trước các vấn đề của thời cuộc…

TS. Nguyễn Tri Thức – Ủy viên BBT kiêm Trưởng Ban chuyên đề và chuyên san, Tạp chí Cộng sản: Cần xử lý mạnh tay hơn nữa đối với nhà báo, cơ quan báo chí vi phạm nhiều lần

Thực ra, việc suy thoái về đạo đức trong tác nghiệp báo chí nói riêng và nghề báo nói chung đã diễn ra cách đây khá lâu rồi, không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đang rộ lên bởi các vụ bắt bớ các cộng tác viên, một số phóng viên ở một số cơ quan báo chí mà ít có tên tuổi, ít có uy tín, ít có vị thế trong làng báo. Sự vi phạm này rất cần phải lên án, rất cần phải ngăn chặn và triệt bỏ trong đời sống xã hội vì điều này sẽ mang tiếng báo chí, sẽ làm xấu hình ảnh báo chí, sẽ làm mất uy tín, mất sự tin cậy của nhân dân, cũng như là của các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với hoạt động báo chí nói riêng và nền báo chí nói chung.

Thực ra, chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn được, chúng ta phải có những cách để nhận diện, để ngăn chặn, thậm chí là cô lập, lên án từ chính cộng đồng làm báo và trong xã hội. Tôi nghĩ sâu xa nhất có nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng quan trọng nhất liên quan đến là vấn đề Kinh tế báo chí, liên quan đến quản lý nhà nước. Tôi nghĩ cần thắt chặt, xử lý mạnh tay hơn nữa đối với các nhà báo, cơ quan báo chí vi phạm nhiều lần để có tính răn đe.

Chúng ta phải có những hình thức xử lý mạnh tay hơn, thậm chí là rút giấy phép đối với những cơ quan báo chí trong 1 năm mà có tới 3 nhà báo liên quan tới việc bị bắt hoặc 3 vụ việc khiến xã hội bất bình chẳng hạn. Song song với đó, chúng ta cũng cần kêu gọi nâng cao đạo đức cách mạng, nâng cao học tập làm theo Bác, đạo đức nghề nghiệp.

Đặc biệt vấn đề này làm sao phải giải quyết hài hòa giữa lợi ích kinh tế với nhiệm vụ chính trị của các cơ quan báo chí nói riêng và nền báo chí nói chung. Khi vấn đề kinh tế báo chí chưa được giải quyết, chưa giúp các nhà báo yên tâm lao động cống hiến thì còn nhiều cái khó khăn liên quan đến quá trình giữ gìn và nuôi dưỡng phát huy đạo đức nghề nghiệp trong quá trình công tác.

Nhà báo Trần Quang Đại – Báo Lao Động thường trú tại Nghệ An: Không thỏa hiệp hoặc lùi bước trước những áp lực hay cám dỗ

Hiện nay, bên cạnh đội ngũ những người làm báo chân chính, luôn giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, vẫn có một bộ phận những người làm báo có những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, hoạt động có tính chất vụ lợi, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, vi phạm nguyên tắc cung cấp thông tin và phát ngôn trên mạng xã hội. Chưa có sự khảo sát cụ thể, tuy nhiên theo tôi hiện tượng nói trên là khá phổ biến, đáng báo động, không thể chấp nhận được. Nghề báo hiện nay có nhiều áp lực cũng như nhiều cám dỗ. Đối với những đối tượng vi phạm, họ sẽ tìm cách gây áp lực, mua chuộc hoặc nhiều biện pháp, thủ đoạn để tránh bị báo chí phản ánh. Người làm báo muốn có những tác phẩm báo chí có chất lượng và có tác động xã hội đương nhiên phải không thỏa hiệp hoặc lùi bước trước những áp lực hay cám dỗ đó. Tuy nhiên, theo tôi đây là điều bình thường, không có gì khó khăn quá mức hay cái gì đó là sự hy sinh gì cả. Nếu bản thân nhà báo rõ ràng, kiên quyết thì những đối tượng tìm cách mua chuộc hay gây áp lực sẽ lui bước. Vì đây là vấn đề thuộc về nguyên tắc cơ bản của đạo đức nghề nghiệp mà bất cứ ai bước chân vào nghề đều đã nắm được. Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của mình, không ít lần tôi đã bị can thiệp, đe dọa, gây áp lực hoặc mua chuộc. Tuy nhiên, tôi đều tìm cách vượt qua bởi vì nếu thỏa hiệp hay lùi bước thì sẽ đánh mất mình, đánh mất niềm tin của bạn đọc… Có thể nói, cũng như mọi hoạt động xã hội – tư tưởng – nghề nghiệp khác, trong quá trình hoạt động, bên cạnh những mặt tích cực, đã xuất hiện những hiện tượng tiêu cực, vi phạm, suy thoái trong đội ngũ những người làm báo. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, khắc phục thì các hiện tượng vi phạm càng nghiêm trọng, uy tín của báo chí giảm sút, thậm chí đánh mất vai trò của mình trong đời sống xã hội.

Bài 5: Thấm nhuần đạo đức cách mạng để phụng sự nhân dân

Báo chí muốn làm tròn vai của mình - xứng đáng trở thành một lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, muốn thắp sáng hơn nữa ngọn lửa văn hóa - đạo đức - cái tâm, trách nhiệm trong bối cảnh hiện nay thì luôn phải coi trọng việc “soi và sửa mình”.

Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào? đã và vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong ý thức và hành động của những người làm báo cách mạng Việt Nam.

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ. Người làm báo từ Trung ương đến địa phương đều là đầy tớ của nhân dân, đều phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân. Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam (1959), Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”. Trong thư gửi lớp viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng, điều thứ nhất mà Người căn dặn ấy là “cần phải gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”

Trong nhiều bài viết của mình, luôn nhắc đi nhắc lại yêu cầu đối với các nhà báo trước khi viết phải trả lời các câu hỏi “Vì ai mình viết? Viết cho ai? Viết để làm gì?”… Người chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng”. Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài; viết “phục vụ nhân dân” thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng. Chọn điều có lợi cho dân thì luôn phải trên nền tảng của sự thật.

Theo Bác, nhà báo viết phải chân thực - chân thực là sức mạnh vì nó có lòng tin. Mỗi bài viết của phóng viên phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc. Bài viết phải đem lại cho người đọc lượng thông tin cao và chính xác.

Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra, không nêu nói ẩu, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Bác dạy: “Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo”… Một tờ báo để được “ham chuộng” như Bác Hồ chỉ dạy chính là tờ báo phải hướng đến phục vụ công chúng, phục vụ nhân dân.

2. Trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay, để làm được điều ấy có khó không? Trong bối cảnh, vừa phải lấy lại niềm tin nơi công chúng, vừa buộc mình phải đổi mới trước môi trường cạnh tranh thông tin khốc liệt… để bắt nhịp và phát triển. Giữ đạo đức nghề nhưng cũng phải hòa vào dòng chảy của chuyển đổi số, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và những ứng dụng mới, sự lên ngôi của truyền thông xã hội và các nhà cung cấp nền tảng xã hội… báo chí đang đứng trước nỗi lo đánh mất độc giả, công chúng.

Thêm vào đó, những tồn tại, hạn chế của báo chí, đặc biệt là sự xuống cấp của đạo đức báo chí như “chiếc thẻ đỏ” đang cản trở phần nào niềm tin yêu mà công chúng dành cho báo chí hôm nay. Bởi vậy, báo chí phải tiếp tục đổi mới mình, thật sự trở thành kênh thông tin chính xác, kịp thời, có sức mạnh, tầm ảnh hưởng sâu rộng và trách nhiệm cao hơn nữa trong xã hội. Mỗi người làm báo phải “nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng” như điều mà Bác Hồ hằng mong đợi.

3. Hiện nay, hầu hết lãnh đạo các cơ quan báo chí đều xác định chuyển đổi số chính là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, khi báo chí ngày càng tiến nhanh vào kỷ nguyên số cũng đặt ra nhiều vấn đề về đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo Nguyễn Hữu Phùng Nguyên (Báo Nhân Dân) khi nhắc về đạo đức báo chí đã nghĩ tới câu nói “Thông minh là thiên phú, còn tử tế là một sự lựa chọn”.

Dường như, với người làm báo hôm nay, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng là một sự lựa chọn và nhiều khi là sự lựa chọn khó khăn. Nhà báo buộc phải lựa chọn giữa việc đi tìm sự thật khách quan cho bài viết của mình hay lựa chọn cách tác nghiệp dễ dãi, cẩu thả không kiểm chứng thông tin? Nhà báo lựa chọn cách đưa tin giật gân, dung tục, câu khách hay lựa chọn tính nhân văn, đề cao chân, thiện, mỹ trong các tác phẩm của mình? Lựa chọn dấn thân bất chấp khó khăn đấu tranh cho lẽ phải, sự công bằng hay lựa chọn cách làm báo “salon”, a dua “đánh đấm” theo “đơn đặt hàng”? Những sự lựa chọn ấy làm nên đạo đức của người làm báo…

Nhà báo Phùng Nguyên cho rằng: “Trong một nền báo chí lành mạnh, một nền báo chí đạo đức và nhân văn thì sẽ có những “lực hấp dẫn” để nhà báo lựa chọn sự tử tế. “Lực hấp dẫn” ấy không tự nhiên mà có, mà nó là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Khi sự tử tế, đạo đức nghề nghiệp trở thành một lựa chọn tự nhiên, khi đó báo chí trở về với giá trị cốt lõi của mình, tạo ra sự đóng góp to lớn cho xã hội”.

Trở về với giá trị cốt lõi của nghề báo cũng cần sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, nhiều giải pháp trong đó bài toán cơ chế và kinh tế báo chí là rất quan trọng. Chính vì vậy, cơ quan báo chí cần đảm bảo cho người làm báo về chế độ chính sách lương, nhuận bút, bảo hiểm, chế độ công tác phí, khen thưởng… để phóng viên, cộng tác viên bảo đảm cuộc sống.

Cần có cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí, khen thưởng, tôn vinh những nhà báo dấn thân vì cộng đồng. Nghề báo hiện nay có nhiều áp lực cũng như nhiều cám dỗ. Đối với những đối tượng vi phạm, họ sẽ tìm cách gây áp lực, mua chuộc hoặc nhiều biện pháp, thủ đoạn để tránh bị báo chí phản ánh vậy nên cần xử lý nghiêm minh các hành vi cản trở hoạt động báo chí, uy hiếp, đe dọa hoặc mua chuộc người làm báo…

Bên cạnh đó, sự gương mẫu của người đứng đầu cũng rất quan trọng trong bài toán của sự trở lại giá trị cốt lõi của nghề báo hôm nay. Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng cho rằng: “Tổng Biên tập vốn là một nghề khá đặc biệt, là người đứng đầu cơ quan báo chí. Vì vậy đòi hỏi một tờ báo có đạo đức báo chí thì điều đầu tiên đòi hỏi Tổng Biên tập không chỉ có bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn sâu rộng, có khả năng quản lý và điều hành mà còn phải là người có tư cách đạo đức, hay nói cách nôm na là người “tử tế”. Đặc biệt, trong điều kiện phải tự chủ về tài chính, tờ báo phải cố gắng triển khai các hoạt động kinh tế báo chí để có nguồn lực nuôi bộ máy và phát triển tờ báo. Vì vậy, tổng biên tập càng phải thể hiện quan điểm rõ ràng, không vụ lợi trên tinh thần đặt lợi ích cộng đồng trên lợi ích của tờ báo và lợi ích của tờ báo lên trên lợi ích của cá nhân…”.

Trong bất cứ giai đoạn nào, “báo chí vì cách mạng, vì Đảng, vì nhân dân” - vừa là mục đích, vừa là điều kiện, vừa là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí. Và để làm được điều đó, báo chí không còn con đường nào khác là trở lại giá trị cốt lõi của nghề báo, không có mục tiêu nào cao hơn là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Bản thân mỗi nhà báo cũng luôn phải nằm lòng điều mà nhà báo lão thành Phan Quang từng chia sẻ: “Nhà báo có đạo đức là người có đủ bản lĩnh để vượt lên sự lũng đoạn của mặt trái xã hội, giữ được cái tâm, hướng về lợi ích đất nước, lấy lợi ích đất nước làm tiêu điểm”.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top