Cụ thể, sau khi được kiện toàn, Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Lắk gồm có 17 thành viên, với Trưởng ban là ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và Phó trưởng ban là Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Hoàng Giang. Sở TT&TT là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử của Ninh Thuận, Đắk Lắk có thêm nhiệm vụ
Thứ bảy, 03/10/2020 22:01
Ninh Thuận, Đắk Lắk là hai địa phương vừa kiện toàn lại Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh mình. Theo đó, Ban chỉ đạo được bổ sung thêm các nhiệm vụ về đô thị thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số.
Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Lắk có các nhiệm vụ: Tham mưu UBND tỉnh về cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển đô thị thông minh, chính quyền điện tử; Đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định, hướng dẫn liên quan đến quy hoạch, xây dựng, hạ tầng kỹ thuật và quản lý phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh, chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số;
Cho ý kiến về các chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển đô thị thông minh, chính quyền điện tử, chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh…
Đối với Ninh Thuận, Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh này sau khi kiện toàn có 32 thành viên. Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Xuân Vĩnh là Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Lê Văn Bình là Phó trưởng ban thường trực và Giám đốc Sở TT&TT là Phó trưởng Ban chỉ đạo. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo là Sở TT&TT.
Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Ninh Thuận có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy việc xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh và phát triển doanh nghiệp công nghệ số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.
Ban chỉ đạo này cũng có các nhiệm vụ: Giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh và phát triển doanh nghiệp công nghệ số; Giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế chính sách, các đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh và phát triển doanh nghiệp công nghệ số…
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương vào ngày 12/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Ủy ban chỉ đạo thêm các nội dung về đô thị thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số, không thành lập thêm các Ban chỉ đạo mới về việc này.
Ngày 26/5/2020, Quyết định 701 kiện toàn Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã được ban hành. Cùng với việc được bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo về đô thị thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử cũng có thêm 2 thành viên là Bộ trưởng 2 Bộ: Xây dựng, Công Thương. Ngày 3/8 vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt danh sách 19 thành viên Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử.
Trong tháng 7/2020, đã có một số bộ, tỉnh cũng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử theo Quyết định 701 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thêm nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh, đó là Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh Bến Tre, Cao Bằng, Gia Lai, Kon Tum.