Cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh chủ trì, phối hợp với các viện nghiên cứu, các sở, ngành, địa phương tăng cường giới thiệu các công nghệ mới đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin trong chọn tạo, nhân giống, áp dụng quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến nông lâm sản, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh; phục tráng, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen các giống cây trồng, vật nuôi quý hiếm, đặc sản có giá trị của địa phương.
Theo đó, ứng dụng công nghệ sinh học tập trung vào các lĩnh vực: chọn tạo, nhân giống cây trồng, bảo quản, chế biến nông, lâm sản, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh, đặc thù của tỉnh như: vải thiều, gà đồi Yên Thế, gạo thơm Yên Dũng, nấm Lạng Giang, lạc Tân Yên, bưởi Hiệp Hòa, mật ong Sơn Động… Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý rác thải, nước thải, ở các khu, cụm công nghiệp, làng nghề nông thôn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh, xây dựng bệnh viện thông minh, nâng cao chất lượng dạy và học, cải cách hành chính, thúc đẩy chính phủ điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vật liệu mới, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, thân thiện với môi trường trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống.
Những năm qua, công nghệ sinh học được ứng dụng mạnh mẽ đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang. Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang đã triển khai 91 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp tỉnh trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ sinh học để phát triển nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, giá trị thương mại và sức cạnh tranh của nông sản địa phương.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng vật liệu tiên tiến, công nghệ tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường vào sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng loại nhẹ như: gạch hoặc tấm panel từ bê tông khí chưng áp, bê tông khí không chưng áp, tấm tường thạch cao, tấm 3D; các loại gạch được sản xuất từ chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp; gạch silicat… tiến tới ứng dụng vật liệu nano; vật liệu chức năng; thiết bị nano; cao su chuyên dụng; polymer và composite đặc biệt; vật liệu y sinh; vật liệu điện tử tiên tiến… phục vụ sản xuất và đời sống.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có khoảng trên 160 doanh nghiệp, hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các loại sản phẩm vật liệu xây dựng có ứng dụng các công nghệ vật liệu mới như: Sản xuất gạch không nung để tận dụng hiệu quả nguồn tro, xỉ; gạch cốt liệu từ tro, xỉ; bê tông dự ứng lực, vật liệu cacbon, composite, tấm kim loại cách âm, cách nhiệt, chống ồn… Trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nhiều dự án sản xuất gỗ ván ép công nghệ mới thay thế công nghệ truyền thống. Trong lĩnh vực y học, công nghệ vật liệu mới cũng có những đóng góp tích cực trong công tác khám chữa bệnh tại địa phương như ứng dụng nanopolymer trong y dược, vật liệu nano trong y sinh…
Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tăng nguồn vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ; thực hiện tốt các đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp cơ sở đảm bảo đúng mục tiêu, quy mô, tiến độ và hiệu quả. Tỉnh điều chỉnh cơ cấu hợp lý giữa nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ phù hợp điều kiện của địa phương; đưa khoa học và công nghệ gắn liền với sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực để nâng cao năng suất, chất lượng, đạt các tiêu chuẩn GAP để hướng tới xuất khẩu; đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; triển khai hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao)…/