Trong vài ngày qua, nhiều nhà phát triển trên toàn cầu đã truyền tai nhau thông tin rằng Apple đang chuẩn bị ra mắt bộ máy tìm kiếm của riêng mình nhằm cạnh tranh với Google. Một số cho biết đã nhận thấy tần suất hoạt động của web crawler Applebot trên các website của họ tăng cao. Applebot hiện được sử dụng trong Siri và Spotlight để rà soát trên web và xác định xem những kết quả nào sẽ liên quan nhất đến truy vấn của người dùng.
Apple sẽ sớm tung ra bộ máy tìm kiếm riêng để cạnh tranh với Google
Thứ bảy, 03/10/2020 21:34
Liệu Apple có thực sự muốn từ chối hàng tỷ đô mà Google “cống nạp” mỗi năm, chỉ để thực hiện tham vọng tạo ra một công cụ tìm kiếm tôn trọng quyền riêng tư hơn
Theo trang InputMag, vẫn chưa rõ liệu bộ máy tìm kiếm của Apple sẽ có hẳn một website (như Google.com), hay chỉ truy cập được trên các phần cứng của công ty.
Nếu ngẫm kỹ, có thể thấy rõ ràng tại sao Apple lại muốn giảm sự lệ thuộc vào Google, công ty sở hữu mô hình quảng cáo dựa trên dữ liệu vốn hoàn toàn đối lập với cam kết của Apple về quyền riêng tư. Mỗi năm, Apple nhận được gần 9 tỷ USD tiền lệ phí để biến Google thành bộ máy tìm kiếm mặc định trong Safari và Siri. Đối với nhiều người, thoả thuận này trông thật...đạo đức giả. Apple, công ty luôn miệng nói tôn trọng quyền riêng tư của người tiêu dùng, theo một cách nào đó đang kiếm tiền từ việc thu thập dữ liệu người dùng, chỉ là một cách gián tiếp mà thôi.
Một bộ máy tìm kiếm đề cao quyền riêng tư hiển nhiên sẽ mang lại ít lợi nhuận tiềm năng hơn. Giá quảng cáo của Google đã bị ảnh hưởng mạnh sau khi Apple chặn tính năng theo dõi lịch sử trình duyệt trên Safari, và Facebook mới đây cũng đã lên tiếng rằng tính hiệu quả của các quảng cáo trực tuyến của họ có thể sẽ bị giảm sút khi Apple chặn không cho phép các nhà quảng cáo tinh chỉnh quảng cáo dựa trên hoạt động của người dùng trong các ứng dụng khác nhau. Facebook hiện không thể thay đổi các quảng cáo theo hướng cá nhân hoá được nữa. Các quảng cáo xuất hiện bên trong bộ máy tìm kiếm của Apple nhiều khả năng sẽ chỉ dựa trên từ khoá, giống như các quảng cáo hiện ra dựa trên truy vấn tìm kiếm trên App Store vậy.
Tuy nhiên, thật khó mà hình dung được một công ty như Apple lại chấp nhận từ bỏ hàng tỷ đô trong khi chẳng cần bỏ ra bao nhiêu công sức, trừ khi họ bằng cách nào đó tìm được giải pháp để thay thế cho nguồn lợi nhuận này. Tự phát triển một bộ máy tìm kiếm có khả năng hoạt động hiệu quả không kém Google hiển nhiên sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền - những giải pháp thay thế như DuckDuckGo thì bị người tiêu dùng đánh giá là quá yếu kém - và Apple sẽ phải bán một lượng vô tiền khoáng hậu quảng cáo không hướng đối tượng để thu về được 9 tỷ lợi nhuận thuần trước đây nhận từ Google.
Nhưng hợp đồng nhiều tỷ đô giữa Apple và Google hiện đang đứng trước sự dò xét của các cơ quan chính phủ, trong đó các nhà chức trách Anh khẳng định hợp đồng này tạo ra một rào cản cạnh tranh bằng cách khiến các bộ máy tìm kiếm khác không thể cạnh tranh được. Nếu hai công ty bị buộc phải chấm dứt thoả thuận và Apple mất đi nguồn tiền, họ sẽ càng có thêm động lực để tung ra bộ máy tìm kiếm riêng. Dựa trên những hành động của Apple trên App Store, nhiều khả năng bộ máy tìm kiếm này sẽ không tự do như Google. Bởi người dùng hiện có thể thay đổi bộ máy tìm kiếm mặc định của họ trên iOS, việc tung ra bộ máy tìm kiếm riêng cũng sẽ không khiến Apple phải hứng chịu những chỉ trích liên quan vấn đề phản cạnh tranh mà hãng đang gặp phải trên App Store.
Cuối cùng, bằng cách phát triển một bộ máy tìm kiếm hoàn chỉnh, Apple có thể có được nhiều ưu thế hơn trước Google trong những cuộc đàm phán, và có thể tạo ra được một thế cạnh tranh thực sự, buộc các công ty trên lĩnh vực tìm kiếm nói chung phải tăng cường cải tiến hơn nữa. Google vừa qua đã tăng cường những giải pháp bảo về quyền riêng tư trong trình duyệt Chrome nhằm đáp lại những động thái tương tự của Apple trong Safari.