Những ngày cơn bão Yagi và hoàn lưu của nó tàn phá hệ thống điện và điện thoại, internet, gây gián đoạn liên lạc, người dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai đối mặt với nguy cơ bị cô lập dẫn đến nhiều hiểm nguy. Khi đó, sóng phát thanh chính là điểm tựa quan trọng để kết nối thông tin, giúp bà con kịp thời phòng tránh hiểm họa và tìm kiếm sự giúp đỡ.
Lời cảnh báo kịp thời trước bão dữ
Một ngày trước khi cơn bão số 3, còn gọi là siêu bão Yagi, ập vào đất liền, khắp bản làng xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, Lào Cai) liên tục vang vọng tiếng loa truyền đi chương trình phát thanh nhắc nhở mọi người về các biện pháp phòng chống bão an toàn, đồng thời cập nhật mọi diễn biến của cơn bão.
Thời điểm đó, dù đang luôn tay luôn chân với những công việc gấp phải làm để chống bão, ông Hoàng Văn Tủa, 58 tuổi, vẫn luôn luôn lắng tai nghe tiếng nói phát ra từ chiếc radio mà ông luôn mang theo bên mình để cập nhật thông tin về cơn bão số 3. Chiếc đài này được ông mua từ 10 năm trước, từ đó tới nay vẫn chạy rất tốt, chỉ việc thay pin chứ không cần sửa chữa gì.
“Bình thường, khi làm việc ngoài đồng, tôi đều mang theo chiếc đài này để nghe tin tức thời sự. Nhưng phải đến khi nếm trải những ngày khó khăn vừa qua, tôi mới thấy hết tầm quan trọng của nó và của sóng phát thanh. Trước khi cơn bão số 3 đổ bộ đất liền, Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục cập nhật các bản tin về cơn bão, giúp người dân ở bất cứ đâu, đang làm gì cũng đều nắm bắt được diễn biến. Trong lúc vội vã, không phải lúc nào tôi cũng xem được ti vi và điện thoại, chỉ có đài phát thanh là tiện gọn nhất, đi đâu cũng có thể mang theo, đang làm việc vẫn theo dõi được.
Đến khi cơn bão đổ bộ và quật đổ tất cả hệ thống điện, mạng viễn thông, Internet thì bên cạnh chúng tôi vẫn luôn có đài phát thanh. Thời điểm đó, phát thanh là phương tiện duy nhất giúp chúng tôi nắm bắt được thông tin” , ông Tủa nói.
Giống như ông Tủa, anh Vạn Ngọc Thắng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, Lào Cai) cũng trông cậy vào phát thanh trong những ngày bão số 3 tấn công. Lúc đó nhiều nơi ở Cốc Lầu mất điện, người dân không thể xem tivi để theo dõi tin bão, sóng điện thoại cũng chập chờn không sử dụng được. Thế nhưng chỉ cần mở radio, anh Thắng và bà con có thể cập nhật tình hình mưa bão hàng giờ, đồng thời lắng nghe các khuyến cáo của lực lượng chức năng.
“Biết được ưu thế của đài phát thanh nên trước cơn bão, tôi đã mua thêm nhiều pin để có thể nghe radio thường xuyên. Cũng chính nhờ nghe tin tức từ radio mà tôi và gia đình có thể chủ động lên kế hoạch phòng chống bão. Thiệt hại do đó cũng bớt đi nhiều” , anh Thắng nói.
Ngoài radio, thông tin phát thanh còn đến với bà con qua hệ thống loa của thôn xóm. Vào những thời điểm căng thẳng, gấp gáp nhất, chính quyền các địa phương dồn dập mở loa phát thanh để nhắc nhở người dân về những việc nên và không nên làm trong bão lũ.
“Với tần suất khoảng 1 tiếng một bản tin, người dân chúng tôi có thể nghe rất nhiều tin tức dù đang ở bất cứ nơi đâu. Những bản tin được đài phát liên tục đã tạo tâm lý khẩn trương, giúp bà con chủ động, tích cực phòng chống bão hơn” , anh Thắng nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông thị xã Sa Pa, Lào Cai, cho biết các bản tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo khẩn về mưa bão được phát sóng với tần suất dày đặc trong suốt những ngày qua. Ngoài FM, thông tin còn được phát qua hệ thống 206 cụm loa truyền thanh cơ sở dùng công nghệ IP, mang lại hiệu quả rất đáng kể.
"Trạm truyền thanh xã hoạt động đủ, đúng quy định thì chỉ 3 tiếng một ngày thôi nhưng mấy ngày qua lại phát ráo riết, liên tục, truyền tải đủ mọi công điện và tin dự báo thời tiết, 30 phút phát một lần. Điều này giúp người dân đề cao cảnh giác, chính vì vậy mà công tác cứu hộ, cứu nạn, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm được thực hiện tốt nhất" , bà Hường nói.
Bình tâm giữa mưa lũ nhờ tiếng radio
Nhiều bà con tâm sự, chưa bao giờ họ cảm nhận rõ ràng, đầy đủ vai trò và ý nghĩa to lớn của thông tin phát thanh như trong thời điểm xảy ra lũ lụt, sạt lở sau cơn bão số 3, nhất là khi toàn bộ hệ thống điện lưới, Internet, thông tin điện thoại bị cắt hoàn toàn.
Ông Triệu Văn Thuận, 68 tuổi, sống ở thôn 3, Trấn Ninh, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái kể, trong trận lũ lụt kinh hoàng vừa qua, nhà ông và hơn 30 gia đình trong thôn bị nhấn chìm trong biển nước, hoàn toàn mất điện, mất Internet.
“Thông tin liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn nên chúng tôi rất bị động và lo lắng. Không có thông tin thì làm sao có thể cố gắng tìm cách cầm cự được! Rất may là các bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục được phát ra qua hệ thống loa phường xã, giúp chúng tôi nắm bắt diễn biến của nước lũ, từ đó có phương án bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình.
Trong thời điểm tưởng như vô vọng giữa hiểm họa thiên tai lịch sử, có thể nói đài phát thanh đã giúp chúng tôi bình tâm hơn" , ông Thuận nói.
Theo ông Giàng A Tông, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái, khi mà các kênh thông tin khác đều bị đứt đoạn, riêng thông tin trên sóng phát thanh vẫn đến được với người dân, vang vọng giữa mưa lũ.
Hầu hết người dân đều quan tâm theo dõi radio. Họ hồi hộp với từng thông tin phát ra từ đài và vỡ òa trước những tín hiệu vui, như tin đập thủy điện Thác Bà không bị phá hay mực nước đã rút… Radio giúp người dân giữ vững niềm tin giữa những ngày mưa lũ, yên tâm rằng chính quyền và Nhân dân cả nước luôn ở bên, sẵn sàng hỗ trợ.
Ông Giàng A Tông nhận xét: “ Vai trò tuyên truyền của phát thanh thường ngày đã tốt rồi nhưng trong đợt thiên tai này lại càng tốt hơn. Bà con không hề bị gián đoạn thông tin vì đài phát sóng dày đặc các bản tin, bất chấp tình hình mưa lũ, sạt lở, từ đó người dân kịp thời di tản, phòng tránh và hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Phải ở trong hoàn cảnh Internet, điện, điện thoại bị mất hoàn toàn mới thấm thía cánh sóng phát thanh quan trọng thế nào. Tình hình rất khẩn trương, các kênh thông tin liên lạc khác bị đứt trong khi cán bộ không thể ngay lập tức đi đến mọi ngõ ngách để tuyên truyền, vận động người dân di dời. Giữa những cơn mưa xối vả và mênh mông nước lũ, tiếng loa phát thanh vang lên làm ấm lòng người dân, cho họ một điểm tựa khiến họ tin tưởng mình sẽ không bị bỏ rơi ”.
Cũng theo ông Tông, hệ thống phát thanh còn có vai trò đặc biệt trong việc kêu gọi cứu hộ cũng như giúp người dân khắc phục hậu quả, tái thiết sau bão lũ.
Ông Nguyễn Quốc Nghi, Bí thư Đảng ủy xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà, Lào Cai) nói: “ Dù hiện nay có rất nhiều phương tiện để tuyên truyền, truyền tải thông tin nhưng đài phát thanh vẫn luôn có vai trò vô cùng quan trọng và hiệu quả”.
Theo ông, xã Cốc Lầu hiện có 10 cụm loa truyền thanh đặt tại các khu vực đông dân cư đang hoạt động: “Ngày 6-7/9, những ngày trước bão, chúng tôi đều có các bản tin phát thanh cho bà con nhân dân, nhờ đó hoạt động phòng chống lũ bão rất hiệu quả. Tuy nhiên, do địa bàn vùng núi, các thôn làng cách nhau xa, hiểm trở nên ở nhiều nơi, loa phát thanh vẫn chưa tới được. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển các cụm loa phát thanh đến tận các ngõ ngách, bản làng để người dân được tiếp cận thông tin tốt nhất”.
Bão lũ qua đi, thay cho các bản tin phòng chống thiên tai, sóng phát thanh giúp bà con ở mọi vùng xa xôi sớm trở lại nhịp sống bình thường bằng việc phát đi những lời kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ hay những thông tin, hướng dẫn khắc phục hậu quả bão lũ…
“Phát thanh là người bạn tốt, không thể thay thế mà người dân vùng cao chúng tôi vô cùng tin tưởng” , ông Nghi khẳng định./.