Công việc không có thời gian ngoại lệ
10 giờ trưa, Thủy đón tôi tại trung tâm xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn để đi vào thôn Thi Phúng - một trong những địa bàn có nhiều điểm sạt, lở đất và bị chia cắt với trung tâm trong những ngày mưa bão. Lý Xuân Thủy là nhân viên kỹ thuật của Trung tâm Viettel huyện Văn Bàn. Công việc của Thủy là cùng các đồng nghiệp nối sóng tại các vùng bị đứt cáp bởi thiên tai, đảm bảo kết nối đường truyền cho bà con. Những ngày này, một ngày của Thủy bắt đầu từ hơn 5 giờ sáng, có khi kết thúc khi đã là 10, 11 giờ đêm. Sau khi có thông báo về điểm mất kết nối, Thủy cùng đồng nghiệp mang theo thang, dây cáp, dây néo cùng các thiết bị kỹ thuật bắt đầu tới cơ sở làm nhiệm vụ. Sau khoảng 20 phút đi xe máy, chúng tôi phải để xe bên đường và đi bộ bởi một khoảng đồi sạt xuống đường, tràn cả vào nhà dân, hiện vẫn chưa được thông. Thuỷ chia sẻ: Nghề của chúng em là vậy mà, dù trời mưa, nắng hay đêm hôm chỉ cần có thông báo mất kết nối ở điểm nào là chúng em sẽ có mặt, ngay lập tức nối sóng, khôi phục kết nối cho người dân.
Điểm nối sóng hôm nay ở Thi Phúng nằm ngay ven suối, Thủy cùng 3 đồng nghiệp nữa hỗ trợ kéo dây qua suối, néo cáp, hàn điểm bị đứt. Hơn 12 giờ trưa, dưới nắng nóng 30 độ C, các kỹ thuật viên áo đẫm mồ hôi nhưng công việc chưa xong, cả 4 người vẫn quyết tâm hoàn thành công việc mới ăn trưa. Lý Xuân Thủy cho biết: Đi nối cáp thì thường xong việc chúng em mới nghỉ ngơi để hoàn thành còn di chuyển sang điểm khác, hoặc quay về trung tâm, bởi nhiều nơi không có quán xá để mua được đồ ăn, quay đi quay lại mất thời gian lắm ạ.
Bữa trưa lúc gần 2 giờ chiều sau khi hoàn thành một điểm bị đứt cáp. Lúc này tôi được trò chuyện thêm với anh Phùng Văn Dựng và Nguyễn Huy Hoàng - 2 đồng nghiệp của Thủy. Chỉ cách đây 4 ngày, 2 anh đã bị mắc kẹt tại một điểm mất kết nối ở xã Nậm Tha. Anh Dựng làm việc tại Viettel Văn Bàn từ năm 2017 nhớ lại: Sau khi chúng tôi tới Nậm Tha thì đường phía sau bị sạt lở, đường bị chia cắt, toàn thôn mất sóng kết nối điện thoại với bên ngoài. Không thể quay ra cũng không thể báo tin về trung tâm, chúng tôi vào nhà người dân xin ở nhờ. Khó khăn hơn đây lại là thôn vừa được yêu cầu di dời vì ở trong khu vực nguy cơ sạt lở cao. Xung quanh nhà dân đều không có ai, cứ thấy đường là đi, chúng tôi đi bộ hơn 4 km mới tìm được nhà dân để ở nhờ.
Kết thúc bữa trưa, công việc buổi chiều lại được thực hiện ngay sau đó, gần như không một phút nghỉ ngơi. Nối thêm một đoạn nữa cũng hơn 3 giờ chiều, anh Dựng xoè bàn tay đầy những vết chai cho tôi xem: Mấy ngày nay công việc liên tục, kéo dây cáp chai cả tay, nhưng không có sóng điện thoại, không có kết nối internet, đường xá lại bị sạt lở thì gần như bà con sẽ bị cô lập. Phải nối sóng lại để bà con còn liên lạc, nên chúng tôi dường như cũng quên đi mệt mỏi.
“Đi về nơi có bão”
4 giờ sáng 11/9, vừa trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ ứng cứu tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Ngọc Trường, nhân viên kỹ thuật VNPT Lào Cai cho vội ít bánh, sữa vào ba lô rồi nhanh chóng lên đường tới xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát. Quãng đường dài hơn 30 km nhưng phải đi gần 4 giờ đồng hồ, cứ 10 - 20 mét lại sạt lở, cây cối đổ chặn lối đi, anh em phải vác trên vai những cuộn dây cáp nặng 50 - 60km cuốc bộ lội bùn. Mưa bão đã khiến hầu hết các trạm phát sóng bị hỏng, đổ cột ăng-ten, đứt cáp, mất điện… Nhiệm vụ nhanh chóng khôi phục mạng lưới, đảm bảo thông tin liên lạc được đặt ra rất cấp bách đối với các cán bộ VNPT. "Tác nghiệp trong trạng thái mưa gió thất thường, cây đổ, đường sạt lở, vừa khó khăn, vừa nguy hiểm. Anh em phải tranh thủ làm từng phút một. Lúc ấy, cũng không ai nghĩ được gì nhiều, chỉ cố gắng hoàn thành nhanh nhất có thể" - anh Trường nhớ lại.
Sau gần 20 tiếng đồng hồ gần như quên ăn, quên ngủ, những nỗ lực của đội ứng cứu đã có thành quả. Đến chiều 12/9/2024, hệ thống liên lạc tại khu vực Nậm Chạc, Trịnh Tường đã được khôi phục trong niềm vui, sự phấn khởi của chính quyền và người dân. Lúc này, anh Trường và những đồng nghiệp của mình trong tổ ứng cứu mới tạm thời được ngả lưng xuống chiếc chiếu trên nền đất của một nhà dân ven đường lấy lại sức để tiếp tục tham gia ứng cứu tại xã A Mú Sung.
Việc bị cô lập thông tin khiến cho khối lượng công việc trở nên nhiều và khó khăn hơn. Khi muốn trao đổi một thông tin nhỏ cũng phải leo lên cả quả đồi. Chưa kể đêm tối, mất điện, việc leo lên các cột sóng cao hàng chục mét, mang theo các thiết bị để sửa chữa trên lưng khiến cho công việc của họ càng trở nên nguy hiểm. Làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiều nguy cơ mất an toàn nhưng “điểm tựa” đối với những “người lính thông tin” là tình cảm yêu thương của người dân địa phương dành cho mình. Đó đơn giản chỉ là lời động viên, câu hỏi thăm, những chuyến xe máy “cứu trợ” hay những bữa mì tôm “cứu đói”.”
"Thời điểm hệ thống được khôi phục, sóng VinaPhone hoạt động trở lại, người dân vui mừng khi có thể liên lạc được với người thân, chúng tôi cũng vỡ oà cảm xúc. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục đi về nơi có bão" - anh Trường nói.
Đảm bảo thông tin liên lạc bằng mọi giá
Sau 2 ngày cố gắng kết nối cuối cùng tôi cũng liên lạc được với anh Phạm Mạnh Long, Giám đốc Trung tâm Viễn thông huyện Bắc Hà. Vừa bắt máy, anh Long kể lại giọng không chút mệt mỏi: Đêm qua 12 giờ đêm xe của đoàn chúng tôi bị “mắc kẹt” ở một điểm sạt lở thuộc xã Nậm Đét. Sau khi bỏ xe lại đó, chúng tôi đi bộ khoảng 1 km để tìm nhà dân tá túc nhưng không có chỗ ngủ nên phải thức tới tận bây giờ. “Mỗi ngày, chúng tôi phải đi bộ gần 20 km, băng qua các điểm sạt lở liên tục từ sáng đến đêm. Sau mọi nỗ lực, đến nay 100% mạng lưới thông tin đã được khôi phục” - anh Long cho biết.
Anh Long kể lại: Khó khăn nhất là thời điểm sáng 12/9 nhận được nhiệm vụ nối lại dây cáp truyền dẫn tại khu vực xã Nậm Khánh. Đây là địa bàn bị cô lập, không điện, không nước với những quả đồi, khoảnh đất ngậm no nước sẵn sàng đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Chúng tôi phải đi bộ ròng rã 60 km với thức ăn mang theo chỉ có lương khô và nước lọc. Bùn hút chân, trên vai là những cuộn dây cáp, máy thiết bị nặng vài chục cân phải đưa lên đỉnh đồi, lưng núi, nhưng dường như có sức mạnh vô hình khiến tất cả chúng tôi cứ thế tiến về phía trước. Chỉ sau 1 ngày, trạm phát sóng đã được ứng cứu, đảm bảo phục vụ thông tin cho 3 xã Nậm Khánh, Nậm Đét và Bản Liền.
Anh Bùi Minh Quyến, Giám đốc Trung tâm Viễn thông huyện Bảo Yên cũng không thể quên thời điểm chiều 12/9 khi nhận được điện thoại từ cấp dưới thông báo về tình huống nguy hiểm vừa diễn ra tại khu vực làng Bông (xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên). Đội sửa chữa của VNPT vừa đi qua được 100 mét thì bất ngờ, sau tiếng nổ “bụp” rất lớn, cả quả núi đổ sập xuống sau lưng. Nhìn cảnh đất đá, núi lở ngổn ngang phía sau, cả đội đều không khỏi rùng mình khi vừa thoát chết. “Đó là những thông tin thường xuyên chúng tôi nhận được trong suốt đợt mưa bão vừa qua. Không chỉ gian nan vất vả, những tuyến đường chúng tôi đi còn vô số hiểm họa đe dọa sinh mạng chực chờ" - anh Quyến tâm sự.
Tuyến đường từ thị trấn Phố Ràng đi xã Xuân Thượng dài hơn 10km, nhiều đoạn đường bị sạt lở, bùn ngập đến gần thắt lưng, các kỹ thuật viên của VNPT phải hoàn toàn đi bộ, đèo theo túi đồ nghề nặng hàng chục kg phía sau lưng. Hay tuyến đường tới Làng Nủ, xã Phúc Khánh địa hình hiểm trở, chia cắt, việc di chuyển qua 18km đường trong điều kiện mưa lớn và sạt lở rất khó khăn. Thậm chí, nhiều đoạn không cách nào có thể tiếp cận bằng đường bộ, anh em phải thuê xuồng, đi tắt qua sông Chảy trong điều kiện nước sông dâng cao, siết mạnh… để mang theo máy thiết bị sửa chữa kịp thời.
Mưa bão đã khiến hầu hết các trạm phát sóng bị hỏng, đổ cột ăng-ten, đứt cáp, mất điện,… tình trạng bị mất kết nối, cô lập đã ảnh hưởng trực tiếp tới công tác chỉ đạo, ứng cứu của chính quyền các tỉnh thành. Với mong muốn để người dân sớm trở lại đời sống bình thường, giảm thiểu thiệt hại, gần như 100% nhân sự của viễn thông VNPT Lào Cai và Viettel Lào Cai đều được huy động để trực chiến, phân ra phối hợp cùng các địa bàn để triển khai các nhiệm vụ, không chỉ của đơn vị giao cho mà còn xuất phát từ “mệnh lệnh của trái tim”. Những "chiến sĩ thông tin" đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân về hình ảnh không quản ngại khó khăn, gian khổ, khắc phục bằng được các sự cố đứt cáp, đổ trạm trong mưa bão./.