Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ TT&TT

Thứ ba, 21/11/2017 11:20

Sáng ngày 21/11, tại Hà Nội, Tổ công tác của Thủ tướng do Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã làm việc với Bộ TT&TT về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tiếp và làm việc với Tổ công tác về phía Bộ TT&TT có đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT; các đồng chí Thứ trưởng Bộ TT&TT: Nguyễn Minh Hồng, Nguyễn Thành Hưng, Phan Tâm và Hoàng Vĩnh Bảo.

20171121-l5.jpg

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận buổi làm việc. 

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TT&TT; một số Hiệp hội thuộc ngành TT&TT.
 
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chuyển lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, khen ngợi Bộ TT&TT đã làm tốt được nhiều việc trong thời gian qua.  
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, buổi làm việc với Bộ TT&TT hôm nay là công việc thường xuyên của Tổ công tác sau khi được Thủ tướng quyết định thành lập và giao nhiệm vụ. Buổi làm việc tập trung vào hai nội dung: Tiến hành kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ; Tập trung tháo gỡ khó khăn, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí chính thức, không chính thức.
 
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao trước sự hiện diện đầy đủ của các đồng chí lãnh đạo Bộ TT&TT cũng như các đơn vị trực thuộc Bộ.
 
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã tích cực chỉ đạo tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… đặc biệt tuyên truyền về Hội nghị cấp cao APEC. Qua đó, công luận cả thế giới biết sự thành công của APEC, điều này có vai trò rất lớn của Bộ TT&TT, trong đó có vai trò lãnh đạo của Bộ trưởng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
 
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao việc trả lời của Bộ trưởng trong phiên chất vấn của Quốc hội vừa qua. Những vấn đề Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời là những vấn đề người dân quan tâm như mạng xã hội, quản lý sim rác, quản lý báo chí, phát thanh, truyền hình, xây dựng Chính phủ điện tử… Bộ trưởng đã trả lời rõ ràng, mạch lạc với những luận cứ chính xác.
 
Về xây dựng thể chế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá Bộ TT&TT trong thời gian ngắn đã tập trung chỉ đạo quyết liệt trình Thủ tướng 5 quyết định, ban hành 7 Thông tư theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ - tập  trung xây dựng Chính phủ kiến tạo. Đặc biệt, Bộ TT&TT cũng là Bộ không nợ đọng các văn bản.
 
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ: Trong thời gian qua, Bộ có nhiều giải pháp chỉ đạo cụ thể, quyết liệt tạo sự đồng thuận cũng như tác động tích cực tới người dân, tạo ra hình ảnh Việt Nam rất rõ nét, đồng thời ngăn chặn xử lý những thông tin sai sự thật - những vấn đề kích động, chống phá Nhà nước. Bộ cũng đã nghiêm túc xem xét đánh giá xử lý sai phạm của Thủ trưởng cơ quan báo chí, phóng viên khi đưa những thông tin sai lệch. Đây là phản ứng nhanh từ cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí. Bộ cũng đã có nhiều giải pháp quản lý hiệu quả về viễn thông, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc được hiệu quả. Bộ đã chủ động rà soát những văn bản, thủ tục hành chính không cần thiết, đang là vấn đề bức xúc, rào cản cho doanh nghiệp…
 
Cũng tại buổi làm việc, Tổ công tác đề nghị Bộ TT&TT cần tập trung giải quyết những tồn tại, cụ thể: Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chỉnh phủ Mai Tiến Dũng, tổng số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho Bộ TT&TT là 528 nhiệm vụ từ tháng 1/2017, đến nay đã hoàn thành 308 nhiệm vụ, có 216 nhiệm vụ đang hoàn thành, còn 4 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các đơn vị đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT giao nhiệm vụ giải trình làm rõ nguyên nhân chưa hoàn thành (trong đó có nguyên nhân chủ quan, khách quan, các điều kiện cần và đủ, sự phối hợp giữa các vụ). Tinh thần của Thủ tướng là các nhiệm vụ phải được thực hiện toàn diện.
 
Về vấn đề quản lý Nhà nước, trong đó có việc quản lý và quy hoạch báo chí, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết còn có tình trạng chồng chéo, số lượng đông, chất lượng chưa tương xứng với yêu cầu, việc báo chí bị thương mại hoá, một số cơ quan báo chí, nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp… những việc này cần được quan tâm hơn trong thời gian tới.
 
Nhân dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng lưu ý đối với vấn đề phát triển công nghiệp CNTT, Chính phủ điện tử, kinh tế số như thế nào, xây dựng thành phố thông minh, đô thị thông minh… Đây là các vấn đề được lãnh đạo, người dân rất quan quan tâm. Tuy nhiên, Bộ trưởng  Mai Tiến Dũng cũng thẳng thắn cho rằng, công nghiệp CNTT số chưa đạt được như mong muốn, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, do vậy cần sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của Bộ TT&TT.
 
Bên cạnh đó, tình trạng sim rác, sim kích hoạt sẵn vẫn còn tồn tại. Vừa qua, Bộ TT&TT cũng đã quyết liệt thu các sim rác, sim kích hoạt sẵn… nhưng cần tăng cường kiểm tra, quyết liệt xử lý các tình trạng vi phạm đối với vấn đề này trong thời gian tới. Ngoài ra, vấn đề an toàn, an ninh thông tin, đấu tranh chống thông tin xấu, độc, đưa tin không chính xác cũng đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục quan tâm chỉ đạo.
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị Bộ TT&TT giải trình rõ hơn về 4 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh tới việc thanh kiểm tra chuyên Ngành, bởi đây là bất cập chung của các Bộ. Qua buổi làm việc này với sự hiện diện của đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, Tổ công tác mong muốn cùng với Bộ TT&TT lắng nghe, có giải pháp khắc phục nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển bền vững. Cụ thể, là những bất cập trong quy định về hoạt động in. Chẳng hạn Nghị định 60/NĐ-CP năm 2014 quy định người đứng đầu cơ sở in phải có trình độ cao đẳng về in hoặc được Bộ TT&TT cấp giấy chứng nhận đã qua đào tạo. Theo Tổ trưởng Tổ công tác thì quy định này chưa sát thực tế, gây khó khăn cho sản xuất, nếu cứ quy định thế thì rất khó cho doanh nghiệp. Đây là tổng hợp của các hiệp hội. Ngay cả các quy định về quản lý thiết bị in các sản phẩm không phải xuất bản phẩm như in trên vải, gạch, nhựa… cũng bất hợp lý.
 
Thứ hai là quy định cấp giấy phép nhập khẩu với thiết bị thu - phát sóng vô tuyến điện. Khi nhập khẩu mặt hàng này vừa phải chứng nhận hợp quy, vừa phải có giấy cấp phép nhập khẩu, cần xem xét vì có sự chồng lấn, kéo dài thời gian lưu kho của doanh nghiệp….
 
Thứ ba là một số vướng mắc liên quan tới Nghị định 187/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thương mại. Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về giấy phép nhập khẩu, kinh doanh thiết bị ATTT mạng.
 
Thứ tư, các doanh nghiệp khi xin giấy phép xuất nhập khẩu các thiết bị ATTT mạng thì phải có giấy phép kinh doanh. Doanh nghiệp cho rằng yêu cầu này là không cần thiết.
 
Thứ năm là chưa đẩy mạnh việc công nhận lẫn nhau giữa các nước. Đây là vấn đề chung của nhiều Bộ. “Chúng ta cần công nhận sản phẩm của các nước tiên tiến như G7, như mặt hàng Iphone”, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết.
 
Thứ sáu, Bộ cần đẩy mạnh việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia.
 
"Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cắt giảm tỷ lệ lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan từ 35% hiện nay xuống còn 15%”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ và cho biết sắp tới Chính phủ sẽ bàn sâu về lĩnh vực logistics để tiếp tục cắt giảm chi phí, nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
 
20171121-l7.jpg
 
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định buổi làm việc của Tổ công tác đã giúp Bộ TT&TT rà soát lại công tác quản lý Nhà nước từ báo chí, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, bưu chính, viễn thông, CNTT, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở
 
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết buổi làm việc của Tổ công tác đã giúp Bộ rà soát lại công tác quản lý Nhà nước từ báo chí, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, bưu chính, viễn thông... Đặc biệt, Bộ TT&TT đã rất nghiêm túc chuẩn bị cho buổi làm việc hôm nay từ công tác chuẩn bị tài liệu. Theo Bộ trưởng, việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực TT&TT là lĩnh vực tác động rất lớn đối với đời sống xã hội. Bộ TT&TT ý thức rất rõ, cho nên tại các kỳ họp, giao ban quản lý Nhà nước, Bộ thường xuyên rà soát giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, trong giới hạn chức năng của Bộ.
 
Buổi làm việc này là dịp để Bộ TT&TT tiếp tục rà soát, phát huy những mặt tốt, điều chỉnh những hạn chế yếu kém. Bộ sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, thực hiện tốt nhất nhiệm vụ Thủ tướng giao. Với 4 nhiệm vụ quá hạn có yếu tố khách quan nhưng Bộ TT&TT nhận trách nhiệm và hứa sẽ tiếp tục giải quyết trong thời gian tới theo đúng kế hoạch Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.
 
Theo đó, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 143/QĐ- TTg ngày 19/01/2016 về việc phê duyệt phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính (TTHC), quy định liên quan đến hoạt động của các cơ sở in thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ TT&TT và đã thực hiện đơn giản hóa 09 TTHC, tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa là 26,19%. Sau khi Luật Báo chí 2016 được Quốc hội thông qua, Bộ TT&TT đã chủ động rà soát các TTHC thuộc lĩnh vực Báo chí. Theo đó, sau khi rà soát, Bộ đề xuất bãi bỏ 15 TTHC, thay thế 03 TTHC từ hình thức cấp phép sang thông báo. Đến nay, lĩnh vực báo chí chỉ còn 28 TTHC, nhiều hình thức cấp phép đã được chuyển đổi hoặc bãi bỏ.
 
Mặt khác, sau khi Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý dịch vụ truyền hình trả tiền có hiệu lực, Bộ TT&TT đã triển khai xây dựng một số VBQPPL để hướng dẫn. Đến nay, bộ TTHC lĩnh vực phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã được đồng bộ, đề xuất cắt giảm từ 65 TTHC xuống còn 57 TTHC, cắt giảm 15% số TTHC, đảm bảo và đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước, công khai minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Đối với quy định về hồ sơ, quy trình thủ tục cấp, sửa đổi bổ sung, gia hạn cấp lại giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử và mạng xã hội, Bộ TT&TT đã đề xuất rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, hủy bỏ 04 quy định nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Như vậy, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Bộ TT&TT đang trình Chính phủ dự kiến cắt giảm tổng cộng 19 TTHC (bao gồm cả hủy bỏ điều kiện và cắt giảm các hồ sơ tài liệu cũng như thời gian giải quyết).
 
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ TT&TT đã cắt giảm 51 TTHC (16% TTHC). Hiện nay, bộ TTHC của Bộ TT&TT đã được chuẩn hóa và ban hành tại Quyết định số 453/QĐ-BTTTT về việc công bố TTHC mới/TTHC được sửa đổi, bổ sung/TTHC bị bãi bỏ hoặc hủy bỏ/TTHC giữ nguyên thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ TT&TT và Bộ hiện có 274 TTHC.
 
Việc phân cấp quản lý TTHC của Bộ TT&TT luôn được thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Bộ TT&TT thực hiện việc cấp cho cấp địa phương 50 TTHC (lĩnh vực bưu chính 06 TTHC; lĩnh vực viễn thông 05 TTHC; lĩnh vực phát thanh truyền, hình và thông tin điện tử 15 TTHC; lĩnh vực báo chí 07 TTHC, lĩnh vực xuất bản in và phát hành 17 TTHC).
 
Tại cuộc làm việc, Bộ TT&TT đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có hình thức riêng đối với các nhiệm vụ mang tính chất định hướng thông tin, tuyên truyền theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao của Bộ. Chính phủ sớm xem xét, ban hành Nghị định thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xử lý dứt điểm việc chia tách, chuyển giao tài sản, tài chính từ Tổng Công ty VTC cho Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC; sớm xem xét, phê duyệt Phương án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2017-2020; Đề nghị Tổ công tác tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp thu phương án đề xuất bổ sung mã số hồ sơ cho sản phẩm phần mềm tại Chương 98.
 
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao việc tổ chức thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ TT&TT, đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục rà soát lại danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Bộ cần tích cực áp dụng hình thức chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, hình thức công nhận lẫn nhau về kết quả; đồng thời tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.
 
Liên quan những kiến nghị của Bộ TT&TT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ  Mai Tiến Dũng cho rằng: Tổ công tác sẽ tiếp thu, phối hợp với các đơn vị chức năng điều chỉnh và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đề xử lý dứt điểm. Tổ công tác cũng sẽ có báo cáo tổng hợp hoạt động thực hiện chỉ đạo của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ của Bộ TT&TT trình Chính phủ vào đầu tháng 12 tới./.
 
Xuân Lộc
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top