Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 386/BDN ngày 29/10/2020, nội dung kiến nghị như sau:
Cử tri phản ánh:Việc kiểm duyệt, trình chiếu trên các chương trình giải trí của các kênh truyền hình, những bộ phim có những cảnh bắt cóc, bắn súng, đánh nhau…, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em. Đề nghị cơ quan chức năng xem xét vấn đề này.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:
- Theo quy định của pháp luật về báo chí (Khoản 3, Điều 13, Luật Báo chí), báo chí không bị cơ quan quản lý nhà nước (Bộ TTTT) kiểm duyệt nội dung trước khi đăng phát. Bộ TTTT chỉ thực hiện việc kiểm tra sau khi cơ quan báo chí đã đăng, phát. Người đứng đầu cơ quan báo chí (Tổng Giám đốc/giám đốc Đài PTTH) chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Đài, trong đó có nội dung thông tin, bao gồm các chương trình giải trí, phim phát trên các kênh chương trình của Đài. Các nội dung thông tin trước khi được phát sóng đều được các Đài thực hiện biên tập, kiểm duyệt. Hầu hết, các Đài PTTH đều ban hành Quy chế kiểm duyệt nội dung và quản lý phát sóng để thực hiện và thực hiện bài bản, qua đó đã hạn chế được đáng kể việc xuất hiện chương trình có nội dung thiếu tính thẩm mỹ, có hình ảnh, nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục...
- Riêng đối với quy định về quản lý phim chiếu trên truyền hình, theo quy định của pháp luật về điện ảnh thì: phim phát sóng trên hệ thống truyền hình phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc có quyết định phát sóng của Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Giám đốc đài phát thanh - truyền hình cấp tỉnh (Khoản 1 Điều 35 Luật Điện ảnh).
Đối với phim Việt Nam do cơ sở sản xuất phim sản xuất, phim nhập khẩu thì phải có giấy phép phổ biến phim của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh (Khoản 1 Điều 37 Luật Điện ảnh). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim đối với phim sản xuất và nhập khẩu của cơ sở điện ảnh thuộc Trung ương, cơ sở điện ảnh thuộc địa phương và cơ sở điện ảnh tư nhân trong phạm vi cả nước, trừ trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được Chính phủ giao cấp giấy phép phổ biến phim (Khoản 1 Điều 38 Luật Điện ảnh). Việc cấp giấy phép phổ biến phim, quyết định phát sóng phim trên truyền hình được thực hiện trên cơ sở ý kiến của hội đồng thẩm định phim (Khoản 3 Điều 38 Luật Điện ảnh).
Như vậy, tùy từng phim có nguồn gốc khác nhau thì phải thực hiện các quy định khác nhau như đã viện dẫn ở trên. Do đó, trách nhiệm kiểm duyệt, loại bỏ nội dung thông tin không phù hợp, không chỉ thuộc trách nhiệm của riêng các đài phát thanh - truyền hình, mà còn có trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định, tùy thuộc vào nguồn gốc, xuất xứ của phim đó.
- Về các nội dung phát thanh, truyền hình dành cho trẻ em: Hiện nay, các Đài truyền hình, Đài phát thanh - truyền hình đều đã dành thời lượng nhất định để phát sóng các chương trình, kênh chương trình dành cho đối tượng là trẻ em.
- Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh của Internet băng rộng, nhiều chương trình giải trí, phim được cung cấp trên Internet, mạng xã hội. Do đó, trẻ em không chỉ tiếp cận, xem truyền hình truyền thống mà còn dễ dàng xem được các chương trình, phim cung cấp trên Internet, trên các mạng xã hội. Đối với các chương trình, phim chiếu trên truyền hình, được các Đài PTTH biên tập, kiểm duyệt chặt chẽ theo quy định của pháp luật về báo chí, điện ảnh. Tuy nhiên, những chương trình, phim cung cấp trên Internet, mạng xã hội lại không thuộc điều chỉnh của pháp luật về báo chí, truyền hình do đó còn tồn tại nhiều nội dung không phù hợp nói chung, ko phù hợp với trẻ em nói riêng nhưng lại không được cảnh báo.
Do vậy, để giảm thiểu những hình ảnh, nội dung phản cảm, dung tục, thiếu tính nhân văn... ảnh hưởng tới sự phát triển tâm sinh lý của trẻ thì cần có sự định hướng của cha, mẹ, người giám hộ trong việc trẻ em xem, nghe các chương trình không dành cho trẻ em, cũng như các nội dung khác trên mạng xã hội.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Bộ TTTT thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, nhắc nhở và đề nghị các Đài PTTH (trực tiếp tại giao ban báo chí vào sáng thứ 3 hàng tuần, bằng văn bản...) tăng cường công tác kiểm duyệt, biên tập các chương trình trước khi phát sóng.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu để trả lời cử tri./.