Việt Nam không giới hạn sử dụng Internet và mạng xã hội

Thứ tư, 09/03/2022 14:14

Tự do báo chí, tự do trình bày các quan điểm và sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam phù hợp với sự phát triển của thế giới, khu vực cũng như sự phát triển của đất nước trong thời gian vừa qua.

Hằng năm, tổ chức Freedom House có trụ sở tại Mỹ đã tự khoác cho mình chiếc áo nhân quyền, công bố bản báo cáo về tự do Internet của hơn 60 quốc gia trên thế giới. Trong đó, tổ chức này nhiều lần xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia không có tự do Internet. Đây là một đánh giá thiếu khách quan, phản ánh không đúng những gì đang diễn ra thực tế ở Việt Nam. Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với Trung tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Trung tâm An ninh Phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội.

ong-yem.jpg

Trung tướng GS.TS Nguyễn Xuân Yêm (Ảnh: TP).

Phóng viên: Từ nhiều năm nay, tổ chức Freedom House luôn xếp Việt Nam vào nhóm các nước mà họ gọi là không có tự do Internet. Tổ chức này cho rằng, ở Việt Nam không có tự do thông tin, không có tự do mạng xã hội, cho rằng, mạng xã hội bị kiểm duyệt thông tin, người dân không được bày tỏ quan điểm cá nhân của mình trên không gian mạng. Ông có bình luận gì về những quan điểm này?

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Cá nhân tôi cho rằng, đây là những quan điểm hoàn toàn không đúng sự thật ở Việt Nam. Chúng ta chỉ cần lấy một ví dụ, từ năm ngoái đến năm nay, cả nước tập trung cho phòng, chống dịch Covid-19. Trên các trang báo điện tử, đặc biệt là mạng xã hội có rất nhiều ý kiến, sáng kiến, những tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân gửi tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng rất cầu thị, tiếp thu ý kiến của nhân dân để kịp thời điều chỉnh sao cho chính sách phòng, chống dịch Covid-19 càng ngày càng hoàn thiện hơn. Ai cũng có thể thấy việc tự do trình bày ý kiến, tự do sử dụng các mạng xã hội ở Việt Nam. Nếu như ai đó nói rằng, “Việt Nam ngăn cản” hoặc “bóp nghẹt quyền công dân” là hoàn toàn không đúng thực tiễn.

Phóng viên: Trung tướng có thể cho những dẫn chứng cụ thể để thấy việc không giới hạn sử dụng Internet và mạng xã hội ở Việt Nam?

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Chúng ta thấy rằng, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và sử dụng Internet cao nhất trên thế giới. Sau 20 năm xuất hiện Internet tại Việt Nam (từ năm 1997), chúng ta đã có tới hơn 60 triệu người sử dụng Internet, trong đó riêng mạng xã hội Facebook có gần 50 triệu người sử dụng, đồng thời Nhà nước Việt Nam cũng tạo điều kiện để hình thành một số mạng xã hội của riêng mình hoặc liên kết giữa Việt Nam và các nước. Ví dụ như mạng Zalo, Viber, Zingme… Điều đó cho thấy, mạng xã hội rất phổ biến ở Việt Nam. Tự do báo chí, tự do trình bày các quan điểm và sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam phù hợp với sự phát triển của thế giới, khu vực cũng như sự phát triển của đất nước trong thời gian vừa qua.

Phóng viên: Trong bối cảnh thực hiện giãn cách để chống dịch, rõ ràng, việc sử dụng Internet và mạng xã hội ở Việt Nam có sự gia tăng đáng kể thưa ông?

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Chúng ta biết rằng, Trung ương và các bộ, ngành, đặc biệt là cá nhân Thủ tướng rất quan tâm đến việc tạo điều kiện cho nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp sử dụng tối đa việc chuyển đổi số, sử dụng mạng Internet và mạng xã hội phục vụ cho công việc, học tập. Chính vì vậy, những khu vực vùng sâu, vùng xa cũng được tạo điều kiện hết mức để có thể tiếp cận Ỉnternet. Ví dụ như chương trình Sóng và máy tính cho em, cũng là một chương trình rất nhân đạo, giảm giá cước cho các thuê bao, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với Internet và mạng xã hội. Chúng tôi cho rằng, thực tế  đó minh chứng rằng, Đảng và Nhà nước chúng ta tạo điều kiện tối đa cho người dân trong việc sử dụng Internet và mạng xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

hoc-sinh-vung-cao-dien-bien-thuc-hanh-tin-hoc.jpg

Học sinh vùng cao Điện Biên thực hành tin học.

Phóng viên: Không gian mạng tuy là ảo nhưng có tác động rất lớn đến thế giới thực. Cũng chính vì thế, việc tuân thủ các quy định của pháp luật trên không gian mạng cũng là hết sức cần thiết?

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Chúng ta thấy rằng, mỗi một con người, trước tiên là trong cuộc sống xã hội phải ứng xử sao cho phù hợp. Vậy thì việc sử dụng mạng xã hội cũng vậy. Khi bày tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến trên mạng xã hội thì chúng ta cũng phải có trách nhiệm, trách nhiệm đối với đất nước, trách nhiệm với cộng đồng và trách nhiệm đối với bản thân mình. Cho nên mọi lời nói, phát ngôn cũng như bày tỏ nguyện vọng trên mạng xã hội cũng cần có sự ứng xử phù hợp. Nhà nước tạo điều kiện và không cấm công dân có quyền trình bày. Tuy nhiên, khi trình bày, họ cũng phải tuân thủ những nguyên tắc. Đối với quốc gia phải tuân thủ pháp luật, đối với cộng đồng phải tuân thủ quy chế, đối với gia đình và bản thân mình phải có văn hóa ứng xử cho nó phù hợp, để làm sao những điều mà mình nói ra, mình phát biểu ra phải tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh và con người sống thân thiện với nhau nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.

Phóng viên: Quốc gia nào cũng vậy, mọi hành vi sử dụng mạng xã hội để kích động thù hằn dân tộc hay chống đối chính quyền đều bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí có hình phạt cao nhất lên đến tử hình. Như vậy là những quy định của luật pháp Việt Nam về sử dụng mạng xã hội là cần thiết và không vi phạm quyền tự do của công dân, thưa Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm? 

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Khi nghiên cứu về an ninh quốc gia thì có chủ quyền quốc gia. Trước đây, chúng ta thường nhấn mạnh chủ quyền quốc gia liên quan đến thể chế chính trị, đến vùng đất, vùng trời, vùng biển. Ngày nay, thì chúng ta quan tâm rất nhiều đến không gian mạng. Mỗi một quốc gia, trong đó có Việt Nam đều có chủ quyền được xác lập trên không gian mạng của mình. Luật An ninh mạng, Luật an toàn thông tin của chúng ta xác định rất rõ, bất cứ một hành vi nào sử dụng mạng xã hội để vi phạm chủ quyền không gian mạng quốc gia của Việt Nam thì sẽ bị xử lý theo các quy định, từ xử lý hình sự cho đến xử phạt hành chính. Cho nên, chúng tôi muốn nhắc lại rằng, công dân hoàn toàn có quyền nêu ý kiến, nguyện vọng của mình trên mạng xã hội. Tuy nhiên, phải đảm bảo rằng, những ý kiến đó không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của xã hội và lợi ích của công dân, trong đó có lợi ích của chính bản thân mình.

Phóng viên: Thưa ông, làm nhiễu loạn thông tin trên môi trường mạng đang được sử dụng triệt để nhằm mục đích xấu? Vậy, chúng ta làm gì để ngăn chặn ý đồ đó?

Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm: Việc đầu tiên là chúng ta phải kiểm soát được việc sử dụng mạng xã hội. Thứ hai, chúng ta phải tăng cường thông tin chính thống kịp thời để những  thông tin giả mạo không còn “đất sống”. Vấn đề thứ ba là bản thân mỗi người cũng phải kiểm định xem những thông tin mình nhận được đúng - sai ra sao để tự mình sáng lọc, miễn nhiễm với những thông tin sai trái, trước tiên cho bản thân mình và sau đó là ngăn ngừa những thông tin xấu đối với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của mình.

Phóng viên: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!                                                                                                                   

Ngày 23/9/2021, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam khi tổ chức Freedom House ngày 21/9 đã xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia không có tự do trên mạng internet, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

“Đây không phải là lần đầu tiên tổ chức Freedom House đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, định kiến dựa trên những thông tin sai sự thật về Việt Nam. Thực tế những nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao tại Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc qua các chu kỳ. Do đó, báo cáo của Freedom House là vô giá trị và tôi thấy không cần thiết phải bình luận thêm”./.                                                                         

Theo: Trường Giang/Phát thanh Quân đội
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top