Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang Đỗ Thái Hùng: Phú Yên chủ động, tích cực phòng chống dịch bệnh

Thứ ba, 26/05/2020 08:58

“Điều may mắn là đến nay, Phú Yên vẫn chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19. Dù vậy, chúng ta đã rất chủ động và tích cực phòng chống dịch bệnh theo đúng các chỉ đạo chứ không lơi lỏng”. Đó là nhận xét của TS.BS Đỗ Thái Hùng, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, khi đoàn của viện đến Phú Yên kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 và hoạt động xét nghiệm.

20200525-m05.jpg
 
Đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang kiểm tra công tác phòng chống COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN
 
Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với TS.BS Đỗ Thái Hùng tại Khoa Hóa sinh - Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, nơi có phòng xét nghiệm sàng lọc COVID-19.
 
* Thưa tiến sĩ, ông có nhận xét gì về công tác phòng chống COVID-19 ở Phú Yên nói chung và hoạt động xét nghiệm nói riêng?
 
-Về công tác phòng chống dịch, ngay từ đầu, lãnh đạo Sở Y tế cũng như CDC (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên - PV) rất quan tâm, liên lạc thường xuyên với viện trong tất cả các hoạt động để công tác chỉ đạo được thông suốt từ trên xuống và hiểu đúng các vấn đề về chuyên môn. Điều may mắn là đến nay, Phú Yên vẫn chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19. Dù vậy, chúng ta đã rất chủ động và tích cực phòng chống dịch bệnh theo đúng các chỉ đạo chứ không lơi lỏng. Kể cả bây giờ, khi Phú Yên thuộc nhóm địa phương có nguy cơ thấp thì các hoạt động phòng chống dịch vẫn “giữ nhịp” như là đang có những trường hợp nghi ngờ trong cộng đồng. Đấy là điều chúng tôi đánh giá rất cao Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh cũng như hoạt động của Sở Y tế, của bệnh viện… Và đến bây giờ, chúng ta cũng đã nâng cao năng lực xét nghiệm để chủ động, kịp thời và nhanh chóng hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch. Phòng xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã xét nghiệm 96 trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 và cho đến giờ vẫn chưa phát hiện trường hợp nào dương tính.
 
Sau khi được học một lớp về lý thuyết, sau đó cử cán bộ, nhân viên y tế vào Viện Pasteur Nha Trang tập huấn thì ngay lập tức, lãnh đạo sở cũng như lãnh đạo bệnh viện đã hỗ trợ cho phòng xét nghiệm nhanh chóng đi vào hoạt động. Chúng tôi đánh giá rất cao. Viện Pasteur Nha Trang rất muốn các tỉnh chủ động hơn nữa trong hoạt động này. Có thể chúng tôi sẽ thẩm định để cấp phép phòng xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên là phòng xét nghiệm khẳng định chứ không sàng lọc như bây giờ nữa. Chúng tôi nghĩ rằng về cơ sở vật chất, thiết bị, con người cũng như năng lực thì phòng xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đạt yêu cầu. Trong một thời gian ngắn nhưng chúng ta đã kiện toàn và được sự đầu tư rất mạnh của tỉnh. Hy vọng là Phú Yên sẽ góp phần cùng các tỉnh trong khu vực miền Trung cũng như cả nước phòng chống dịch thành công trong gian đoạn tới, để cho tất cả các hoạt động về kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục… trở lại như bình thường.
 
20200525-m06.jpg
TS.BS Đỗ Thái Hùng, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang (bên phải) nghe BSCKII Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên báo cáo về công tác phòng chống COVID-19. Ảnh: YÊN LAN
 
* Trong xét nghiệm SARS-CoV-2, việc lấy dịch đúng quy trình có ý nghĩa như thế nào đối với tính chính xác của kết quả xét nghiệm, thưa tiến sĩ?
 
-Thực ra cái này là có ý nghĩa nhất, nếu lấy mẫu không đúng thì có thể sẽ có kết quả âm tính giả, đấy là điều rất nguy hiểm. Người có kết quả âm tính giả vẫn có thể sinh hoạt bình thường ngoài cộng đồng và sẽ lây nhiễm cho những người chung quanh, những người tiếp xúc với họ trong công việc hàng ngày. Cho nên lấy mẫu đúng là quan trọng nhất. Chính vì vậy, ngay từ đầu dịch, Viện Pasteur Nha Trang cùng Tổ chức Y tế Thế giới và CDC Hoa Kỳ đã mở một lớp về các phương pháp lấy mẫu cho đúng, dành cho cán bộ y tế của trung tâm Y tế dự phòng, CDC, bệnh viện tỉnh ở khu vực miền Trung. Đến nay, tất cả các mẫu có kết quả dương tính của các tỉnh gửi về, khi xét nghiệm khẳng định tại Viện Pasteur Nha Trang thì cũng đều dương tính, có nghĩa là chúng ta đã lấy mẫu rất đúng.
 
* Vừa rồi bệnh nhân thứ 188 ở Hà Nội có kết quả xét nghiệm rất khác nhau trong một thời gian ngắn. Tiến sĩ nói gì về điều này?
 
- Thực ra điều này có rất nhiều nguyên nhân. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân được nghĩ nhiều đến là có thể phụ thuộc vào kỹ năng lấy mẫu của mỗi người. Lấy mẫu không đúng, như tôi vừa nói, có thể cho kết quả giả. Thứ hai, chúng ta biết rằng cho đến bây giờ vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 hiện nay là điều trị các bệnh nền, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng chứ không phải tiêu diệt virus. Thế nên virus vẫn có ở đó, nhưng sau khoảng từ 10 ngày đến 2 tuần, bắt đầu có kháng thể thì số lượng virus giảm xuống. Lúc nào đó, do các bệnh nền, hệ thống miễn dịch suy yếu, virus vẫn còn trong cơ thể thì nó lại nhân lên. Đấy cũng là một khả năng có thể xảy ra, tuy nhiên rất là ít. Rồi khả năng thứ ba, có thể là sau khi người bệnh có kết quả âm tính, về nhà, có khi lại tiếp xúc với người dương tính. Điều này cũng có khả năng xảy ra trên thực tế.
 
* Xin cảm ơn tiến sĩ!
 
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh, đến 17 giờ ngày 22/4, trên địa bàn Phú Yên không có trường hợp bệnh xác định và trường hợp tiếp xúc gần, có 1 trường hợp bệnh nghi ngờ. Đã giám sát y tế 14.163 trường hợp (trong đó có 503 người nước ngoài đến từ các quốc gia, lãnh thổ và các vùng có dịch), hiện còn 2.416 người đang trong thời gian giám sát, cụ thể: Cách ly tại cơ sở y tế 1 người; cách ly tại nhà/nơi lưu trú: 214 người; đang tự theo dõi sức khỏe hàng ngày: 2.201 người. Cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu làm xét nghiệm 114 trường hợp, kết quả đều âm tính.
 
YÊN LAN (thực hiện)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top