NHẬN XÉT CỦA BAN GIÁM KHẢO
VỀ CUỘC THI VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU LẦN THỨ 39 – 2010
Nhà văn Nguyễn Trí Huân
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi
Các đồng chí và các em thân mến,
Như một sự trùng hợp hết sức ý nghĩa, năm 2010 là năm thứ 20 kể từ ngày nước ta phát hiện ra trường hợp nhiễm HIV đầu tiên, các em học sinh Việt Nam lại cùng bạn bè thế giới kết thúc cuộc thi Viết thư quốc tế với đề tài: “Hãy viết thư cho một người nào đó, để nói vì sao việc hiểu biết về AIDS và tự bảo vệ mình trước căn bệnh này là rất quan trọng”.
Những kết quả của ngành y tế, xã hội và cộng đồng trước việc ngăn ngừa căn bệnh đại dịch thế kỷ đã khẳng định quyết tâm, nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành trong những năm qua. Cùng với các ngành, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội đã phối hợp, triển khai nhiều phong trào, hoạt động để tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng, chống căn bệnh nguy hiểm này. Đây là những tiền đề để các em, các nhà trường tham gia cuộc thi nhiều ý nghĩa này. Bởi vậy, dẫu là đề tài mang tính xã hội, có thể khó nhưng bài viết của các em không vì thế mà gò bó trí tưởng tượng, chất nhân văn, điều ngược lại : Chính các em đã làm các thành viên Ban giám khảo hết sức bất ngờ, thán phục trước những câu chuyện, tình huống, cách giải quyết vấn đề thấu tình, đạt lý. Vượt lên là những lá thư hết sức cảm động, chân thành. Các em viết từ hiện thực, câu chuyện có thực đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống cũng như trong suy nghĩ của bản thân, bạn bè, thầy cô. Tuy nhiên, một số bức thư còn sa vào việc giải thích và trình bày kiến thức về căn bệnh AIDS, rồi hậu quả của căn bệnh này (hạnh phúc gia đình tan vỡ, bạn bè khinh miệt, kỳ thị...).
Cũng như lá thư năm trước, năm nay đề tài yêu cầu “viết cho một người nào đó”. Việc chọn đối tượng để các em trao đổi, tâm sự những suy nghĩ, cảm xúc của mình cũng là dịp để các em đề cập đến vấn đề mình quan tâm một cách thấu đáo, cháy bỏng nhất. Không vô tình mà bên cạnh những lá thư gửi cho người thân: Ông bà, cha mẹ, các em còn gửi tới những người có trách nhiệm, cương vị trong xã hội, quốc tế như: Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch nước, đạo diễn, nghệ sĩ... Thật thú vị và cảm động khi được cùng các em “gặp gỡ” những người “nào đó” ấy. Các em không ngại ngần, e dè khi trình bày những bức xúc, suy nghĩ, giải pháp của mình trước căn bệnh thế kỷ. Nhìn chung, bài dự thi khá đồng đều. Các em đã bám sát gợi ý của Ban giám khảo để không bị lạc đề. Có nhiều bài chữ đẹp, trình bày công phu. Đặc biệt, lọt vào vòng chung khảo là những bài thi có cách viết độc đáo, hồn nhiên, không đi theo lối mòn; một số bài có giọng hài hước, hóm hỉnh... tạo cho cuộc thi có nhiều giọng điệu, sinh động, phong phú.
Thưa các đồng chí và các em !
Từ hơn 1,2 triệu bài thi, sau nhiều vòng chấm, Ban Giám khảo đã chọn được 59 bức thư lọt vào vòng chung khảo Quốc gia, có 39 giải thưởng cá nhân: 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba và 30 giải Khuyến khích. Trong đó Hà Nội: 8 giải (1 giải Ba, 7 giải Khuyến khích), Hải Dương: 7 giải (1 giải Nhì, 2 giải Ba, 4 giải KK), Đà Nẵng: 7 giải (1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 4 giải KK), Hải Phòng: 5 giải khuyến khích; TP. Hồ Chí Minh: 4 giải KK; Bắc Ninh: 1 giải KK; Thanh Hóa: 1 giải KK, Quảng Nam: 1 giải Ba; Đồng Tháp: 1 giải Nhì; An Giang: 2 giải KK; Thái Nguyên: 1 giải KK; Phú Thọ: 1 giải KK.
Ngoài các giải chính thức cá nhân và tập thể, năm nay là năm đầu tiên Ban Tổ chức trao các giải thưởng khác. Đó là: Giải dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất, giải dành cho thí sinh dân tộc thiểu số, giải dành cho học sinh khuyết tật và giải tập thể dành cho Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố.
Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 39 có nhiều thú vị: Năm thứ 2 liên tiếp, TP. Đà Nẵng đoạt ngôi Vương với giải Nhất quốc gia năm nay thuộc về em Hồ Thị Hiếu Hiền, học sinh lớp 6/9, trường THCS Tây Sơn, Đà Nẵng. Cũng tại trường THCS Tây Sơn, đoạt 3 giải cá nhân (Nhất – Nhì – Ba) và 3 giải tập thể: Nhất – Nhì – Ba. Trường THPT Tứ Kỳ (Hải Dương) đoạt: Nhì – Ba và 2 giải tập thể tương đương. 5 em học sinh huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đều giành giải thưởng cho thí sinh dân tộc thiểu số.
Bức thư đoạt giải Nhất quốc gia của em Hồ Thị Hiếu Hiền đã nhận được số điểm cao nhất của mỗi thành viên Ban Giám khảo với những lời nhận xét thuyết phục: “Bài viết hồn nhiên, logic, không đi theo lối mòn. Chọn đạo diễn Trương Nghệ Mưu là thể hiện mong muốn, khát vọng của em làm sao có thể nâng cao nhận thức, hành động của cộng đồng phòng và chống căn bệnh thế kỷ. Cũng xin nói thêm, em Hồ Thị Hiếu Hiền là một học sinh rất đặc biệt, học giỏi đều các môn, môn Văn dẫn đầu khối. Năm lớp 5, Hiếu Hiền đoạt giải Khuyến khích cuộc thi Học sinh giỏi Văn và Toán thành phố Đà Nẵng. Em tâm sự: “Mình rất hâm mộ đạo diễn Trương Nghệ Mưu qua các bộ phim nổi tiếng như: Cao lương đỏ, Cúc đậu, Đèn lồng đỏ treo cao... Những bộ phim đã đi vào lòng hàng triệu người trên trái đất và ước gì ông sẽ cho ra mắt một bộ phim để chia sẻ và cảnh tỉnh loài người về căn bệnh thế kỷ này”.
Bức thư của em Hồ Thị Hiếu Hiền xứng đáng đoạt giải Nhất cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 39. Xin chúc mừng em Hồ Thị Hiếu Hiền.
Thưa các vị đại biểu và các em thân mến !
Từ kết quả của cuộc thi lần thứ 38, với giải Nhì Quốc tế của em Nguyễn Đắc Xuân Thảo (lớp 7/10, trường THCS Nguyễn Huệ, Đà Nẵng), chúng ta lại tiếp tục hy vọng bài thi của em Hồ Thị Hiếu Hiền – đoạt giải cao Quốc tế. Đây là niềm hy vọng chính đáng bởi xuất phát từ nỗ lực, say mê của chính các em khi viết mỗi lá thư tham gia cuộc thi.
Xin chúc mừng các tập thể và cá nhân đoạt giải cuộc thi lần thứ 39 (2010).
Hẹn gặp lại các em trong cuộc thi UPU lần thứ 40 – 2011.
Xin cảm ơn và chúc sức khỏe các đồng chí và các em.