Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, các sở, ngành đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các sàn TMĐT. Đây là kênh hỗ trợ giúp doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, người nông dân từng bước chuyển đổi số để đạt được sự ổn định và chủ động về đầu ra cho sản phẩm; cắt giảm các khâu phân phối cồng kềnh, các chi phí trung gian. Sàn TMĐT của tỉnh có tên miền www.santmdttuyenquang.gov.vn được xây dựng và vận hành với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày, quảng bá sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Đến nay, đã có 884 đơn vị trong và ngoài tỉnh tham gia quảng bá thương hiệu, đăng ký giới thiệu gần 2.500 sản phẩm qua sàn TMĐT tỉnh và hàng trăm sản phẩm của tỉnh được bày bán trên các sàn TMĐT như Voso, Tiki, Postmart, Lazada, Shopee...
Không chỉ kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa trong và ngoài tỉnh, Bưu điện tỉnh đã hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh cách đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart. Bưu điện tỉnh đã bố trí nhân viên đến các doanh nghiệp, HTX để tư vấn, hỗ trợ các hộ đồng bộ giải pháp từ tiếp thị, truyền thông, đóng gói, vận chuyển, thanh toán.
Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) cho biết, để tham gia sàn TMĐT anh đã đăng ký thông tin đơn vị, mã số thuế để kích hoạt tài khoản. Anh thấy đây là công cụ hữu hiệu giúp kết nối cơ sở sản xuất với người tiêu dùng một cách nhanh chóng thay thế cho phương thức bán hàng truyền thống, nhất là trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Qua sàn TMĐT, người tiêu dùng mọi miền đất nước sẽ biết đến sản phẩm của HTX nói riêng, các sản phẩm là thế mạnh của Tuyên Quang và có thể đặt mua tại nhà.
Ngoài sàn Postmart anh còn giới thiệu, bán sản phẩm qua các sàn Voso, Vietconnect và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo. HTX có 1 nhân viên thường xuyên kiểm tra đơn hàng trên các sàn để kịp thời tiếp nhận và trả lời những thắc mắc của khách. Nhờ đảm bảo các tiêu chí về sản phẩm, quy cách đóng gói nên không có trường hợp sản phẩm bị hoàn, nhiều khách hàng sau khi sử dụng đã đặt mua tiếp làm quà. Hiện nay, HTX có 7 sản phẩm được bán, giới thiệu qua kênh TMĐT, doanh thu mỗi tháng từ kênh TMĐT chiếm khoảng 15% doanh thu bán hàng của HTX.
Thực tế cho thấy, các sản phẩm của tỉnh, đặc biệt là sản phẩm OCOP được đánh giá cao và ưa chuộng ở nhiều thị trường. Nắm bắt được xu hướng, thời gian qua, Công ty cổ phần Công nghệ phát triển quốc tế KTS Des Group, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) đã đưa ra ứng dụng app Vietconnect giúp các doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang kinh doanh online. Vietconnect đáp ứng mọi nhu cầu từ sàn TMĐT giúp bán hàng, chat OTT; app tích hợp phần mềm quản lý bán hàng, quản lý doanh thu tự động...
Chị Trần Thị Huệ, Tổng Giám đốc công ty cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 công ty đã phân phối 95 website thông minh cho doanh nghiệp, HTX, người khởi nghiệp. Công ty đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm lên tiêu thụ tại sàn TMĐT. Hiện nay, công ty đang hỗ trợ 30 thành viên là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh về chính sách, lợi ích khi tham gia sàn TMĐT; hướng dẫn các đơn vị tạo gian hàng và đưa sản phẩm bằng hình ảnh, video lên sàn, tiếp cận khách hàng... Khi có đơn hàng, quản trị sàn sẽ xác nhận và chuyển đơn cho chủ gian hàng. Người bán sẽ thực hiện đóng hàng, chuyển đơn cho nhà vận chuyển để giao hàng cho người mua. Thời gian giao hàng tùy thuộc vào gói vận chuyển mà người mua chọn trong đơn hàng và khoảng cách giữa người bán và người mua. Sau khi đơn hàng đã hoàn tất, sàn TMĐT sẽ đối chiếu và chuyển tiền vào tài khoản của người bán.
Tuy nhiên, do hầu hết các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cá thể, HTX là những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, hạn chế cả về quy mô sản xuất lẫn kinh nghiệm marketing, đặc biệt là marketing online nên khi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng, cách chụp ảnh, đăng bài, quản lý gian hàng, đơn hàng làm sao cho hiệu quả.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết, để TMĐT tiến gần hơn tới các đơn vị sản xuất kinh doanh, trung tâm sẽ đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn; tổ chức tập huấn về TMĐT, sớm đưa TMĐT trở thành hoạt động thường ngày của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; 35% dân số của tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại kinh doanh tham gia các sàn TMĐT; 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến... Từ đó, giúp sản phẩm tiêu thụ tốt hơn, đưa thương hiệu OCOP và các sản phẩm của tỉnh vươn xa hơn trên các thị trường trong và ngoài nước.