(Mic.gov.vn) -
Việc ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã nhận được sự quan tâm của Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các cấp, các ngành. Trong thời gian qua, công tác CCHC đã đạt nhiều kết quả đáng kể, có tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà. Các ứng dụng CNTT phục vụ CCHC bao gồm: Website của đơn vị; Dịch vụ hành chính công trực tuyến; Hệ thống CNTT triển khai tại bộ phận “một cửa”; Phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; Các phần mềm, hệ thống thông tin khác có liên quan trực tiếp đến đẩy mạnh CCHC tại đơn vị…
Hiện nay, một số cơ quan đã triển khai ứng dụng CNTT thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương gồm: Sở Tài chính, Sở Giáo dục Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Chi cục Hải quan Đà Lạt.
Các cơ sở dữ liệu (CSDL) đã được đưa vào khai thác và sử dụng phục vụ công tác điều hành tác nghiệp của các đơn vị như: CSDL hệ thông tin địa lý (GIS) tại Sở Tài nguyên & Môi trường, CSDL GIS về Thông tin và Truyền thông tại Sở Thông tin và Truyền thông; CSDL văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh tại Sở Tư pháp; CSDL quản lý hồ sơ lưu trữ tại trung tâm lưu trữ quốc gia IV; CSDL về thư viện tại Thư viện tỉnh…
Cổng thông tin điện tử (TTĐT) tỉnh Lâm Đồng đã cung cấp đầy đủ các thông tin giới thiệu tổng quan về tỉnh; về bộ máy tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND tỉnh; hướng dẫn các Thủ tục hành chính; giới thiệu văn bản quản lý; các tin tức, sự kiện và các thông tin cần thiết khác. Cổng TTĐT đã cung cấp 1.274 dịch vụ công trực tuyến trong đó 1.222 dịch vụ mức 1,2 và 52 dịch vụ mức 3; 09 Cổng thông tin điện tử con (Sub portal) cho 09 đơn vị trong tỉnh. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh tại địa chỉ http://mail.lamdong.gov.vn đã được đầu tư nâng cấp mở rộng, đến nay đã cung cấp gần 2.800 tài khoản mail công vụ cho CBCC của tỉnh và đã từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả tại các cơ quan QLNN và khối các cơ quan Đảng trên địa bàn tỉnh.
Phần mềm quản lý hồ sơ công việc (EOffice) cũng đã được triển khai sử dụng tại trên 10 đơn vị như: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Tài nguyên và Mội trường, UBND các huyện, Tp: Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Tp. Đà Lạt… và đã chứng minh được hiệu quả trên các mặt: Hiệu quả về giải quyết công việc; Hiệu quả về quản lý; Hiệu quả về xã hội…
Về hạ tầng mạng (kết nối giữa các cơ quan nhà nước với văn phòng UBND, kết nối trong nội bộ các cơ quan nhà nước tại địa phương)
Hiện nay mạng truyền số liệu chuyên dụng của Lâm Đồng đang được Bưu điện Trung ương đầu tư xây dựng đến các sở, ngành và Văn phòng UBND cấp huyện (đã kéo cáp quang và lắp đặt thiết bị đầu cuối đến tất cả các Sở Ban Ngành, UBND cấp huyện trong tỉnh); đã kết nối Văn phòng UBND tỉnh với Văn phòng Chính phủ bằng đường truyền tốc độ 8MB do Trung tâm tin học Văn phòng UBND tỉnh quản lý. Trung tâm Quản lý Cổng thông tin điện tử đang vận hành, quản lý các đường truyền: 01 đường leasedline trên cáp quang tốc độ 512Kbps kết nối ISP và 5Mbps NIC – 16 IP tĩnh do VDC cung cấp và 01 đường truyền do Bưu cục Trung ương cung cấp tốc độ 8MBps -8IB tĩnh.
Hầu hết các cơ quan đã trang bị máy tính cho CBCC (chiếm khoảng trên 97%) và đã xây dựng mạng nội bộ (LAN). Tuy nhiên, đại đa số các đơn vị mới chỉ thiết lập mạng LAN trên cơ sở sử dụng một máy tính Desktop thông thường làm máy chủ để kết nối các máy tính trong cơ quan nhằm chia sẻ một số tài nguyên mạng như: máy in, truyền file, Internet…; chỉ có một số ít ngành có triển khai ứng dụng chuyên ngành từ Trung ương tới địa phương.
Đối với khối các cơ quan Đảng của tỉnh: 100% đơn vị cấp xã (gồm 147 đơn vị) được trang bị máy tính, máy in, …. ; 100% đơn vị cấp huyện đã được xây dựng hệ thống mạng LAN và trang bị đủ máy chủ, máy trạm, máy xách tay, máy in và các thiết bị mạng…; 100% cấp xã được đấu nối lên huyện và kết nối vào mạng diện rộng của Đảng bằng đường truyền Mega Wan VPN.
Bên cạnh đó, hệ thống cáp quang, Internet băng thông rộng cũng như các dịch vụ viễn thông khác đã được các doanh nghiệp xây dựng và cung cấp đến tất cả các xã, cụm xã trong tỉnh; sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu kết nối của các tổ chức và cá nhân.
Tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống Hội nghị trực tuyến sử dụng đường truyền cáp quang đến 15 điểm đầu cầu trên địa bàn tỉnh với mức đầu tư gần 03 tỷ đồng; chất lượng về hình ảnh, âm thanh và đường truyền tương đối tốt, bảo đảm điều kiện để các hội nghị trực tuyến của tỉnh lâm Đồng diễn ra thông suốt.
Trong những năm qua, vượt qua nhiều khó khăn, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực CCHC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Được biết, trong thời gian tới Sở TTTT là cơ quan chuyên môn tại địa phương - sẽ tập trung các giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh và ứng dụng rộng rãi CNTT trong hoạt động của các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể gắn với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy; đến năm 2015, cơ bản hoàn thành tin học hóa quản lý hành chính nhà nước và vận hành tốt “Chính phủ điện tử”; Đồng thời, xây dựng các chương trình nhằm xã hội hóa CNTT, tạo sự đột phá về ứng dụng CNTT trong công tác cải cách hành chính của tỉnh, tiếp tục phấn đấu nâng cao thứ hạng của tỉnh về ứng dụng CNTT trên bản đồ CNTT quốc gia; Điều này đòi hỏi các thể chế, chính sách cũng như các thủ tục hành chính phải ngày càng hoàn thiện../.