Bổ sung 04 thiết bị vào danh mục thiết bị được miễn giấy phép tần số vô tuyến điện từ ngày 28/11/2021

Thứ hai, 15/11/2021 09:49

Hiện nay trên thế giới, các tổ chức vô tuyến trong và ngoài khu vực như Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), tổ chức nghiên cứu về vô tuyến khu vực Châu Âu (ECC, CEPT), khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (APT, AWG) đã và đang thực hiện nghiên cứu về sử dụng các băng tần nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai các thiết bị ứng dụng công nghệ vô tuyến mới. Nhiều thiết bị, công nghệ vô tuyến đã được cập nhật trong thời gian vừa qua như: thiết bị vô tuyến điện (VTĐ) trong mạng diện rộng công suất thấp (LPWAN), thiết bị VTĐ băng siêu rộng (UWB), thiết bị sạc không dây (WPT).

20211115-m16.jpg

Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, đã ghi nhận nhu cầu triển khai các chủng loại thiết bị VTĐ hoặc có nhu cầu sử dụng các băng tần chưa được quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT (quy định Danh mục thiết bị VTĐ được miễn giấy phép sử dụng tần số VTĐ, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo) như thiết bị vô tuyến trong mạng diện rộng công suất thấp băng tần 433 MHz và 920 MHz, thiết bị sạc không dây băng tần 360 kHz, thiết bị VTĐ cự ly ngắn băng tần 60 GHz và một số thiết bị VTĐ khác. Bên cạnh đó, một số quy định quản lý hiện hành cũng cần được xem xét, điều chỉnh lại để phù hợp với thực tế triển khai.

Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã ban hành Thông tư số 08/2021/TT-BTTTT thay thế Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT để đáp ứng nhu cầu sử dụng và định hướng cho việc sản xuất, kinh doanh thiết bị vô tuyến điện tại Việt Nam. Thông tư số 08/2021/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành từ ngày 28/11/2021. Thông tư đã bổ sung thêm 04 chủng lại thiết bị mới hiện chưa có trong Danh mục được miễn giấy phép là: thiết bị sạc không dây, thiết bị mạng diện rộng công suất thấp, thiết bị phao vô tuyến định vị khẩn cấp (ELT) và thiết bị phao vô tuyến chỉ báo vị trí cá nhân (PLB); Bổ sung thêm 08 băng tần dành cho các thiết bị hiện đã có trong Danh mục thiết bị vô tuyến được miễn giấy phép sử dụng tần số; Quy định 04 loại thiết bị cự ly ngắn có điều kiện kỹ thuật không phù hợp với quy định miễn giấy phép tần số được phép sử dụng thông qua hình thức cấp giấy phép để đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và thực tiễn quản lý. Cụ thể:

Bổ sung 04 thiết bị vào Danh mục thiết bị được miễn giấy phép gồm: Thiết bị sạc không dây sử dụng các băng tần, kênh tần số 100-190 kHz, 326,5 kHz, 340 kHz, 353-373,5 kHz, 1,64-1,8 MHz, 6,765-6,795 MHz; Thiết bị vô tuyến điện trong mạng diện rộng công suất thấp LPWAN sử dụng băng tần 433,05-434,79 MHz và 920-923 MHz; Thiết bị phao vô tuyến định vị khẩn cấp (ELT) chuyên dùng cho tàu bay và Thiết bị phao vô tuyến chỉ báo vị trí cá nhân (PLB) sử dụng các kênh tần số 121,5 MHz và 406,1 MHz.

Bổ sung 08 băng tần cho một số thiết bị được miễn giấy phép, gồm: Các băng tần 2400-2483,5MHz, 5725-5850 MHz dành cho thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện theo chuẩn IEEE 802.11 (Wifi); Băng tần 7,2384-9 GHz dành cho thiết bị truyền dữ liệu băng siêu rộng công suất thấp; Các băng tần 5,725-5,850 GHz, 8,5-10 GHz, 57-64 GHz, 75-85 GHz dành cho thiết bị đo từ xa vô tuyến (radar cự ly ngắn dùng để đo mức chất lỏng); Băng tần 57-64 GHz dành cho thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn dùng cho mục đích cảnh báo an toàn cho xe ô-tô, truyền dữ liệu giữa các thiết bị.

Bổ sung quy định 04 loại thiết bị cự ly ngắn có điều kiện kỹ thuật không phù hợp với quy định miễn giấy phép tần số được phép sử dụng thông qua hình thức cấp giấy phép để quản lý một số loại thiết bị thuộc Danh mục nhưng không đáp ứng hoàn toàn điều kiện kỹ thuật và khai thác: Theo quy định trước đây, các thiết bị thuộc Danh mục miễn giấy phép không đáp ứng các quy định về điều kiện kỹ thuật và khai thác thì không được sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tiễn có một số chủng loại thiết bị hiện nay doanh nghiệp, người dân có nhu cầu sử dụng cao là RFID, LPWAN, thiết bị đặt trên phương tiện nghề cá và thiết bị trợ giúp an toàn cứu nạn. Qua nghiên cứu và đánh giá thực tiễn, việc sử dụng các thiết bị này với các điều kiện khai thác nhất định có thể đảm bảo tránh nhiễu có hại cho hệ thống khác. Vì vậy, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và quản lý, Bộ TTTT bổ sung quy định cấp phép sử dụng đối với các thiết bị này

Các nội dung được bổ sung dựa trên sự tiếp thu ý kiến đề nghị của doanh nghiệp; xu hướng quốc tế trên cơ sở nghiên cứu quy định, tài liệu tham khảo của ITU-R, các tổ chức nghiên cứu trong khu vực và một số quốc gia; đồng thời, có xem xét đến đặc điểm kỹ thuật của thiết bị, kết quả đánh giá thực nghiệm tại Việt Nam về khả năng gây nhiễu có hại.

Bên cạnh đó, Bộ TTTT cũng loại bỏ 03 băng tần miễn giấy phép đối với một số thiết bị gồm: Băng tần 34,995-35,225 MHz và 50,01-50,99 MHz dành cho thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện; băng tần 40,50-41,00 MHz dành cho thiết bị đo từ xa vô tuyến điện do không có nhu cầu nhập khẩu, sử dụng tại Việt Nam trong 05 năm qua.

Ngoài ra, Bộ TTTT cũng đã rà soát sửa đổi một số nội dung tại Thông tư 46/2016/TT-BTTTT để phù hợp với thực tiễn triển khai trong thời gian vừa qua./.

 

KSTTHC – VĂN PHÒNG BỘ TTTT
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top