Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19

Thứ hai, 09/03/2020 11:09

Trên thế giới, dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, có nguy cơ bùng phát tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới và tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nhiều nước, đối tác lớn của Việt Nam. Ở trong nước, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trên địa bàn có dịch phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Một trong những nhiệm vụ chính là rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương:
 
- Trong phạm vi và lĩnh vực quản lý, rà soát để ban hành theo thẩm quyền việc giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoặc đề xuất phương án giảm phí, lệ phí và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 3 năm 2020 để tổng hợp, xử lý.
 
- Chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong Quý I và Quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý.
 
- Tập trung tái cấu trúc nghiệp vụ các thủ tục hành chính cấp độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
 
Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nhất là về đất đai, đầu tư, xây dựng, tín dụng, thuế, hải quan...; có kế hoạch cụ thể đẩy nhanh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ; công bố công khai việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp để biết và giám sát thực hiện.
 
Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, cần tập trung nghiên cứu, sớm có các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số phát triển các sản phẩm trong thương mại điện tử - kinh tế số, giao vận, chuyển phát, fintech, thanh toán điện tử... trên môi trường số; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân triển khai ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống kinh tế, xã hội. Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường truyền thông về du lịch an toàn, hình ảnh quốc gia thân thiện, có trách nhiệm gắn với các kết quả tích cực trong phòng chống dịch Covid-19 được các tổ chức quốc tế và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đơn vị chủ trì trong việc xây dựng chương trình cắt giảm các quy định, điều kiện, thủ tục gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021-2025; triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước để tận dụng tốt các cơ hội phát triển, nhất là đón bắt thời cơ dịch chuyển các dòng vốn đầu tư từ các nước.
 
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và chủ trì cùng các Bộ, ngành, địa phương:
 
- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid- 19 của Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động, đồng bộ, quyết liệt phòng chống, ứng phó với diễn biến của dịch và tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe và đời sống của nhân dân.
 
- Tăng cường truyền thông các chủ đề “Sống an toàn”, “Việt Nam an toàn”, trong đó khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
 
Trước đó, ngày 18/02/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng Trung tâm nghiên cứu và xây dựng chính sách thúc đẩy Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2020. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ nghiên cứu, xây dựng thể chế cho các ngành, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng công nghệ mới, đã xuất hiện hoặc có tiềm năng xuất hiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ. Ở các ngành có tiềm năng nhưng có mức độ ảnh hưởng cao tới kinh tế, xã hội như tài chính, ngân hàng, nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) để doanh nghiệp có thể phát triển và thí điểm sản phẩm, dịch vụ mới.
 
PHÒNG KSTTHC - VĂN PHÒNG BỘ TTTT
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top