Trung Quốc và lời nói dối thập kỷ xung quanh chuyện Biển Đông

Thứ hai, 22/06/2020 13:56

Trung Quốc lại có chiêu trò mới về “bản đồ mới của nước CHND Trung Hoa”, cho rằng tấm bản đồ này lần đầu tiên được công bố năm 1951 và mới được “phát hiện”, đồng thời quốc gia này liên tục có những hành động trái với luật pháp quốc tế tại Biển Đông.

Giới quan sát chính trị đối ngoại liên tục cảnh báo, Trung Quốc đã lắp đặt – có thể là thường trực – các vũ khí tấn công trên các đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng trái phép tại Biển Đông. Việc triển khai các vũ khí này là đỉnh điểm của một loạt thủ đoạn, gia tăng các hành động ngày càng hiếu chiến và các hoạt động bất hợp pháp trong khu vực này trong gần một thập kỷ qua. 

20200622-l37.jpg

Chiến đấu cơ JH-7A của quân khu Thẩm Dương (Trung Quốc) bay lượn trên đảo Phú Lâm (thuộc Hoàng Sa của Việt Nam) tháng 8/2015 - Ảnh: Bộ Quốc phòng TQ

Năm 2015, chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa không quân sự hóa các đảo tại quần đảo Trường Sa mà nước ông đã xây dựng trái với luật pháp quốc tế. Quần đảo Trường Sa là một chuỗi đảo gồm hầu hết là các dải san hô ngầm nằm ở phía Đông Biển Đông, liền kề với các tuyến liên lạc chính trên biển (SLOCs) và là nơi các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển có tiềm năng sinh lời, như sinh vật biển và dầu khí. Hiện Trung Quốc cùng với Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền đối với nhiều phần tại quần đảo này. Tuy nhiên, không nước nào quân sự hóa đảo nhanh chóng và mạnh mẽ như Trung Quốc. Rõ ràng Trung Quốc đã chưa minh bạch về các ý định của mình đối với các đảo nhân tạo.
 
Một số đảo và đá đã có các đường băng và hải cảng có thể tiếp nhận máy bay và tàu chiến của quân đội. Cuối năm 2016, Trung Quốc đã triển khai thường trực súng chống tăng và các hệ thống vũ khí đánh chặn tầm cực gần (CIWS) tại một vài trong số các thực thể trên. Đáng chú ý có các loại súng Gatling kết nối với máy cảm ứng, có thể hoạt động tự động chống các mối đe dọa đến từ trên không.
 
Mới đây nhất, người ta còn phát hiện Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm (ASCMs) và tên lửa tầm xa hạm đối không (SAMs) tại ít nhất 3 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa – gồm Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi. Hệ thống SAM, được cho là HQ-9B, có tầm xa 200km. Trong khi đó YJ-12B ASCM của Trung Quốc là một tên lửa siêu thanh với tầm bắn gần 300km. Cả hai tên lửa này có thể được sử dụng để ngăn chặn tàu và đe dọa các lực lượng hải quân nước khác trong một khu vực rộng lớn ở phía Đông Biển Đông.
 
Cùng với các hành động quân sự hóa diễn ra dồn dập tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc cũng có các hành động tương tự tại quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh đã mở rộng và hiện đại hóa các thực thể tại đảo Phú Lâm, đã kéo dài sân bay trên đảo tới 2.700m, để phù hợp với hầu hết máy bay chiến đấu của Trung Quốc (trên thực tế, máy bay J-11B của Không quân Trung Quốc đã được phát hiện tại đảo này năm 2016). Cùng lúc đó, Bắc Kinh cũng cải thiện các cơ sở cảng biển tại đảo Phú Lâm, và đầu năm 2016, có tin cho biết HQ-9 SAMs đã được triển khai tại đây.
 
Cuối cùng, Trung Quốc cũng lắp đặt nhiều trạm radar tại đa số các đảo này và từng bước thực hiện các chiến dịch trên không và trên biển trong khu vực. Các hoạt động triển khai này, cộng với việc lắp đặt tên lửa, trên thực tế đã đặt toàn bộ Biển Đông trong tầm ngắn của quân đội Trung Quốc.
 
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Chiến tranh hải quân Mỹ đã cảnh báo khi lên tiếng cáo buộc các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực là âm mưu tạo ra một “eo biển chiến lược” ở Biển Đông. Nói cách khác, thông qua việc triển khai sức mạnh quân sự của Trung Quốc (thường trực hay không thường trực) tại cả hai cực Đông – Tây của Biển Đông, Bắc Kinh đang tìm cách biến vùng biển này từ một SLOC quốc tế thành một hải trình bị Trung Quốc kiểm soát và một “nút cổ chai chiến lược” gây trở ngại đối với các nước khác.
 
Chuyên gia Richard A. Bitzinger, thuộc Chương trình Biến đổi quân sự tại Đại học Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Đại học Kỹ thuật Nanyan (Singapore), nhận định việc triển khai các khí tài hỗn hợp đồng nghĩa với việc “thái độ xác quyết từng bước” trong nhiều thập kỷ qua của Trung Quốc tại vùng biển này đã trở thành một cuộc tấn công tổng lực. Nói cách khác, Trung Quốc đang bất chấp dư luận, biến Biển Đông thành một vùng chống tiếp cận/xâm nhập (A2/AD). Điều này cũng có nghĩa là đẩy các đối thủ cạnh tranh quân sự (đặc biệt là Hải quân Mỹ) ra ngoài khu vực, hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do đi lại và hoạt động của họ bên trong khu vực này.
 
Trên tờ Asia Times, chuyên gia Bitzinger nhận định âm mưu biển Biển Đông thành vùng lãnh hải của Trung Quốc tất nhiên gây ra nhiều tác động. Nó có thể giới hạn nghiêm trọng tự do hàng hải và cho phép Trung Quốc “ngấu nghiến” toàn bộ tài nguyên biển trong khu vực phục vụ lợi ích kinh tế nước mình. Đặc biệt, âm mưu này có thể gây khó khăn hơn cho các lực lượng hải quân nước khác khi đi lại giữa Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Âm mưu này cũng sẽ gây phương hại đến chủ quyền của nhiều quốc gia trong khu vực.
Ý định của Trung Quốc đối với Biển Đông đã trở nên rõ hơn trong nhiều năm qua, và lời nói dối thập kỷ của Bắc Kinh cũng đã lồ lộ.
Ngọc Châu
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top