Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - GS. TS. Tạ Thành Văn; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Tin học hoá, Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), BKAV, đại diện các bệnh viện vệ tinh và các doanh nghiệp tham dự qua 8 điểm cầu truyền hình.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ khai trương
Nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa kết nối hàng ngàn cơ sở y tế
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để chứng kiến sự ra mắt của nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa cho hàng ngàn cơ sở y tế. Nền tảng này đảm bảo các hoạt động y tế từ xa, như tư vấn, hội chẩn khám chữa bệnh, hội chẩn chẩn đoán hình ảnh, hội chẩn giải phẫu bệnh, hội chẩn phẫu thuật từ xa. Đây là nền tảng Việt Nam do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel phát triển và tích hợp. Nền tảng sẽ được triển khai miễn phí trong thời kỳ Covid, khi cả nước dang dồn hết sức phòng chống dịch bệnh.
Covid-19 đã thúc đẩy cả ngành y tế triển khai nhanh công cuộc chuyển đổi số. Việc giảm tải cho các bệnh viện sẽ giúp huy động nguồn lực khám chữa cho bệnh nhân Covid, đặc biệt dự phòng chuẩn bị cho những kịch bản dịch bệnh diễn biến xấu hơn. Việc tập trung đông người bệnh ở các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến trên, luôn là một nguy cơ lây nhiễm Covid. Đặc biệt đối tượng người già, các bệnh nhân có bệnh nền có nguy cơ nhiễm bệnh và nguy cơ tử vong rất cao, cần ở nhà, tránh nơi tiếp xúc đông người, nếu có nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa họ có thể không phải đến bệnh viện khi không thật cần thiết.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tư vấn khám chữa bệnh từ xa luôn đi kèm với một số thiết bị y tế đơn giản ở hộ gia đình như đo nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim, tiểu đường, kể cả xét nghiệm covid trong tương lai gần, ... Những thiết bị này sẽ ngày càng rẻ với sự tiến bộ của công nghệ, và đây chính là thị trường để tạo cơ hội cho ngành công nghiệp y tế Việt Nam phát triển. Một ngành mà nếu thành công hoàn toàn có thể đi ra toàn cầu.
Người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi là có những doanh nghiệp viễn thông - CNTT lớn mạnh, có hạ tầng rộng khắp toàn quốc, có nguồn lực tài chính và nhân lực, có thể tạo ra những hạ tầng mang tính nền tảng giúp cho chuyển đổi số nhanh trong những lĩnh vực lớn và quan trọng như giáo dục, y tế…
Thay mặt Bộ TT&TT và Bộ Y Tế, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi toàn bộ các doanh nghiệp viễn thông – CNTT Việt Nam cùng tham gia phát triển các nền tảng, đặc biệt là các ứng dụng để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ngành y tế. Bộ TT&TT và Bộ Y Tế sẽ phối hợp ban hành các chuẩn mở để các hệ thống nền tảng, các ứng dụng tuân thủ các tiêu chuẩn và kết nối được với nhau.
Việt Nam sẽ phải phát triển nhiều nền tảng chuyển đổi số hơn nữa. Hiện nay, chúng ta chưa có nền tảng về hội nghị video trực tuyến, nền tảng về quản lý làm việc từ xa... Đây cũng chính là sự đặt hàng, sự kêu gọi của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Ứng dụng Bluezone với những đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng chống dịch covid-19
Bộ trưởng Bộ TT&TT cho hay, cũng tại sự kiện hôm nay chính thức ra mắt thêm một ứng dụng phòng chống covid mới. Đó là ứng dụng Bluezone của công ty BKAV.
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo 4 nhóm gồm Memozone ở TP. HCM, VNPT, MobiFone và BKAV độc lập phát triển, cùng chia sẻ những khó khăn, thách thức về kỹ thuật, thảo luận phương án giải quyết. Cuối cùng ứng dụng Bluezone của Cty BKAV được đánh giá cao nhất và được lựa chọn.
Ứng dụng Bluezone là một bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng chống dịch. Đột phá ở chỗ, chính quyền không thu thập thông tin của người dân, các thông tin chỉ được lưu trên máy điện thoại của cá nhân. Ứng dụng chỉ ra đúng những người tiếp xúc đủ gần và đủ lâu để có thể lây nhiễm, tránh việc một người bị nhiễm thì cả làng, cả khu bị cách ly. Phần mềm này sẽ mang tính toàn cầu, sẽ được để ở dạng nguồn mở để các quốc gia được chia sẻ, các công ty, các hãng công nghệ lớn như Apple và Google sẽ cùng chung tay phát triển, và để người dân được giám sát phần mềm mình đang dùng có an toàn không.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, “Chúng ta tự hào đây là sản phẩm do Cty Việt Nam phát triển, tuy không phải là công ty đầu tiên dùng giải pháp này, nhưng phần mềm của chúng ta đã giải quyết được cơ bản các lỗi của phần mềm trước đây đã được phát triển”.
Bộ trưởng tuyên bố, Bộ Y Tế và Bộ TT&TT chính thức bảo trợ ứng dụng Bluezone, khuyến khích mọi người dân sử dụng, để bảo vệ mình và tiếp đó là bảo vệ những người thân yêu gần gũi của mình, bảo vệ cộng đồng, chung tay chống dịch.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT và các bộ ngành liên quan sẽ tiếp tục công bố các phần mềm phòng chống dịch covid-19, cũng như các nền tảng, các phần mềm chuyển đổi số cho các lĩnh vực, nhằm giúp Việt Nam chúng ta thiết lập một trạng thái bình thường mới, góp phần đưa các hoạt động kinh tế xã hội rở lại bình thường.
Covid-19 tạo ra cơ hội “trăm năm” cho chuyển đổi số, cho các doanh nghiệp công nghệ số. Bộ TT&TT kêu gọi cộng đồng các DN công nghệ số Việt Nam tận dụng thời cơ nhanh hơn, quyết liệt hơn, đột phá hơn và cùng chung tay, chung sức, đồng lòng và đồng hành cùng đất nước tạo ra các nền tảng và các ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng một Việt Nam số, đi đầu trong nhóm các nước xây dựng quốc gia số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã bày tỏ sự trân trọng cám ơn đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ, khích lệ, động viên toàn ngành TT&TT với sứ mệnh mới: Sứ mệnh xây dựng quốc gia số.
Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: "Bộ Y tế sẽ chỉ đạo triển khai các bệnh viện thực hiện các hoạt động thí điểm về khám chữa bệnh từ xa và giao Cục quản lý khám chữa bệnh xây dựng khung pháp lý cho các hoạt động này"
Chia sẻ ý kiến với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định việc khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa hôm nay là một hoạt động vô cùng ý nghĩa. Trong thời gian qua, ngành y tế đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Ba tỷ tin nhắn đã được gửi đến cho người dân miễn phí với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông.
Cục quản lý khám chữa bệnh (thuộc Bộ Y tế) đã thành lập Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn, hỗ trợ chẩn đoán điều trị người bệnh covid-19, thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia, bác sỹ đầu ngành. Chính hoạt động này đã giúp tập hợp các bác sĩ đầu ngành cùng chia sẻ kinh nghiệm với các bác sỹ ở bệnh viện khắp các vùng miền, không còn khoảng cách giữa các bệnh viện trong nam ngoài bắc, bệnh viện tuyến trên, tuyến dưới. Người bệnh covid-19 nằm ở bệnh viện tuyến huyện vẫn được chẩn đoán điều trị bởi các bác sĩ đầu ngành.
Việt Nam là một trong ba nước trên thế giới có hơn 200 ca mắc bệnh covid-19 nhưng chưa có ca nào tử vong. Đây là điều rất đáng tự hào.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo triển khai các bệnh viện thực hiện các hoạt động thí điểm về khám chữa bệnh từ xa. Bộ cũng sẽ giao Cục quản lý khám chữa bệnh xây dựng khung pháp lý cho các hoạt động này.
*Tại sự kiện, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện sử dụng Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa để kết nối với Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương, Lào Cai hội chẩn điện tâm đồ và siêu âm từ xa về các bệnh mãn tính cần đi khám; kết nối với Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh hội chẩn CT từ xa đánh giá những trường hợp đột quỵ não để chỉ định điều trị gián tiếp và kết nối trực tiếp với bệnh nhân tại xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương để khám bệnh.
Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ TTTT tại buổi lễ xem tại đây