Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hệ thống Dịch vụ công quốc gia, trong đó có Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ là đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị.… Qua đó, mọi thông tin, quy định về thủ tục trực tuyến, giải quyết, xử lý phản ánh, kiến nghị đều được công khai, minh bạch. Đây cũng là công cụ cho các cơ quan nhà nước nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần quan trọng trong việc chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính.
Thủ tướng Chính phủ: Cần đảm bảo an ninh, an toàn cho Hệ thống Dịch vụ công quốc gia
Thứ bảy, 26/09/2020 15:24
Tại Lễ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia chiều 09/12/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã phát biểu chỉ đạo và định hướng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia trong thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho Hệ thống Dịch vụ công quốc gia.
Thủ tướng nhấn mạnh, nếu thực hiện được tất cả hoặc phần lớn các dịch vụ công thì nhũng nhiễu, tiêu cực sẽ giảm đi rất nhiều. Do đó, việc triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia là dấu mốc quan trọng trong xây dựng chính phủ điện tử. Trước mắt là đưa những dịch vụ được người dân doanh nghiệp quan tâm và có tần suất giao dịch nhiều lên Cổng. Các dịch vụ công tiếp theo sẽ tiếp tục thực hiện sau khi các Bộ, ban, ngành, địa phương rà soát, nâng cấp, bảo đảm tính chính xác, hiệu quả, thuận tiện.
Trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, thì dịch vụ công trực tuyến là một trong những tiêu chí quan trọng, thể hiện tinh thần phục vụ chính phủ hướng tới người dân doanh nghiệp và toàn xã hội. Cổng Dịch vụ công quốc gia ra đời khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử theo hướng thực chất và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, đây chỉ là thành công bước đầu vì còn nhiều việc phải làm. Hiện tại, chỉ mới có 08 dịch vụ công được kết nối trong tổng số hàng ngàn dịch vụ cần kết nối và chủ yếu ở cấp độ 3. Mục tiêu trước mắt là sớm cung cấp dịch vụ cấp độ 4 và mở rộng sang các dịch vụ khác, nhất là những dịch vụ có đông đảo người dân sử dụng. Đây là công việc thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng với mục tiêu xuyên suốt là lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo chất lượng cung cấp dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước và tổ chức cung cấp dịch vụ công.
Để Cổng Dịch vụ công quốc gia thực hiện được thực chất, liên tục và có hiệu quả, Thủ tướng lưu ý một số điều sau:
Thứ nhất, mặc dù Cổng Dịch vụ công quốc gia đã xây dựng và đã kết nối với Cổng dịch vụ công các ngành, các cấp, các dịch vụ công trực tuyến, nhưng việc xử lý và trả kết quả vẫn phải do các cơ quan Bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện theo thẩm quyền. Tuyệt đối không để tâm lý, tình trạng các ngành, các cấp thấy có Cổng Dịch vụ công quốc gia, thì nơi lỏng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của mình mà ngược lại, càng cần đẩy mạnh hơn nữa.
Quá trình thực hiện xử lý các thủ tục hành chính cần sự liên thông giữa các đơn vị trong nội bộ, thậm chí giữa các cơ quan liên bộ, ngành. Do đó, để có thể tiếp tục đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính, thì các thông tư liên quan đến người dân, doanh nghiệp phải được chia sẻ giữa nội bộ của các cơ quan nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương rà soát, đánh giá lại các quy định về thành phần hồ sơ, quy trình nghiệp vụ, từ đó đưa ra hệ thống tổng thể các cơ sở dữ liệu cần thiết để xây dựng hệ thống phục vụ và kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu. Các Bộ, ban, ngành địa phương cần nhanh chóng triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chia sẻ lẫn nhau, như vậy mới có thể giải quyết giấy tờ, đơn giản hóa thủ tục, cải cách thực chất, lấy người dân làm trung tâm.
Các Bộ, ngành, địa phương đang dần kết nối với Cổng Dịch vụ công. Tuy nhiên để theo sát, thúc đẩy mức độ sử dụng thực sự của người dân, doanh nghiệp thì cần phải có phương án đánh giá hiệu quả sử dụng. Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ có phương án đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc. Từ đó, xác định rõ các vấn đề còn vướng mắc để tháo gỡ, thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Thứ hai, cần đẩy nhanh việc xây dựng khung pháp lý để việc thực hiện thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu trong tháng 1/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, trình dự thảo nghị định về định danh và xác thực điện tử; Bộ Công an trình đề xuất xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Văn phòng Chính phủ trình dự thảo nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trong môi trường điện tử.
Thứ ba, cần bảo đảm sự ổn định, thông suốt của cả Hệ thống Dịch vụ công, phát triển hạ tầng thông tin, đáp ứng ngày càng tốt các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho cả Hệ thống. Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phát huy vai trò trách nhiệm chính trong xây dựng Chính phủ điện tử, cần thêm người chỉ đạo, phối hợp đảm bảo an toàn thông tin đối với các hạng mục trong Chính phủ điện tử, trong đó có Hệ thống Dịch vụ công; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ, Văn phòng Chính phủ trong việc bảo đảm an toàn, an ninh Hệ thống, không để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu.
Thứ tư, các Bộ, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cấp dịch vụ công của Bộ, ban, ngành, địa phương mình để đảm bảo kết nối, tích hợp chia sẻ thông tin với Cổng Dịch vụ công quốc gia; nâng cấp hoàn thiện các dịch vụ công trước khi đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh thanh toán điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung.
Thứ năm, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo kỹ năng bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn công nghệ thông tin. Cần sử dụng cán bộ trẻ có năng lực, cống hiến, không để chảy máu chất xám. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, tiếp tục phát triển hệ thống phần mềm phù hợp với điều kiện, đặc điểm của của nền hành chính Việt Nam, tạo sự thân thiện, thuận lợi nhất cho người sử dụng.