Nữ giảng viên: "Chống dịch giúp tôi cân bằng được cảm xúc trước tin xấu"

Thứ hai, 22/11/2021 10:14

TPHCM những ngày căng thẳng đối phó với đại dịch Covida-19, nhiều lớp người đã xung phong tham gia cùng thành phố chống dịch, nữ bác sĩ- giảng viên trẻ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh cũng là một trong số đó.

Nữ bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh (26 tuổi) cùng hơn 2.700 giảng viên- sinh viên tình nguyện, vừa được trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc khen thưởng do hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 trong thời điểm dịch bệnh tại TPHCM.

loc.jpg

Nữ bác sĩ - giảng viên Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, công dân trẻ tiêu biểu thành phố năm 2020 (ảnh: NVCC)

"Chị nuôi" bất đắc dĩ của hàng trăm sinh viên tình nguyện

Từ giữa tháng 6, giảng viên Đỗ Phạm Nguyệt Thanh nằm trong tổ công tác đặc biệt của UBND thành phố phân công giám sát tình hình phòng chống dịch bệnh tại quận Bình Thạnh.

Đến cuối tháng 7, nữ bác sĩ nhận nhiệm vụ mới cùng 151 sinh viên trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia tổng đài cấp cứu 115 của TPHCM được đặt tại quận 12. Đó là 3 tháng mà giảng viên trẻ này không thể nào quên dù từng có kinh nghiệm tham gia công tác chống dịch từ năm 2020.

Còn nhớ khi mới thành lập tổng đài cấp cứu 115 ở Công viên phầm mềm Quang Trung (quận 12), cơ sở vật chất đều chưa đủ nên cả trăm con người đều phải cố gắng thích nghi. Trong tuần đầu phải đến 3 lần "chuyển nhà" bác sĩ Thanh và các sinh viên tình nguyện mới được ổn định nơi ở cũng là nơi làm việc.

"Tôi còn nhớ lúc ấy trung tâm chỉ bố trí được 3 chiếc xe 16 chỗ nhưng phải gánh chở hơn 150 con người cũng như lỉnh kỉnh những trang thiết bị khác phục vụ công việc, ăn ở. Khi qua chỗ mới, mỗi người đều ngủ tạm trên ghế bố, dù thiếu thốn đủ thứ và rất mệt nhưng đó là những khoảnh khắc đáng nhớ trong lòng mỗi người tình nguyện chúng tôi", bác sĩ Thanh bộc bạch.

Chưa kể, nữ giảng viên mới ra trường còn gánh trọng trách dẫn dắt thế hệ đàn em sinh viên tham gia công tác tình nguyện và kiêm luôn vai trò hậu cần cho toàn Tổng đài cấp cứu 115.

Để đảm bảo luôn túc trực thường xuyên tiếp nhận thông tin và xử lý mỗi khi người dân cần giúp đỡ gần như 100 ngày đó bác sĩ Thanh và sinh viên đều phải thực hiện "3 tại chỗ" (ăn nghỉ, làm việc và phòng dịch tại chỗ).

Không chỉ là người lo cái ăn, giấc ngủ cho sinh viên tình nguyện, nữ bác sĩ còn phải nỗ lực làm chuyên gia gỡ rối, động viên tinh thần cho đàn em. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, bác sĩ Thanh đã hoàn thành nhiệm vụ và mang theo những kí ức khó phai trong đời.

Nỗi bất lực khi bố mẹ đều thành F0

Trong lúc trực tổng đài cấp cứu cho bệnh nhân, nhóm của bác sĩ Thanh tiếp nhận được nhiều cuộc gọi để lại những kỷ niệm vui, buồn khó quên. Nữ bác sĩ chia sẻ có những tình huống khiến cô và sinh viên tình nguyện cảm thấy rất vui có thêm động lực vì làm được điều có ích. Đó là tình huống các sản phụ mắc bệnh được tổng đài điều phối xe cấp cứu chuyển đến bệnh viện kịp thời cứu cả mẹ lẫn con, hay những ca đã ngưng tim, ngưng thở nhưng nhờ hướng dẫn từ xa họ tự sơ cứu sau đó vượt qua nguy hiểm.

"Ngược lại, vào lúc đỉnh điểm dịch số ca nặng rất nhiều, chúng tôi cố gắng nhưng không tìm được bệnh viện cho bệnh nhân và họ không qua khỏi. Lúc đó chúng tôi cảm thấy rất bất lực, giai đoạn đầu ai cũng khủng hoảng, thậm chí nhiều em sinh viên không vượt qua được cảm xúc ấy", bác sĩ Thanh tâm sự.

Tuy nhiên khó khăn lớn nhất mà bác sĩ Thanh gặp phải chính là lúc cả gia đình cô đều bị nhiễm Covid-19, trong khi cô đang gánh nhiệm vụ không thể có mặt chăm sóc bố mẹ. Cô kể rằng đó là giai đoạn đỉnh dịch nhiều nơi trong thành phố chuyển thành vùng đỏ kể cả quận 4 nơi gia đình cô sinh sống. Mẹ cô trong quá trình đi từ thiện thì không may bị nhiễm bệnh, sau đó bố cũng trở thành F0. Công việc trực tổng đài cấp cứu 115 khiến Thanh gặp và hướng dẫn cho nhiều bệnh nhân nhưng không ngờ rằng có lúc mình lại phải điều trị từ xa cho bố mẹ mình.

Loc2.jpg

Bác sĩ Nguyệt Thanh đã có những ngày tháng chống dịch không thể nào quên (ảnh: NVCC)

Nếu như bố chỉ bị sốt một ngày thì mẹ của Thanh lại trong tình trạng nặng hơn, cô nhớ lại giai đoạn khủng hoảng thật sự khi nhận được điện thoại của cô em gái 12 tuổi báo "Chị ơi mẹ mệt lắm! Đang sốt cao, không thể đi lại được".

"Cảm giác lúc đó của tôi là bất lực, lòng như lửa đốt dù bản thân là bác sĩ nhưng không lo sao được khi mẹ tôi có bệnh nền. Đêm ấy tôi đã không thể nào chợp mắt được và càng thấu hiểu cảm xúc của thân nhân những người bệnh đã trải qua. Nếu như với bệnh nhân mình lo một thì cảm giác có người thân bị bệnh mình lo lắng gấp 10 lần", nữ bác sĩ trẻ nghẹn ngào chia sẻ.

Nhưng đó cũng là thời điểm đỉnh dịch, công việc của tổng đài cấp cứu rất nhiều nên gần như cô không có thời gian để về thăm bố mẹ. "Lúc đó các bệnh viện đều quá tải, tôi ở trung tâm cấp cứu có thể tìm cách cho mẹ vào bệnh viện nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhân cần hơn nên mẹ quyết định điều trị tại nhà", cô Thanh nói. Cứ thế tranh thủ lúc rảnh rỗi, nữ bác sĩ chỉ biết động viên và hướng dẫn từ xa cho bố mẹ cách điều trị, cách nằm sấp tập thở và may mắn mẹ cô cũng đã vượt qua.

Nữ bác sĩ chia sẻ bản thân mình nhận được nhiều hơn mất khi đi chống dịch, "sau quá trình tham gia tình nguyện tôi tích lũy thêm nhiều kiến thức cho bản thân mình, sự thích ứng được với mọi khó khăn thử thách chẳng hạn như điều kiện sống không được như bình thường cũng thích nghi và vượt qua. Và điều nhận được còn lại là tôi có cách cân bằng cảm xúc của mình khi đón nhận nhiều tin xấu, tin dữ và tiếp tục giúp đỡ bệnh nhân", Nguyệt Thanh nói.

 

Tiếp tục đam mê nghiên cứu

Đỗ Phạm Nguyệt Thanh là "Công dân trẻ tiêu biểu thành phố năm 2020", từng được biết đến với dấu ấn đặt chân đến 18 quốc gia và có nhiều trải nghiệm thông qua các chương trình, diễn đàn giao lưu quốc tế.

Trong năm 2020, Thanh đã tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh với vai trò là Trưởng nhóm Thông tin hỗ trợ Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDH), thực hiện những chuyên đề phân tích về tình hình, diễn biến và thực trạng Covid-19 tại các ổ dịch lớn.

Nguyệt Thanh cũng từng được biết đến có nhiều công trình nghiên cứu, trong đó năm 2020 tại "Hội nghị các nhà khoa học trẻ ASEAN 2020" cô đã tham gia các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế và khoa học sức khỏe. Đồng thời, cô cũng có nhiều bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học Y khoa có uy tín.

Sau khi tốt nghiệp ngành Y đa khoa trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cuối năm 2020, Thanh được giữ lại trường và hiện đang công tác tại Trung tâm nghiên cứu y sinh của trường đại học này. Nữ giảng viên này cho biết kế hoạch tiếp theo vẫn nghiên cứu lĩnh vực ung thư và tế bào gốc, tiếp tục hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh của mình.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top