Mơ ước của cô nhân viên điểm bưu điện ở vùng sơn cước

Thứ hai, 27/07/2015 13:29

Có nhiều sách để cho bọn trẻ đọc, để mang đi… dỗ cho bọn chúng khỏi khóc lúc tiêm phòng; có một máy tính kết nối Internet để tham khảo thông tin có ích giúp cho bà con trong bản là mơ ước giản dị, đáng yêu của một nhân viên điểm Bưu điên Văn hóa xã ở Mù Căng Chải…

img
Khang Thị Lỳ vinh dự được Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trao tặng kỷ niệm chương tại Đại hội thi đua yêu nước Bộ Thông tin và Truyền thông (ảnh: Xuân Lộc)
Gặp Khang Thị Lỳ  trước thềm Đại hội thi đua yêu nước của Bộ Thông tin và truyền thông, tôi khá bất ngờ bởi trông cô không giống lắm với hình ảnh một cô gái dân tộc thiểu số, với khuôn mặt trái xoan, nụ cười tươi tắn thân thiện và dáng người thanh mảnh, nhanh nhẹn. 
 
Khang Thị Lỳ sinh năm 1991, là nhân viên điểm Bưu điện Văn hóa xã Hồ Bốn, Bưu điện huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Cô vinh dự được bình chọn là điển hình tiên tiến, đại diện cho công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất và là lao động trẻ. Những điều mà cô làm được cho người dân của một xã nghèo của huyện Mù Căng Chải, tuy nhỏ nhưng hết sức có ý nghĩa. 
 
Theo lời kể của Lỳ, trước đây, điểm bưu điện văn hóa xã thường là nơi để người dân đến gọi hoặc nghe điện thoại là chính. Còn bây giờ, điện thoại di động phổ biến, người dân gần như không phải đến điểm bưu điện văn hóa xã nữa để sử dụng điện thoại nữa. Tuy nhiên, công việc của những nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã như Lỳ không vì thế mà mất đi ý nghĩa, đặc biệt là đối với một vùng miền núi còn nhiều khó khăn như Mù Căng Chải. 
 
Chia sẻ với phóng viên, Khang Thị Lỳ cho biết, công việc chuyển phát công văn, báo chí, bưu gửi, hàng hóa  đến cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, trường học  và nhân dân là vô cùng quan trọng. Là một xã miền núi, việc đi lại khó khăn, nơi xa nhất mà cô phải đến cách điểm bưu điện văn hóa xã 12km. Ngày nắng Lỳ có thể dùng xe máy để di chuyển, nhưng những khi mưa thì phải đi bộ. 2 tiếng đi, rồi 2 tiếng để trở về. 
 
“Ở chỗ em, cứ mưa là đường lại lầy lội rất khó đi, nhất là khi có bão, lũ hoặc lở đất thì việc đi lại rất nguy hiểm.” – Lỳ nói và cho biết, không ít lần cô phải để xe máy lại để đi bộ về, chờ đến hôm nắng ráo lại đi bộ vào để lấy xe. Cũng có lần, đường đất bị sạt lở nặng, đến đi bộ cũng không thể được thì cô đành ở lại ngủ nhờ nhà dân, chờ đến khi thông đường mới trở về. 
 
Mỗi khi đi như thế, ngoài thư từ, công văn, báo chí.... Lỳ thường tranh thủ mang theo nào bột giặt, nào sim thẻ điện thoại, bảo hiểm xe máy... để phục vụ bà con. Lỳ kể, trước đây bà con thường xem tivi bằng chảo lậu của Trung Quốc, nhưng bây giờ, những lúc đi đưa thư báo, cô tranh thủ vận động bà con dùng đầu thu của truyền hình An Viên. “Nhưng bà con ở đây còn nghèo lắm, còn đói lắm, không có tiền đâu. Vì thế phải tranh thủ những lúc vụ mùa, người dân có tiền để vận động họ mua đầu thu đấy” – Lỳ “bật mí”. 
 
Kiêm luôn cả y tế thôn bản 
 
Ngoài công việc của một nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã, Khang Thị Lỳ còn kiêm luôn nhiệm vụ y tế thôn bản bằng những việc làm như tiêm chủng, vận động kế hoạch hóa gia đình..., những việc mà chỉ những người dân bản như cô mới có thể làm tốt bởi cô nói tiếng của người H’mông, hiểu tâm lý của người dân tộc mình. Điều đó giúp người dân bản tin tưởng cô hơn. 
 
Kể về chuyện vận động sinh đẻ có kế hoạch, Lỳ cho biết, ở đây dù nghèo, đói nhưng vẫn còn có những trường hợp sinh 5-6 con nếu họ chưa có đủ cả gái lẫn trai. “Nhưng nếu mình bảo họ đừng đẻ nữa, có khi họ chửi mình chết. Vì vậy, mình chỉ nói là nếu đẻ gần nhau quá sẽ dễ tiếp tục sinh con một bề. Muốn có con trai thì cần phải “nghỉ” một thời gian rồi mới được sinh đẻ trở lại.” – Lỳ hóm hỉnh kể. 
 
img
 
Khang Thị Lỳ phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước của Bộ Thông tin và truyền thông (ảnh: Xuân Lộc)
 
Một đặc điểm rất đáng quý của cô nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã này, đó là tình yêu đối với trẻ nhỏ và tinh thần ham học hỏi. Lỳ cho biết, bọn trẻ con ở quê hương cô rất thích đọc sách và điểm bưu điện văn hóa xã là nơi duy nhất ở xã có thư viện với gần 200 đầu sách, truyện. Đây là thành quả của chương trình vận động tặng sách cho điểm bưu điện văn hóa xã của ngành Bưu điện. “Em chỉ mong ước có thêm nhiều sách truyện cho bọn trẻ con đọc. Sách ở đây quý lắm. Những lúc tiêm chủng cho bọn trẻ, em còn mang sách, truyện ra để dỗ, thế là chúng nó quên cả đau đấy!”- Lỳ chia sẻ. 
 
Lỳ cũng có một ao ước khác, đó là điểm bưu điện văn hóa xã của Lỳ có được một bộ máy tính kết nối Internet. “Ở đây là vùng núi khó khăn, người dân phần lớn mù chữ nên nếu có máy vi tính, em sẽ sẵn sàng đi học sử dụng để tìm kiếm thông tin có ích phục vụ việc tuyên truyền cho bà con. Em cũng rất thích được học tiếng Anh. Nếu được học cho đi học là em cũng học luôn” - Lỳ vui vẻ chia sẻ. 
 
Với doanh thu bình quân đạt 15 triệu đồng/tháng, 180.000.000đ/năm, điểm bưu điện văn hóa xã Hồ Bốn mà Lỳ phụ trách là một trong những điểm BĐVHX có doanh thu cao của cả nước. Ngoài danh hiệu “Lao động bán hàng giỏi” do VietnamPost và Bưu điện Yên Bái trao tặng..., Khang Thị Lỳ còn giành giải đặc biệt  tại hội thi nhân viên điểm bưu  phục vụ và kinh doanh giỏi năm 2014 do Bưu điện tỉnh Yên Bái tổ chức; được VietnamPost tặng giấy khen về thành tích đóng góp trong cả giai đoạn 2010-2014; đồng thời là một trong những cá nhân được tuyên dương tại hội nghị điển hình tiên tiến của ngành giai đoạn 2010-2014.
 
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top