Thông báo về việc Kết luận thanh tra đột xuất về việc chấp hành quy định của pháp luật về báo chí đối với Tạp chí điện tử Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam

Thứ hai, 11/07/2022 17:40

Ngày 11/7/2022, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Kết luận thanh tra số 766/KL-TTra về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành quy định của pháp luật về báo chí đối với Tạp chí điện tử Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tạp chí). Nội dung chính như sau:

A. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ KINH DOANH VÀ BIÊN MẬU VIỆT NAM

Trong thời kỳ thanh tra, Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam đã tích cực thông tin tuyên truyền về pháp luật, hoạt động xuất nhập khẩu, logistic, công tác phòng chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước. Về công tác xã hội, Tạp chí đã vận động, ủng hộ kinh phí, vật tư và tham gia tích cực vào hoạt động phòng chống dịch Covid-19.

B. MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ CỦA TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ KINH DOANH VÀ BIÊN MẬU VIỆT NAM

I. Một số tồn tại, hạn chế

1. Một số tồn tại, hạn chế của Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam (loại hình điện tử):

1.1. Tạp chí đã đăng tải nhiều tin bài không đúng tôn chỉ mục đích được ghi trong Giấy phép hoạt động báo chí (khoảng 28%). Việc Tạp chí chưa thực hiện nghiêm kỷ luật thông tin, đăng tải số lượng lớn bài viết sai tôn chỉ mục đích, quá sa đà vào việc phản ánh các nghi vấn tồn tại trong hoạt động của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nhiều lĩnh vực tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, căng thẳng, nhiều doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề, gặp nhiều khó khăn, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu lực, hiệu quả, trật tự trong công tác quản lý nhà nước về báo chí, đến hoạt động của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

1.2. Tạp chí đã đăng tải nhiều tin, bài không đúng tôn chỉ mục đích liên quan công tác đấu thầu, mời thầu tại các bộ, ngành, địa phương, nhiều bài viết đặt vấn đề nghi vấn trong quá trình thực hiện đấu thầu, mang tính một chiều, thiếu kiểm chứng, không nêu rõ những vi phạm cụ thể là chưa tuân thủ kỷ luật thông tin, chấp hành không nghiêm chỉ đạo, định hướng thông tin của cơ quan có thẩm quyền.

1.3. Tạp chí chưa thực hiện gửi thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước về báo chí về việc thay đổi thông tin trong giấy phép về địa điểm trụ sở chính, số điện thoại là chưa thực hiện đúng quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật Báo chí 2016.

1.4. Tạp chí không triển khai các chuyên mục “Hoạt động Hiệp hội” và “Ảnh-Clip” trên trang chủ để đăng tải thông tin về hoạt động của cơ quan chủ quản là chưa thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam, quy định tại điểm 3 Giấy phép số 450/GP-BTTTT ngày 08/10/2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, chưa thực hiện đúng Đề án Tạp chí điện tử đã được phê duyệt.

1.5. Tạp chí đã đăng tải nhiều bài viết trong đó phần cuối bài viết có ghi “Tạp chí sẽ tiếp tục thông tin” hoặc “Tạp chí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này” hoặc “Tạp chí sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc”…, tuy nhiên Tạp chí không thực hiện các bài viết tiếp tục thông tin đầy đủ đến bạn đọc, gây ra sự tò mò, hoang mang trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân liên quan trong nội dung bài viết.

1.6. Tạp chí đã gỡ, xóa nhiều bài viết sau khi đăng tải mà không thông báo rõ ràng, không có lý do xác đáng, thậm chí một số bài viết được hiển thị dưới hình thức bài viết đặt mật khẩu thể hiện quy trình quản lý, kiểm duyệt nội dung chưa chặt chẽ, năng lực người quản lý, biên tập còn hạn chế dẫn tới tâm lý hoài nghi trong dư luận xã hội về tính khách quan, trung thực trong hoạt động báo chí.

1.7. Tạp chí đã đăng tải thông tin sai sự thật trong 01 bài viết, vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều 9 Luật Báo chí 2016.

1.8. Tạp chí thực hiện cải chính thông tin không đúng quy định về tiêu đề, nội dung, vị trí, vi phạm quy định tại điểm a Khoản 3, điểm a, điểm b Khoản 4 Điều 42 Luật Báo chí 2016.

1.9. Tạp chí không quản lý, không lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư phản ánh về nội dung các bài viết đã đăng trên Tạp chí, gây khó khăn cho việc thực hiện nghĩa vụ của Tạp chí về đăng, phát ý kiến phản hồi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 43 Luật Báo chí 2016.

1.10. Việc Tạp chí giao cho Trưởng các Ban tự chủ động hợp tác với các cộng tác viên và tự chịu trách nhiệm, tự quản lý hoạt động của cộng tác viên, không có quy định về quản lý cộng tác viên, không nắm thông tin về hoạt động của cộng tác viên, dẫn đến tình trạng không quản lý được hoạt động của các cộng tác viên, tiềm ẩn nhiều rủi ro việc lợi dụng danh nghĩa làm việc tại Tạp chí để thực hiện các hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của Tạp chí, cơ quan chủ quản và các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Trách nhiệm thuộc về Tổng Biên tập và Lãnh đạo của Tạp chí.

1.11. Tạp chí sử dụng 05 phóng viên thử việc quá 01 tháng mà không có giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản là có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 13, Điều 14 Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14.

2. Một số tồn tại, hạn chế của Lãnh đạo Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam

2.1. Hoạt động biên tập, kiểm duyệt tin bài trên Tạp chí rất quan trọng, tuy nhiên Tổng Biên tập không trực tiếp thực hiện nhưng cũng không phân công phụ trách cho Phó Tổng Biên tập mà ủy quyền cho Tổng Thư ký (trên giấy ủy quyền không ghi thời hạn ủy quyền) cho thấy công tác lãnh đạo, quản lý của Tạp chí lỏng lẻo, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu Tạp chí.

2.2. Tổng biên tập Tạp chí đã ký cấp giấy giới thiệu cho phóng viên thử việc không có hợp đồng lao động với toà soạn, giấy giới thiệu không ghi tên cấp cho ai, nhiều giấy giới thiệu có nội dung tác nghiệp không đúng tôn chỉ mục đích, cho thấy công tác quản lý, cấp giấy giới thiệu của Tạp chí chưa được coi trọng, thiếu chặt chẽ, có nhiều bất cập, sơ hở, chưa thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

2.3. Công tác quản lý nhân sự của Tạp chí còn nhiều hạn chế, việc quản lý cộng tác viên lỏng lẻo, có nhiều sơ hở, tiềm ẩn nhiều rủi ro việc lợi dụng danh nghĩa làm việc tại cơ quan báo chí để sách nhiễu và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

2.4. Tổng Biên tập Tạp chí đã thu lại thẻ nhà báo của 02 cá nhân không tiếp tục làm việc tại Tạp chí nhưng chưa nộp lại thẻ nhà báo đã thu hồi về Bộ Thông tin và Truyền thông là chưa thực hiện đúng quy định tại điểm c Khoản 5 Điều 28 Luật Báo chí 2016.

3. Một số tồn tại, hạn chế của cơ quan chủ quản

Việc cơ quan chủ quản chưa tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra; không ban hành văn bản chỉ đạo định hướng về hoạt động của Tạp chí và không bảo đảm nguồn kinh phí ban đầu, điều kiện cần thiết cho hoạt động của cơ quan báo chí là chưa thực hiện đúng theo quy định tại Điều 15 Luật Báo chí.

II. Nguyên nhân của hạn chế

Việc Tạp chí để xảy ra nhiều hạn chế, vi phạm pháp luật nêu trên là do công tác lãnh đạo, quản lý của Tạp chí có dấu hiệu bị buông lỏng, trong đó ngoài trách nhiệm của các nhà báo, phóng viên, người lao động Tạp chí còn có trách nhiệm của Lãnh đạo Tạp chí, cụ thể như: chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo, định hướng, kỷ luật thông tin trên báo chí của cơ quan có thẩm quyền; đặc biệt chưa làm tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam; chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan báo chí, nhất là trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động của cơ quan báo chí; chưa chú trọng xây dựng các bài viết có nội dung chuyên sâu, chuyên ngành, kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, về chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh biên mậu được quy định trong giấy phép; công tác biên tập, kiểm duyệt tin bài lỏng lẻo, được giao phó cho các nhân sự có năng lực hạn chế dẫn đến số lượng các tin bài sai tôn chỉ mục đích của Tạp chí chiếm tỷ lệ lớn với nội dung sa đà quá nhiều vào việc phản ánh về các nghi vấn sai phạm, tồn tại trong hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở nhiều lĩnh vực khác nhau tại các địa phương trên cả nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng; công tác quản lý nhân sự còn nhiều hạn chế, nhất là hoạt động kiểm soát cộng tác viên có nhiều sơ hở, tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong thời kỳ thanh tra đã để xảy ra tình trạng nhà báo của Tạp chí lợi dụng hoạt động báo chí để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức bị khởi tố.

C. KIẾN NGHỊ CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ

1. Đề nghị Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam thực hiện:

- Đánh giá sự cần thiết, vai trò của Tạp chí trong việc thực hiện nhiệm vụ cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam; trong trường hợp Hiệp hội không bảo đảm được trách nhiệm đối với Tạp chí theo quy định, đề nghị Hiệp hội chủ động xem xét việc tiếp tục hoạt động của Tạp chí và có văn bản gửi cơ quan chức năng.

- Nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quyền và trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí theo quy định, nhất là chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động, tổ chức nhân sự, các nội dung ghi trong giấy phép, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về báo chí và chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí; bảo đảm nguồn kinh phí ban đầu và các điều kiện cần thiết cho hoạt động của cơ quan báo chí theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo, giám sát Tạp chí chấp hành nghiêm nội dung Kết luận thanh tra và quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Chỉ đạo, giám sát Tạp chí xây dựng và triển khai kế hoạch khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại Kết luận thanh tra, trong đó tập trung vào các nội dung sau đây:

+ Khắc phục, hoàn thiện ngay các tiêu chuẩn, điều kiện của lãnh đạo Tạp chí.

+ Chấp hành nghiêm chỉ đạo, định hướng, kỷ luật thông tin trên báo chí.

+ Thực hiện đầy đủ, đúng nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan báo chí.

+ Chấm dứt ngay tình trạng hoạt động sai tôn chỉ, mục đích, tăng cường công tác biên tập, kiểm duyệt nhằm nâng cao chất lượng nội dung thông tin.

+ Chấn chỉnh tình trạng quản lý lỏng lẻo về nhân sự, cấp giấy giới thiệu tác nghiệp và hoạt động hợp tác của Tạp chí với các cộng tác viên.

- Căn cứ tính chất, mức độ, nguyên nhân sai phạm, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xem xét làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các thiếu sót của tập thể, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của Ban Biên tập, người đứng đầu Tạp chí.

Đối với các nội dung nêu trên, đề nghị Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam gửi báo cáo kết quả thực hiện về Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời hạn 90 (chín mươi) ngày kể từ ngày nhận được Kết luận thanh tra.

2. Yêu cầu Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam:

- Chấm dứt ngay các hành vi vi phạm đã chỉ được chỉ ra tại Kết luận thanh tra.

- Tăng cường công tác quản lý mọi mặt của Tạp chí; thực hiện nghiêm các chỉ đạo, định hướng, kỷ luật thông tin và các văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

- Nâng cao chất lượng tuyển chọn nhân sự, phóng viên, nhất là những người giữ trọng trách quan trọng trong Tạp chí; có quy chế, quy trình quản lý chặt chẽ nhân sự nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc lợi dụng danh nghĩa làm việc tại cơ quan báo chí để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

- Bố trí nhân sự có đủ điều kiện, trình độ chuyên môn tham gia công tác biên tập nội dung tin, bài; xây dựng, triển khai các quy trình, quy chế tác nghiệp, biên tập, kiểm duyệt tin, bài nhằm quản lý chặt chẽ, tuân thủ nghiêm chỉ đạo, định hướng, kỷ luật thông tin trên báo chí, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, các quy định tại giấy phép và pháp luật về báo chí, bảo đảm khách quan, chính xác khi đưa tin, tăng cường chất lượng nội dung và các tin, bài có tính chất chuyên ngành, chuyên sâu.

- Xây dựng, triển khai quy trình tác nghiệp chặt chẽ để tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của nhà báo, phóng viên và bảo đảm tính chính xác, khách quan của nội dung các tin, bài.

- Có giải pháp quản lý chặt chẽ, đầy đủ và giải quyết kịp thời các đơn thư phản ánh, khiếu nại về nội dung bài viết và đơn thư do tổ chức, cá nhân gửi tới; thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật về đăng, phát ý kiến phản hồi.

- Chấn chỉnh ngay công tác cấp giấy giới thiệu tác nghiệp bảo đảm đúng đối tượng, đúng nội dung tác nghiệp, phù hợp với tôn chỉ mục đích của Tạp chí theo quy định của pháp luật.

- Xây dựng phương án, kế hoạch để khắc phục những vi phạm, tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại Kết luận thanh tra với lộ trình, mốc thời gian, biện pháp cụ thể. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ khi nhận được Kết luận thanh tra, Tạp chí có trách nhiệm trình cơ quan chủ quản phê duyệt phương án, kế hoạch đã xây dựng và gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông.

3. Kiến nghị Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông:

Giao Cục Báo chí và các cơ quan có liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về báo chí hiện hành để quy định rõ ràng, cụ thể hơn về các vấn đề: (i) Hoạt động gỡ, xóa tin bài sau khi đã đăng tải; (ii) Quản lý phóng viên, cộng tác viên; (iii) Trách nhiệm, quyền hạn của phóng viên, cộng tác viên cơ quan báo chí; (iv) Hoạt động cấp giấy giới thiệu tác nghiệp; (v) Công tác đầu tư, tài chính của cơ quan báo chí để tránh hiện tượng “báo hóa”, “tư nhân hóa” tạp chí.

4. Xử phạt vi phạm hành chính đối với Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam về các hành vi sau:

- Xử phạt hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với loại hình tạp chí điện tử theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 8 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

- Xử phạt hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

- Xử phạt hành vi không xây dựng chuyên mục riêng tại trang chủ của Tạp chí điện tử để thực hiện cải chính, xin lỗi theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 10 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Đồng thời, yêu cầu Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam:

- Gỡ bỏ các tin, bài không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép.

- Nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc xây dựng chuyên mục riêng tại trang chủ của Tạp chí điện tử để thực hiện cải chính, xin lỗi.

5. Xử phạt vi phạm hành chính đối với người đứng đầu Tạp chí về các hành vi sau:

- Xử phạt người đứng đầu cơ quan báo chí về hành vi cử nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 6 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

- Xử phạt người đứng đầu cơ quan báo chí về hành vi thu lại thẻ nhà báo nhưng không nộp về Bộ Thông tin và Truyền thông đối với các trường hợp người được cấp thẻ nhà báo nhưng không tiếp tục làm việc tại cơ quan báo chí theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

6. Đề nghị Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét xử lý hành vi quản lý, sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 13, Điều 14 Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14./.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top