Theo thầy Nguyễn Thế Hoàng – Chủ tịch hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp nhận xét, điểm thú vị của đề tài là tính thực tiễn, hệ thống xây dựng được môi trường trung gian, đưa sản phẩm nhà vườn chất lượng, rõ nguồn gốc đến tận tay người dùng với chi phí thấp hơn mà không phải qua thương lái, nông dân cũng có thêm lợi nhuận. Bên cạnh đó, các tiêu chí khác như tính công nghệ trong đời sống, khả năng thương mại hoá, cơ sở dữ liệu, khảo sát nhu cầu người dùng, bối cảnh thị trường, chi tiết khác biệt, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm… của nhóm sinh viên này cũng được hội đồng đánh giá cao.
Với Đi Chợ Nào, nhóm sinh viên đưa ra khái niệm chiến dịch, hiểu nôm na như một phiên chợ.Tại đây tập trung các nông trại ở gần nhau và bán hàng trong một khoảng thời gian nhất định, cho một vùng khách hàng nhất định. Từ đó người nông dân sẽ đăng bán đồ nông sản của mình phù hợp theo từng chiến dịch, còn khách hàng không mất thời gian lựa chọn từ nhiều nông trại khác nhau (tạo ra nhiều đơn hàng khác nhau, phí ship đội lên cao).
Chia sẻ về cách triển khai hệ thống, bạn Lâm Minh Thìn (Trưởng nhóm) cho biết: “tụi em tạo ra chiến dịch nơi khách hàng có thể mua hàng từ nhiều nông trại trong cùng một chiến dịch, lúc này sẽ chỉ tạo ra một đơn hàng chung, phí ship sẽ giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó khách hàng cũng có được nhiều lựa chọn mua hàng hơn”.
Đi Chợ Nào gồm có 5 tính năng chính gồm tính năng cho admin, cho nông dân, cho khách hàng, cho nhà kho và cho tài xế. Trong đó, tính năng cho nông dân – người sử dụng ứng dụng Đi chợ nào để đăng bán nông sản trong các chiến dịch có thể tạo ra các nông trại như một kênh để đăng ký tham gia vào các chiến dịch. Ở mỗi nông trại, người nông dân có thể tạo ra các mùa vụ để quản lý các sản phẩm của mình và đăng bán những loại sản phẩm ấy trong các chiến dịch thông qua mùa vụ.
Về hệ thống quản lý, khi người nông dân muốn đăng bán hàng tại Đi Chợ Nào, họ cần phải tạo đơn yêu cầu tham gia vào chiến dịch cùng với danh sách sản phẩm mà sẽ đăng bán. Lúc này, hệ thống sẽ tiến hành kiểm tra và có quyền kiểm duyệt đơn này, qua đó có thể kiểm soát được hoạt động đăng bán của người nông dân.
Đối với người dùng mua hàng tại Đi Chợ Nào, ở thông tin sản phẩm sẽ cung cấp đầy đủ nội dung về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, cũng như gieo trồng trong mùa vụ ra sao. Ngoài ra hệ thống còn cung cấp chức năng phản hồi, sau khi mua hàng tại nông trại, họ có thể đánh giá về chất lượng cũng như giá cả. Qua đó, những người dùng khác có thể tham khảo khách quan trong việc mua hàng.
Sau khi hoàn thành bài tập lớn đời sinh viên, các thành viên trong nhóm đã phát triển rất lớn kể cả về chuyên môn cũng như khả năng làm việc nhóm, từ đó các bạn định hướng được con đường phù hợp sẽ đi trong tương lai.
“Cửa ải làm đồ án nghiệp ở Đại học FPT thực sự là một chặng đường khá khó khăn và vất vả, tuy nhiên nó mang lại cho nhóm một sự trải nghiệm rất thú vị và mới mẻ. Theo em đây chính là cửa ải đánh dấu sự trưởng thành của bản thân cũng như định hướng ra được hướng đi phù hợp cho bản thân trong tương lai” – Trưởng nhóm Lâm Minh Thìn chia sẻ.