Theo ghi nhận, hiện tại, ngư trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 5.736 phương tiện nghề cá, trong đó, tàu kéo lưới chiếm hơn 25% tổng số tàu thuyền khai thác thủy sản, còn lại là tàu lưới vây, tàu dịch vụ hậu cần thủy sản... Nhiều năm qua, nhờ tận dụng tối đa tiềm năng, ưu thế của vùng, đánh bắt hải sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế của nhân dân trên địa bàn biên giới biển.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng khai thác quá mức ở vùng biển ven bờ của một số đối tượng khiến cho nguồn lợi thủy sản bị suy giảm với tốc độ nhanh chóng, nhiều loài cạn kiệt đến mức báo động. Trong khi đó, nguồn lợi thủy sản của các nước trong khu vực vùng biển giáp ranh còn phong phú, đa dạng, chính vì thế, một số chủ tàu cá, thuyền trưởng đã lợi dụng hệ thống bãi ngang, nhánh sông để tiến hành xuất bến, thực hiện hành vi khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển nước ngoài.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, công tác quản lý hệ thống tàu cá còn tồn tại nhiều bất cập, hầu hết các hành vi vi phạm đều xảy ra ở vùng biển xa. Cùng với đó, hoạt động của các đối tượng ngày một tinh vi, sử dụng nhiều thủ đoạn hòng qua mặt lực lượng chức năng, tổ chức các đường dây móc nối, môi giới cho tàu cá, ngư dân trên địa bàn ra vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép.
Khi bị bắt giữ, các ngư dân sợ bị truy cứu trách nhiệm nên khai báo thông tin nhỏ giọt, thiếu trung thực, gây nhiều khó khăn, tạo nhiều “lỗ hổng” trong công tác xác minh, điều tra, xử lý sai phạm. Dù lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt cao điểm ra quân tuyên tuyền, vận động ngư dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động nghề biển, thế nhưng, tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn diễn ra nhỏ lẻ tại một vài địa phương, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển.
Theo đó, chỉ trong năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, đã có 5 vụ/8 tàu cá cùng 92 ngư dân trên địa bàn tỉnh bị lực lượng chức năng 2 nước Indonesia và Malaysia bắt giữ do đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 70 đối tượng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng. Đồng thời, tước bằng, chứng chỉ thuyền trưởng 6 tháng đối với 4 thuyền trưởng, tịch thu ngư cụ đối với 2 tàu cá.
Đồng bộ thực hiện nhiều giải pháp căn cơ
Trước dấu hiệu gia tăng của hoạt động khai thác thủy sản sai tuyến, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉ đạo các phòng, ban nghiệp vụ và các đồn Biên phòng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với người, phương tiện hoạt động ra vào trên các cửa sông, cửa biển. Thực hiện nghiêm túc theo đúng quy trình công tác kiểm soát Biên phòng (5 kiểm, 1 chứng), nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa các tàu cá, ngư dân có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản.
Đồng thời, thường xuyên duy trì sinh hoạt các Tổ tàu thuyền đoàn kết. Thông qua đó, vận động ngư dân tham gia đánh bắt hải sản trên biển, không vi phạm vùng biển nước ngoài, không lắp đặt, sử dụng thiết bị nhận dạng hàng hải (AIS) có mã MMSI của nước ngoài trái phép. Theo đó, nhờ làm tốt công tác bám, nắm địa bàn, theo sát tình hình vươn khơi, bám biển của ngư dân, đến nay, 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển nước ngoài đều ký cam kết không vi phạm IUU trước khi tàu cá xuất bến.
Bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển, BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng các nội dung trọng tâm liên quan đến công tác chống khai thác IUU để ngư dân nắm rõ, nắm chắc về tình hình chủ quyền, an ninh trật tự trên biển. Thúc đẩy tăng cường phối hợp với các lực lượng Hải quân, Kiểm ngư, Cảnh sát biển trong trao đổi thông tin, nắm tình hình tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để phục vụ công tác điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 2.571/2.833 tàu cá được lắp thiết bị giám sát hành trình, đạt 90%. Hiện tại, đơn vị cũng đang khẩn trương phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát danh sách đăng ký của từng tàu cá, phân loại từng nhóm tàu cá đã ngừng hoạt động và những tàu cá đề xuất lắp đặt thiết bị giám sát để xử lý theo đúng quy định.
Thượng tá Nguyễn Hùng Sơn, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: “Thời gian tới, BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, công điện, kế hoạch, nghị quyết của các cấp trong thực hiện nhiệm vụ triển khai các giải pháp phòng, chống khai thác IUU trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân địa phương không vi phạm các quy định trong quá trình hành nghề, từ đó, góp phần giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý”.