Chi hỗ trợ đầu thu truyền hình cho người nghèo cần tăng thêm hơn 400 tỷ đồng

Thứ năm, 16/02/2017 10:38

Do số lượng hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn tiếp cận đa chiều lớn hơn nhiều so với theo tiêu chuẩn cũ nên số lượng hộ cần hỗ trợ đầu thu lên đến hơn 3,5 triệu, tổng kinh phí ước tính 2.149 tỷ đồng, cao hơn mức được duyệt là hơn 439 tỷ đồng.

Tại phiên họp thứ 13 Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình vào ngày 14/2/2017, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, do chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đã chính thức được áp dụng từ năm 2016 nên số lượng hộ nghèo, cận nghèo tăng cao hơn so với thời điểm Đề án số hóa truyền hình được phê duyệt. Số tiền cần chi cho hỗ trợ đầu thu sẽ tăng cao, số tiền theo dự toán trước đây không đáp ứng được nên Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo sẽ tính toán chính xác để xin điều chỉnh ngân sách.
 
Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg kinh phí để chi hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo là 1.710 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được trích từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất, tổng số hộ nghèo, cận nghèo năm 2015 của cả nước là 3.581.775 hộ. Giá hỗ trợ đầu thu DVB-T2 tính trung bình là 600.000 đồng/bộ. Như vậy tổng số tiền dự kiến cần chi để hỗ trợ đầu thu ước tính là 2.149.065.000.000 đồng (hơn 2.149 tỷ đồng), cao hơn so với mức kinh phí được phê duyệt khoảng 439 tỷ đồng.
 
Theo tính toán của Cục Tần số Vô tuyến điện, trong số 15 tỉnh sẽ tắt sóng truyền hình analog đợt 1/7/2017 có gần 590.000 hộ nghèo, cận nghèo, lớn hơn tổng số đầu thu đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo của giai đoạn 1 và đợt 1 của giai đoạn 2. Trong năm 2016, Bộ TT&TT đã hỗ trợ cho 516.030 hộ nghèo, cận nghèo chịu ảnh hưởng của việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 
 
20170216-shth1.jpg
Đầu thu truyền hình của VNPT Technology đã được hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo tại nhiều địa phương. Ảnh: Việt Hải.
Do số lượng hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016 – 2020 lớn hơn nhiều so với theo tiêu chuẩn cũ nên Bộ TT&TT và các địa phương trong thời gian qua phải rà soát danh sách các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh và hỗ trợ bổ sung đầu thu truyền hình số mặt đất tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa bàn bị ảnh hưởng của các tỉnh lân cận.
 
Bên cạnh đó, có nhiều tỉnh thuộc giai đoạn 2 có địa hình rất phức tạp. Nhiều tỉnh phải sử dụng số lượng lớn các trạm phát lại truyền hình tương tự mặt đất đang hoạt động nên việc số hóa truyền hình mặt đất khó khăn hơn nhiều và kém hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất với truyền hình qua vệ tinh tại các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa. Tại những địa bàn này nhà nước sẽ hỗ trợ đầu thu truyền hình vệ tinh cho các hộ nghèo, cận nghèo.
 
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Quỹ Dịch vụ Viễn thông Công ích cho hay, rất nhiều địa phương đã có ý kiến về việc phải xem xét hỗ trợ đầu thu vệ tinh cho những địa bàn khó phủ sóng truyền hình số mặt đất. Hiện nay, số lượng kênh truyền hình thiết yếu đã được phát sóng không khóa mã trên vệ tinh VINASAT lên đến hàng chục kênh. Vì vậy, việc hỗ trợ đầu thu vệ tinh khá thuận lợi, không phải lo khâu phát sóng.
 
Bên cạnh đó, theo nội dung của Chương trình Viễn thông công ích, nhà nước sẽ có một phần kinh phí để hỗ trợ các tỉnh miền núi truyền dẫn kênh truyền hình thiết yếu lên vệ tinh.
 
Liên quan đến việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ: "Vùng lõm sóng là những khu vực vùng sâu, vùng xa, không ít nơi là vùng đồng bào dân tộc, có nhiều khó khăn. Trước đây đồng bào đã thiệt thòi vì không được xem truyền hình, giờ có truyền hình số sẽ không để người dân ở vùng lõm sóng trước kia tiếp tục bị thiệt thòi vì không có thiết bị thu xem truyền hình số". 
 
Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ TT&TT quyết tâm sẽ triển khai số hóa truyền hình giai đoạn 2 đúng kế hoạch. Làm gì thì làm không được để ảnh hưởng tới người dân vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc, hộ nghèo, cận nghèo khi số hóa truyền hình.
 
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã giao cho Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông chủ trì nghiên cứu sửa đổi Quyết định 2451 của Thủ tướng Chính phủ để xác định rõ lại phạm vi triển khai Đề án số hóa truyền hình là những địa bàn trước kia người dân thu xem được truyền hình analog hay bao gồm cả những địa bàn khác.
 
Trên thực tế khi triển khai Đề án số hóa truyền hình đã phát sinh ra một số bất cập trong việc xác định phạm vi triển khai đề án để thực hiện hỗ trợ đầu thu cho hộ gia đình trong vùng bị ảnh hưởng khi tắt sóng truyền hình analog. Hiện tại nhiều địa phương vùng phủ sóng truyền hình số rộng hơn vùng phủ sóng truyền hình analog trước kia, do đó một số vùng lõm sóng trước kia người dân không xem được truyền hình analog, nay cũng đã xem được truyền hình số.
 
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top