DN sản xuất thiết bị truyền hình bị vướng rào cản thuế

Thứ tư, 14/09/2016 08:51

Mặc dù về chủ trương, nhà nước đã có chính sách thuế ưu đãi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, nhưng thực tế để hưởng mức thuế ưu đãi này các doanh nghiệp sản xuất thiết bị truyền hình còn gặp khá nhiều khó khăn.

20160914-shth1.jpg
Thiết bị thu truyền hình được sản xuất tại nhà máy của VNPT Technology. Ảnh: Việt Hải
 
Trao đổi với ICTnews mới đây, ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ban quản lý và phát triển sản phẩm của VNPT Technology cho hay, hiện nay về chính sách thuế áp dụng cho các linh kiện sản phẩm mà VNPT Technology đang sản xuất có một số khó khăn. Cụ thể, VNPT Technology đang sản xuất khá nhiều sản phẩm công nghệ cao, nên nguồn linh kiện nhập về rất nhiều. Theo quy định của Nhà nước, nhiều linh kiện trong nước chưa sản xuất được sẽ được miễn thuế, nhưng để được miễn thuế nhập khẩu công ty phải làm hồ sơ giải trình rất nhiều, mất nhiều thời gian. Do đó, với những đơn hàng cần gấp thì sẽ bị ảnh hưởng khá lớn, đây chính là một khó khăn tồn tại khá lâu.
 
“Chính sách ưu tiên hàng công nghệ cao sản xuất trong nước đã có, nhưng việc thực hiện lại chưa đồng bộ”, ông Kiên nói.
 
Ông Nguyễn Văn Phúc, Tổng giám Công ty Xuất nhập khẩu và Thương mại Đông Thành (Hà Nội) cũng cho hay, khi sản xuất cáp đồng trục dùng cho truyền hình, có một số loại nguyên liệu trong nước không sản xuất được như sợi CCF, hợp kim chống nhiễu, phải nhập khẩu hoàn toàn. CCF là nguyên liệu lõi thép được tráng bằng đồng, nguyên liệu rất đặc thù để sản xuất dây cáp, ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào sản xuất được.
Trước đây, Công ty Đông Thành vẫn nhập khẩu nguyên liệu bình thường, hàng về cảng chỉ 2-3 ngày sau là được thông quan. Tuy nhiên, gần đây khi Chính phủ có chính sách quy định các sản phẩm thép nói chung nhập về phải qua kiểm định chất lượng. Đây là quy định áp dụng chủ yếu cho mặt hàng thép xây dựng để bảo vệ cơ sở sản xuất thép trong nước, hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên sợi CCF có lõi thép nên cũng được xếp chung vào nhóm mặt hàng thép và cũng phải thực hiện quy trình kiểm định, xin giấy phép nhập hàng về rất chặt chẽ như đối với mặt hàng thép xây dựng.
 
“Nguyên liệu nhập khẩu chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong sản phẩm dây cáp đồng trục, trong nước không sản xuất được, nhưng mỗi lần nhập về rất khó khăn. Trước đây hàng về cảng chỉ 2-3 ngày về đến kho, nay phải cần kiểm định với đủ các loại hồ sơ thủ tục nên thời gian có khi mất 2-3 tuần”, ông Phúc cho hay.
 
Cũng theo ông Phúc, sản phẩm cáp đồng trục do Đông Thành sản xuất hàm lượng nguyên liệu nhập khẩu chiếm khoảng 5%. Chỉ có sợi CCF nguyên liệu chính, hợp kim chống nhiễu và băng nhôm là 3 loại vật liệu chưa sản xuất trong nước. Còn lại công ty đều dùng các nguyên liệu khác trong nước sản xuất được như: Nhựa, vỏ hộp đóng gói, lô gỗ, in ấn đều dùng nguyên liệu ở Việt Nam.
 
Hiện nay, VNPT Technology là một trong số ít doanh nghiệp CNTT đã nghiên cứu phát triển, sản xuất và đưa ra thị trường rất nhiều sản phẩm công nghiệp CNTT tiêu biểu như: đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2, điện thoại smartphone Vivas Lotus, thiết bị học tập và giải trí tập trung VNPT SmartBox, Modem ADSL 2+ Wifi Router, Thiết bị GPON – ONT, AON, Wifi Access Point. Hiện nay để sản xuất các sản phẩm công nghiệp CNTT, các doanh nghiệp trong nước có thể tự chủ được khâu nghiên cứu phát triển, thiết kế, tối ưu sản phẩm, xây dựng phần mềm hệ thống, viết ứng dụng.
 
Tuy nhiên, khâu sản xuất, do công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển, vật tư, linh kiện điện tử hầu hết phải nhập từ nước ngoài. Mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 164/2013/TT-BTC (có hiệu lực từ 1/1/2014) miễn giảm nhiều thuế suất của một số vật tư, linh kiện nhưng đến nay vẫn còn khá nhiều loại vẫn phải chịu thuế vì thế đã ảnh hưởng ít nhiều đến giá thành sản phẩm của Công ty. Hoạt động công nghiệp CNTT là mang tính dài hạn và đòi hỏi phải có nguồn lực (đội ngũ R&D, nhà xưởng, máy móc...) rất lớn nên nhà nước cũng cần phải tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp này để phát triển nguồn lực.
 
Bởi vậy, để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT phát triển và các sản phẩm có đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, thời gian tới nhà nước cần có một số chính sách cụ thể hỗ trợ như: Tiếp tục miễn giảm thuế nhập khẩu một số vật tư, linh kiện hiện đang phải chịu thuế nhập khẩu để các doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài ra, nên chăng nhà nước cũng cần xem xét miễn giảm thuế GTGT khi doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm này (hiện nay thuế GTGT phổ thông là 10%).
 
Đồng thời, nhà nước cũng cần xem xét để miễn (hoặc giảm) thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp công nghiệp CNTT để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tích tụ thêm nguồn lực để phát triển (hiện nay thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là từ 20% đến 22%).
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top