Việc phát triển mạng ảo là hướng đi phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, góp phần thúc đẩy các dịch vụ nội dung phát triển, tạo thêm nhiều dịch vụ viễn thông trên nền internet băng rộng. Luật Viễn thông sửa đổi đã tạo hành lang pháp lý minh bạch, dễ dàng, giúp các nhà mạng thuận lợi đàm phán trong quá trình mua lưu lượng, cung cấp dịch vụ chất lượng tốt, giá thành hấp dẫn.
Luật Viễn thông quy định quyền của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng, cụ thể:
-Xây dựng, lắp đặt, sở hữu hệ thống thiết bị viễn thông và đường truyền dẫn trong phạm vi cơ sở và điểm phục vụ công cộng của mình để cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng dịch vụ viễn thông;
-Thuê đường truyền dẫn để kết nối hệ thống thiết bị viễn thông, các cơ sở, điểm phục vụ công cộng của mình với nhau và với mạng viễn thông công cộng của doanh nghiệp viễn thông khác;
-Thuê đường truyền dẫn hoặc mua lưu lượng, dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông khác để bán lại cho người sử dụng dịch vụ viễn thông;
-Cho doanh nghiệp viễn thông khác thuê lại cơ sở hạ tầng viễn thông mà mình đã thuê nếu được doanh nghiệp viễn thông cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông đồng ý;
- Được phân bổ tài nguyên viễn thông theo quy định của Luật này về quản lý tài nguyên viễn thông;
- Nghiên cứu phát triển, triển khai thử nghiệm công nghệ mới, mô hình mới trong hoạt động viễn thông
Điều này cho phép họ linh hoạt trong việc nắm bắt cơ hội thị trường và đổi mới công nghệ.
Luật cũng quy định cụ thể các nghĩa vụ của doanh nghiệp không có hạ tầng mạng. trong đó có một số nghĩa vụ quan trọng sau:
-Đóng góp tài chính vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam
-Chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố; bảo đảm tính đúng, đủ, chính xác giá dịch vụ theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông;
-Thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin.
Đối với các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng, do đóng đóng vai trò trung tâm trong việc cung cấp dịch vụ và kết nối mạng lưới viễn thông, sở hữu hạ tầng mạng lưới có vùng phủ rộng và cung cấp dịch vụ đến số lượng thuê bao lớn nên Luật Viễn thông sửa đổi quy định rất rõ quyền lợi và trách nhiệm của những doanh nghiệp này.
Ngoài các quyền giống như của doanh nghiệp viễn thông không có hạ tầng mạng, các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng được ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển, đất sử dụng vào mục đích công cộng để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông theo quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật có liên quan; Cho doanh nghiệp viễn thông khác thuê cơ sở hạ tầng viễn thông; Tham gia thực hiện cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.
Quyền lợi lớn đi liền với trách nhiệm lớn. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng có các nghĩa vụ giống như nghĩa vụ của doanh nghiệp không có hạ tầng mạng, Ngoài ra, còn phải có các nghĩa vụ khác như: Cho doanh nghiệp viễn thông khác thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động khi phù hợp với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và khả thi về kinh tế, kỹ thuật; Thu hồi, tháo dỡ công trình viễn thông thuộc quyền sở hữu, quản lý có dấu hiệu nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng; Hạ ngầm, chỉnh trang đường cáp viễn thông.