Thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế thị trường, kinh tế số, các cấp chính quyền, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hoá. Hiện tại, tỉnh Quảng Bình có sàn giai dịch TMĐT tỉnh (quangbinhtrade) với hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia, đa dạng nhiều sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng, có tiềm năng trên thị trường nông sản trong nước. Nhiều thương hiệu đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách, như: Nấm sạch Tuấn Linh, tỏ đen, đũa gỗ Quảng Thuỷ, thịt thỏ Ruby, cá mờm trắng và tôm khô Vương Đoàn, khoai deo Như Mận, nước mắm Xuân Hồng, cao cà gai leo..., góp phần đưa thương hiệu nông sản Quảng Bình tới nhiều thị trường lớn, tiềm năng như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh...
Chị Nguyễn Thị Như Mận, đại diện Công ty TNHH Như Mận (huyện Quảng Ninh) cho biết, măm 2019, Công ty bắt đầu tham gia bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Postmart. Nhờ đó, sản phẩm khoai deo Như Mận ngày càng được nhiều người biết đến, số lượng sản phẩm bán ra cũng nhiều hơn so với trước đây. Hiện tại, sản phẩm khoai deo Như Mận được bán trên 10 sàn TMĐT như Postmart, Voso, Shopee, Smartgap, quangbinhtrade..., mỗi năm công ty bán ra thị trường từ 20-30 tấn khoai deo, cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm.
So với phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp doanh nghiệp, HTX giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp cả nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn.
Thực hiện chương trình chuyển đổi số nông nghiệp, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử làm cầu nối để hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên sản TMĐT có uy tín. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng sẽ phối hợp với các Sở, ngành, địa phương đưa tất cả các sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử Voso, Postmart và Trang thông tin điện tử của Sở; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý của ngành và doanh nghiệp, HTX có sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, VietGAP... về TMĐT, chuyển đổi số.
UBND tỉnh cũng vừa đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn TMĐT, trong đó chú trọng xây dựng chuỗi các hộ sản xuất nông nghiệp số (có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn TMĐT). Trong đó, Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tham gia sàn TMĐT của doanh nghiệp, như Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Voso.vn của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel...; đồng thời xúc tiến việc kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, nông thôn đến khách hàng, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tăng cường hướng dẫn điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và công bố sản phẩm đến cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn, đảm bảo điều kiện để đưa sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản tham gia sàn TMĐT.
Mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2022 có 70-130 sản phẩm được gắn mác thương hiệu, trên 50% hộ sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chí được gắn mác thương hiệu, trên 70% đạt tiêu chí có công cụ truy xuất; có 70% hộ sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí được đào tạo, tập huấn kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên sàn TMĐT; 70% hộ sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí được kích hoạt tài khoản để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT; 100% hộ sản xuất nông nghiệp được số hoá dữ liệu thông tin...
Tỉnh cũng đặt mục tiêu sau khi đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, có 35% số tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, 30% sản lượng sản phẩm các cơ sở đăng ký tài khoản được tiêu thụ qua sàn./.