Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội để bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng quốc gia cho Việt Nam. Smartcity, là mô hình thành phố ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào việc quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế xã hội của thành phố nhằm nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên của thành phố. Không đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều tỉnh thành phố tại Việt Nam đã coi triển khai Smartcity là chiến lược chủ lực trong công cuộc chuyển đổi số.
Hướng đi “ngược dòng” của Viettel
Tại Việt Nam đã có rất nhiều địa phương đã triển khai Smartcity ở các mức độ khác nhau, từ thử nghiệm ở quy mô nhỏ đến triển khai chính thức trên toàn thành phố. Về cơ bản các giải pháp Smartcity đều do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển với mức độ làm chủ công nghệ khác nhau. Tuy nhiên có một thực tế là các giải pháp này thường lấy công nghệ, kỹ thuật làm trọng tâm. Các công ty, các nhóm nghiên cứu tham khảo các thành tựu công nghệ quốc tế, sau đó tìm tòi, cải tiến và sau đó tìm cách ứng dụng vào các dự án Smartcity tại Việt Nam.
Các chủ đầu tư cũng thường lấy tiêu chí lựa chọn các công nghệ mới nhất, hiện đại nhất để xây dựng các công cụ trực quan hóa, tự động hóa công tác quản lý điều hành của chính quyền.
Cách tiếp cận của Trung tâm Không gian mạng Viettel (VTCC) khi xây dựng giải pháp Cybervison for Smartcity thì có sự khác biệt. Mặc dù là một trong những đơn vị nghiên cứu và phát triển công nghệ AI hàng đầu tại Việt Nam, nhưng VTCC không bắt đầu từ công nghệ.
Theo quan điểm của VTCC, phát triển Smartcity nói chung cần lấy người dân làm trung tâm. Mục đích chính của Smartcity không phải phục vụ chính quyền thành phố, mà cần hướng nhiều hơn đến phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Smartcity cần tích hợp nhiều hơn các dịch vụ phục vụ người dân, phải hướng đến mức độ quan tâm, mức độ hài lòng và mức độ sử dụng dịch vụ của người dân để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ.
Xuất phát từ quan điểm và cách làm như trên đội sản phẩm Cybervision của Trung tâm Không gian mạng Viettel đã đi sâu tìm hiểu các vấn đề, các vướng mắc, các nỗi đau của người dân từ đó lựa chọn giải pháp và công nghệ phù hợp trong lĩnh vực thị giác máy tính để giải quyết các vấn đề này. Để giải pháp giải quyết vấn đề đưa ra là tối ưu, các thành viên đội sản phẩm cũng đã hợp tác với các chuyên gia trong các lĩnh vực như giao thông, y tế, xây dựng, quy hoạch đô thị… Vì thế giải pháp Cybervison for Smartcity của VTCC vừa được xây dựng bởi các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực thị giác máy tính, vừa là kết tinh của tri thức ngành của những chuyên gia hàng đầu.
Với cách làm như trên, giải pháp Cybervison for Smartcity đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực thị giác máy tính để phân tích để xử lý tự động các tín hiệu gửi về từ Camera giúp giải quyết các bài toán quản lý giao thông, an ninh trật tự trong thành phố. Trong đó, Cybervision for Transportation có tính năng: đếm lưu lượng phương tiện giao thông; kiểm soát các phương tiện ra vào thành phó trong thời gian chống dịch; phát hiện các lỗi vi phạm giao thông, xuất ra biên bản phạt nguội với các hình ảnh, video bằng chứng vi phạm; giám sát lấn chiếm vỉa hè, đỗ xe trái phép, đổ rác không đúng nơi quy định; thu phí khu vực đỗ xe công cộng.
Còn Cybervision for Security giải quyết các vấn đề: phát hiện tụ tập đám đông gây rối trật tự công cộng; phát hiện các đối tượng trong danh sách đen; quản lý vào ra, đo thân nhiệt tại các cơ quan công quyền, văn phòng tòa nhà; phát hiện các hành vi xâm nhập trái phép; phát hiện đồ vật bỏ quên, đồ vật mất cắp tại những nơi công cộng; phát hiện cáp viễn thông, dây điện treo mất mỹ quan; phát hiện khói, lửa, hỏa hoạn…
Những bước tiến ban đầu
Theo VTCC, giải pháp Cybervison for Smartcity được xây dựng bám sát vào các trường hợp sử dụng (usecase) thực tế nên ngay từ những ngày đầu tiên triển khai thử nghiệm đã có kết quả nổi bật.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, nhiều tỉnh thành đã áp dụng giải pháp này để kiểm soát xe ra vào thành phố như Thái Nguyên, Quảng Trị. Điều này vừa giúp cho các tỉnh kiểm soát được phương tiện lưu thông qua tỉnh mình, nhưng lại không gây ách tắc và nguy cơ lây nhiệm cho cán bộ trực như cách kiểm soát thủ công.
Tại Hưng Yên, ngay trong tháng đầu tiên áp dụng thử nghiệm (tháng 10/2021), đã phát hiện 9.767 lỗi vi phạm giao thông một cách hoàn toàn tự động, với các hình ảnh, video bằng chứng cụ thể. Một điều sẽ khó thực hiện và tốn kém nhiều công sức, nhân lực nếu dùng theo cách tuần tra truyền thống. Cũng ngay tại Hưng Yên ngay trong tuần đầu tiên triển khai, nhờ vào công nghệ nhận dạng biển số đã tìm lại được số tiền 80 triệu đồng đánh rơi của người dân.
Chính vì những kết quả từ những ngày đầu tiên triển khai giải pháp Cybervison for Smartcity của Trung tâm Không gian mạng Viettel nên một số địa phương sau khi thử nghiệm thành công đã đầu tư và triển khai chính thức như thành phố Sầm Sơn, quận Hải Châu (Đà Nẵng), huyện Thanh Trì (Hà Nội)… Các tỉnh thành phố còn lại đều đưa vào kế hoạch triển khai trong năm 2022.