Xây dựng "Tủ sách nền tảng" mang tầm quốc gia nhằm "chấn hưng" văn hóa đọc

"Ngành xuất bản Việt Nam cần phải tìm cho được những "viên ngọc"quý, những quyển sách cả triệu người đọc và trở thành nhận thức chung của cả xã hội, tạo thành sức mạnh quốc gia, dân tộc".

Đó là định hướng chiến lược của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đối với ngành xuất bản Việt Nam. Đồng thời, nhấn mạnh, ngành Xuất bản phải xây dựng cho được những "Tủ sách nền tảng" mang tầm quốc gia, nhằm "chấn hưng" hóa đọc nước nhà. Phóng viên đã phỏng vấn ông Nguyễn Quang Thạch - Người "cõng sách về làng" về tầm quan trọng của tủ sách nêu trên.

 

 

 

 

a-thach-2-nguonzing-16346948160231143649788.jpg
Ông Nguyễn Quang Thạch (Ảnh: zing.vn).

Xin ông cho biết tầm quan trọng của những tủ sách nền tảng mang tầm quốc gia nhằm thúc đẩy phong trào khuyến đọc trong cộng đồng?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Tôi từng chia sẻ trên báo chí rằng nếu tất cả trẻ em được đọc cuốn Robinson Crusoe thì các em sẽ tôn trọng quan điểm khác biệt của bạn bè và trẻ sẽ có thông tin tiên lượng và hoặc chấp nhận rủi ro khi theo đuổi những điều mình mong muốn. Khi đến tuổi làm cha, làm mẹ, họ sẽ tôn trọng quan điểm của con cái chứ không ngăn cản những suy nghĩ và ý tưởng khác biệt của con cái.

Tương tự, trẻ em cần biết Ngài Mohandas Gandhi về triết lý bất bạo động và bất hợp tác trong đấu tranh để giành độc lập cho Ấn Độ mà không đổ máu. Trẻ em cần biết đến Mẹ Tesera với tình yêu đồng loại cao cả và thực hành tình yêu cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. 

Theo đó, sách tốt tuyền tải các giá trị phổ quát mà nhân loại xây dựng và được truyền tải đến toàn dân sẽ ảnh tích cực đến suy nghĩ, thái độ sống của con trẻ và người lớn. Bởi vậy, việc phát triển tủ sách nền tảng một cách có hệ thống dành cho trẻ mầm non đến những công dân trên 60 tuổi là tối cần thiết.

Chúng ta cũng cần biết rằng với nền đọc sách như xã hội ta, việc khuyến đọc đối với nhóm từ 15 - 22 tuổi mà chưa có thói quen đọc sách đã khó, thì việc vận động những người 23 tuổi trở lên mà ít đọc sách lại càng khó hơn. Bởi vậy, bên cạnh tạo các kênh phổ biến tri thức qua sách giấy, sách nói, sách điện tử, thì ngành xuất bản Việt Nam và các cơ quan liên quan cần xây dựng các tiêu chuẩn tạo các tác động cứng và mềm để toàn xã hội xem lĩnh hội qua sách là một trong những điều cốt yếu cho bản thân, gia đình, xã hội và tạo đẳng cấp quốc gia. 

Chẳng hạn, các quy định cứng là các hiệu trưởng ở các trường tiểu học, THCS và THPT phải đảm bảo mỗi học sinh đọc tối thiếu 20 đầu sách Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản… trong năm học.

Đối với cha mẹ trẻ, nhà trường cần huấn luyện cách đọc sách cho con từ 1 - 6 tuổi. Đối với cha mẹ học sinh tiểu học trở lên, nhà trường cần thiết lập kênh khuyến đọc với gia đình để cùng nhau giúp trẻ đọc sách trong sự yêu thích…

Theo ông, việc lựa chọn những mảng sách thiết yếu hoặc tủ sách nền tảng có sức lan tỏa mạnh mẽ và trở thành nhận thức chung cho cả xã hội có ý nghĩa như thế nào trong thời 4.0 hiện nay?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Thực tế thì nền tảng văn hóa đọc trên quy mô quốc gia của chúng ta rất yếu. Bởi vậy, sự hưởng ứng có chiều sâu của các thành viên xã hội sẽ không lớn. Nhưng đừng vì sự "lạnh nhạt" của số đông vốn không đọc sách trong nhiều thập niên mà không thực hiện đề án Sách quốc gia và những "Tủ sách nền tảng" có giá trị cao, khuyến khích và thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.

Tủ sách nền tảng cần được thực hiện bài bản từng bước, từng bước một. Chẳng hạn, đối với sách dành cho trẻ từ 1 - 6 tuổi, nhóm chuyên gia tham gia  cần chọn 150 - 250 đầu sách dành cho trẻ cùng độ tuổi của Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ… để dịch, hoặc sách đã dịch của các nhà xuất bản (NXB) đã công bố nhằm phổ biến ở nông thôn và đô thị ở quy mô vài chục trường học và cần đo lường cụ thể trước khi nhân rộng ra toàn quốc. 

Chúng ta cần biết rằng việc giúp trẻ em từ 6 tuổi trở xuống nghe sách là phổ biến ở các nước phát triển trong hơn nửa thế kỷ qua. Đơn cử ở Mỹ có ít nhất 5.000 đầu sách cho trẻ dưới 6 tuổi. Đối với độ tuổi từ 7 - 18 tuổi, các nhóm chuyên gia cần chọn lọc sách có giá trị của các nước phát triển để phổ biến vừa giúp học sinh Việt Nam có năng lực hội nhập toàn cầu bởi các giá trị phố quát và năng lực chuyên môn cao.

Mặt khác, đối với sinh viên, chúng ta cần cập nhật tri thức chuyên ngành có hệ thống để những cử nhân, kỹ sư Việt Nam không bị lạc hậu như một số nhà chuyên môn cho rằng "sinh viên của chúng ta đang phải học kiến thức lạc hậu của Đông Âu, Xô Viết cách đây hàng chục năm".

Đối với công chức và cán bộ cấp quản lý từ địa phương đến Trung ương, cần có danh mục sách phải đọc từ các nước phát triển như là mệnh lệnh chính trị nhằm nâng cao năng lực phổ quát hóa các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế… quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa đã và đang gõ cửa mọi ngôi nhà. 

Chẳng hạn, đối với kinh tế học, cấp quản lý cần đọc những cuốn như: Kinh tế vi mô trung cấp - phương pháp tiếp cận mới của Hal Varian; Kinh tế vĩ mô của Mankiw; Đo lường tổng thể - đường đi từ nguyên nhân đến kết quả của Joshua D. Angrist và Jorn-Steffen Pischke; Phân tích chính kinh tế về chính sách công của William K. Bellinger.

 

 

anh-minh-hoa-16346948160741954321063.jpg

Các em học sinh đến với mô hình văn hóa đọc tại thư viện trường học.

 

Không những vậy, thầy cô giáo, công chức và quan chức các ngành - lĩnh vực, sinh viên và học sinh rất cần đọc những đầu sách, chưa là tất cả nhưng gồm: Câu chuyện Nghệ thuật, Bài học Phần Lan, Hồi ký Lý Quang Diệu: Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất, Sapiens-lược sử loài người, Khuyến học, Bàn về văn minh, Phẩm cách phụ nữ, Không gia đình, Chiến binh cầu vồng, Tôi là Malala, Lời nguyện cầu từ Trenobyl, Lũ trẻ đường tàu, Bác sĩ Zivago, Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ,  Phúc Ông tự truyện, Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Lịch sử triết học phương Đông viết cho thanh thiếu niên, Triết học tự cổ chí kim, Sức mạnh của sự tử tế, Hạnh phúc hay không do ta quyết định, Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới, Đạm Phương nữ sử - vấn đề phụ nữ ở nước ta; Thơ nữ Việt Nam từ xưa đến nay (song ngữ); Thơ Thiền Lý - Trần, Tám triều Vua Lý, Bão táp Triều Trần, Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa, Nữ quyền cho mọi người, Bí ẩn nữ tính, Được học…  

Ở các nước có nền văn hóa đọc phát triển, người dân của họ vẫn giữ thói quen đọc và nghe sách (sách nói), vậy những người làm xuất bản ở Việt Nam cần phải làm gì để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Ở các nước phát triển, người ta đọc sách như là nhu cầu tất yếu hàng ngày và họ đa dạng kênh phổ biến tri thức như sách nói và sách điện tử. Muốn nhiều người xem đọc sách như học tập suốt đời thì chúng ta cần nuôi dưỡng người đọc từ mầm non. Nhà trường cần xem việc lĩnh hội tri thức rộng lớn qua tự học bằng đọc sách là điều cốt tử của giáo dục. Bên cạnh đó, học qua làm bởi giáo dục STEM, STEAM, cần được xem là những cấu phần quan trọng của giáo dục trong bối cảnh CMCN 4.0 với trí tuệ nhân tạo (AI) đọc sách thay cả con người.

Chương trình Sách quốc gia là việc "nên thực hiện càng sớm càng tốt" và "lựa chọn được càng nhiều đầu sách nền tảng càng tốt". Theo đề án Chương trình Sách quốc gia, bước đầu lựa chọn 350 đầu sách thiết yếu gồm các chủ đề, lĩnh vực khác nhau và 50 đầu sách song ngữ phục vụ thông tin đối ngoại sẽ được lựa chọn và phân loại một cách có hệ thống thành những tủ sách nền tảng riêng biệt. Sau đó, chúng sẽ được "số hóa" sang định dạng sách nói và sách điện tử.

Đối với các tủ sách này, nên có sự tham mưu, tư vấn của các chuyên gia đầu ngành thuộc từng lĩnh vực. Họ phải là những người uy tín, có công trình nghiên cứu nghiêm túc, được trong nước và thế giới công nhận. Việc xây dựng sách nền tảng ở hai định dạng sách nói và sách điện tử đảm bảo được sự công bằng, bình đẳng cho mọi đối tượng độc giả.

Theo ông, việc chuyển đổi những cuốn sách nền tảng thành định dạng sách nói, sách điện tử, sách song ngữ có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập ở nước ngoài?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Tôi có người bạn nghiên cứu tiến sĩ ở Đức từng nhờ tôi mua một số bản mềm của sách Omega trong nước. Người Việt ở Ba Lan đã làm tủ sách tiếng Việt ở trung tâm thương mại. Một số du học sinh ở Nhật đã mua sách từ Việt Nam sang để chia sẻ đến cộng đồng người Việt. 

Qua đó, chúng ta thấy rằng nhu cầu người Việt ở nước ngoài muốn tiếp cận nguồn sách tiếng Việt là có. Bởi vậy, việc phổ biến các đầu sách tiếng Việt qua các hình thức khác nhau là cần thiết vì tri thức là chiếc cầu nối ngắn nhất để đồng bào gắn kết, sẻ chia giá trị quốc gia cũng như cùng nhau hành động vì một Việt Nam được tôn trọng và trách nhiệm với hành tinh chúng ta.

 

anh-2-1634694816065592604438.jpg

Đông đảo các em học sinh tìm đến thư viện trường học để đọc sách.

 

Trái đất là ngôi nhà chung và chúng ta cần có trách nhiệm với ngôi nhà ấy bởi vậy việc tôi và một số người Việt chung tay làm tủ sách ở nông thôn Ấn Độ là một trong những cách xây dựng ngôi nhà chung tốt đẹp hơn.  Hơn nữa, việc người Việt Nam góp phần vì một thế giới tốt đẹp hơn là liều thuốc mạnh để diệt căn bệnh tự ti nhược tiểu trong không ít người Việt. 

Chúng ta có đủ tư cách nói rằng chúng ta góp phần vào sự phát triển của nhân loại nếu chúng ta dâng hiến tình yêu của mình vô điều kiện bằng cách góp phần giúp hàng trăm triệu đứa trẻ ở Ấn Độ, Châu Phi… thiếu sách có sách đọc.

Ngược lại, đối với mảng sách khoa học công nghệ, nên chọn những cuốn sách mua bản quyền từ nước ngoài, dựa theo tiêu chí "chúng ta mạnh mảng gì thì sẽ xuất bản mảng đó, chưa tốt mảng nào thì sẽ mua bản quyền mảng đó". 

Với mảng sách thiếu nhi, giới xuất bản cần tham khảo thêm những đầu sách giáo dục, tâm lý của tác giả là những chuyên gia nghiên cứu ở nước ngoài; tập trung chọn các tựa sách về lòng trắc ẩn, từ bi, trách nhiệm với nhân loại...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!