Ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiến phương thức làm việc, hướng tới phát triển chính phủ điện tử

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị về tăng cường sử dụng thư điện tử và 1 năm thực hiện Chỉ thị về tăng cường sử dụng văn bản điện tử của Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước 100% các Bộ, ngành đã triển khai hệ thống thư điện tử chính thức và trang bị hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ công việc. Còn tại các tỉnh, thành phố, tỉ lệ này cũng đạt từ 96,7 – 98%.

img

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị

 
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện chỉ thị số 34/2008/CT-TTg và sơ kết 01 năm thực hiện chỉ thị số 15/CT-TTg được tổ chức sáng ngày 24/9/2013, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã khẳng định: Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để cải tiến phương thức làm việc, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, hướng tới phát triển chính phủ điện tử là xu thế tất yếu của thời đại và cũng là chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng và Nhà nước.
 
Thời gian qua hệ thống hạ tầng kĩ thuật công nghệ thông tin ngày càng được các cơ quan nhà nước chú trọng đầu tư, phát triển. Đặc biệt các đơn vị đã từng bước ứng dụng hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong công việc. Tỷ lệ văn bản, tài liệu điện tử được trao đổi qua mạng giữa các cơ quan nhà nước ngày càng tăng. Quy trình xử lý công văn đến, đi cũng được tin học hóa, qua đó giúp cho việc quản lý, xử lý văn bản được thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm, đồng thời góp phần đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính, tiến tới mô hình Chính phủ điện tử.  Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã ban hành các văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy sử dụng hệ thống thư điện tử, tăng cường trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tại các Bộ, ngành, địa phương từng bước được quan tâm, đầu tư hơn. Tuy nhiên, tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa việc triển khai các hoạt động điện tử này vẫn còn nhiều  hạn chế do khó khăn về hạ tầng CNTT; một số cán bộ công chức chưa có thói quen trao đổi văn bản điện tử trong công việc. Đặc biệt nhiều cơ quan nhà nước vẫn chưa ứng dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử.

Thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy triển khai 2 Chỉ thị trên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nội dung như: Đảm bảo đủ kinh phí, duy trì, nâng cấp hệ thống thư điện tử, hệ thống văn bản và điều hành; tiếp tục triển khai ứng dụng chữ ký số trong các hệ thống thông tin; nâng cao trách nhiệm lãnh đạo cơ quan nhà nước các cấp trong việc ứng dụng hiệu quả các hệ thống thông tin, tăng cường, trao đổi văn bản điện tử, quản lí, điều hành tại cơ quan mình; tiếp tục thực hiện tốt các nội dung trong Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 – 2015.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã tổng kết một số các kết quả nổi bật trong triển khai Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg và Chỉ thị 15/CT-TTg đó là:  Nhiều cơ quan đã vượt qua các khó khăn về con người, về kinh phí, tích cực triển khai các hệ thống thông tin để trao đổi, xử lý văn bản điện tử, góp phần giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi, xử lý công việc trong các cơ quan nhà nước ngày càng tăng; Lề lối làm việc của các cơ quan nhà nước ngày càng được đổi mới, theo hướng hiện đại, từng bước hình thành nền nếp, thói quen làm việc trên môi trường  điện tử; Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin ngày càng được chú trọng; Đặc biệt qua thực tế triển khai đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ trong cơ quan nhà nước các cấp đối với những tiện ích của việc ứng dụngCNTT nói chung và sử dụng các văn bản điện tử nói riêng trong quản lý điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Song trong quá trình triển khai cũng bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể như: Kinh phí đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu, đặt biệt là tại các địa phương còn khó khăn về kinh phí. Mặt khác, tại một số cơ quan đã được trang bị các hệ thống lại sử dụng chưa hiệu quả. Một số cán bộ lãnh đạo tại các cơ quan nhà nước còn chưa quyết liệt chỉ đạo, sát sao, gương mẫu trong trao đổi, xử lý văn bản điện tử phục vụ công việc. Nhiều cán bộ công chức chưa quyết tâm thay đổi thói quen làm việc chuyển từ văn bản giấy sang sử dụng văn bản điện tử. Nguồn nhân lực để tổ chức, triển khai ứng dụng CNTT còn chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là tại tuyến cấp quận, huyện của các địa phương, nhất là các huyện vùng cao, biên giới, huyện đảo.