Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”

Chiều ngày 16/11 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) tổ chức Triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Tới dự và cắt băng khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Trung ương Đảng; Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam...

20211116-l0.jpg

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm

Tham dự có các đồng chí Thứ trưởng Bộ VHTTDL; đại diện các Ban, Bộ, ngành, các Vụ thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, các đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL, các Hội VHNT Trung ương...

Phát biểu khai mạc Triển lãm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất đã luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Bác khẳng định: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo, phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật cũng như công cụ sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng toàn bộ sáng tạo phát minh đó là văn hóa". Và cách đây 75 năm về trước, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Bác tiếp tục khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

20211116-l1.jpg

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc

Trong thời gian qua, được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước; đặc biệt nhân kỷ niệm 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất và để triển khai, quán triệt việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, trong thời gian qua, được sự đồng ý của Ban Bí thư, Ban chỉ đạo tổ chức Hội nghị đã chỉ đạo Bộ VHTTDL tổ chức các hoạt động trước, trong và sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Trong đó xác định, triển lãm văn hóa nghệ thuật là một trong những nội dung ưu tiên thực hiện nhằm quảng bá những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ và phát huy giữ gìn văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng hy vọng, thông qua Triển lãm này sẽ giới thiệu tới đông đảo công chúng những nội dung cốt lõi về sự nghiệp phát triển văn hóa của dân tộc, tuyên truyền để người dân nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước; từ nhận thức sẽ chuyển thành hành động, qua đó thiết thực triển khai một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định:“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dụng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế".

20211116-l5.jpg

20211116-l6.jpg

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tại Triển lãm

Triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" lần đầu tiên đã trưng bày một cách hệ thống, khái quát dòng chảy của văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Với những hình ảnh, hiện vật trưng bày về mỗi chặng đường lịch sử của dân tộc, người xem đều có thể đúc rút diện mạo tổng quát cũng như những điểm nhấn về quá trình phát triển của văn hóa Việt Nam, với sứ mệnh “soi đường”. Đặc biệt, nhiều hiện vật lịch sử vô giá đã mang đến những cảm xúc đối với người xem, đặc biệt trong bối cảnh hôm nay, khi những giá trị của văn hóa, nghệ thuật luôn tạo nên nguồn sức mạnh cho cả dân tộc cùng nhau đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

20211116-l3.jpg

20211116-l2.jpg

20211116-l4.jpg

Triển lãm trưng bày và giới thiệu tới người xem nhiều tài liệu, hiện vật quý theo dòng chảy văn hóa từ truyền thống tới hiện đại

Triển lãm được chuẩn bị công phu, có quy mô lớn, trưng bày và giới thiệu tới người xem 320 tác phẩm ảnh tiêu biểu, 123 tài liệu, hiện vật quý với sáu nội dung chuyên đề, theo dòng chảy văn hóa từ truyền thống tới hiện đại đưaọc chia thành 06 chuyên đề.

Chuyên đề thứ nhất: Văn hóa Việt Nam trước năm 1930, giới thiệu khái quát sơ lược về lịch sử văn hóa Việt Nam qua những hình ảnh về quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông.

Chuyên đề thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm tới di sản văn hóa của dân tộc của Bác Hồ kính yêu.

Chuyên đề thứ ba, Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa, triển lãm tập trung giới thiệu các văn bản, nghị quyết của Đảng về văn hóa qua các kỳ Đại hội Đảng. Trong đó, có Bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ.

20211116-l9.jpg

Triển lãm góp phần quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

Chuyên đề thứ tư, Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật làm nổi bật những đóng góp của văn hóa nghệ thuật trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chuyên đề thứ năm, Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước, làm nổi bật những thành tựu về lĩnh vực văn hóa, gia đình, du lịch và thể thao trong nước cùng các hoạt động quảng bá, giao lưu văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.

20211116-l7.jpg

Triển lãm thu hút nhiều bạn trẻ tham quan

Chuyên đề thứ sáu, Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, trưng bày ảnh, tư liệu và số liệu về Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trong những năm vừa qua.

Triển lãm được tổ chức trực tiếp từ ngày 16 -27.11.2021 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Vân Hồ, TP.Hà Nội), trưng bày trực tuyến trên website của Trung tâm từ ngày 16/11 đến 31/12/2021.