Trao cần câu không cho con cá

Từ Dự án giảm nghèo trên địa bàn huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, hàng loạt tiểu dự án sinh kế về nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, giúp dân nghèo chuyển đổi phương thức, cơ cấu sản xuất.

Bản Nà Can (xã Bản Bo) có tỷ lệ hộ nghèo cao (48/54 hộ). Việc giảm nghèo ở nơi đây là mối quan tâm lớn đối với chính quyền địa phương và người dân sở tại. Thông qua tiểu dự án hỗ trợ trâu sinh sản (triển khai năm 2014) với số lượng 10 con cấp cho 20 hộ, nhóm hộ dân này đã họp bàn, thống nhất góp thêm tiền mua thêm 10 con trâu sinh sản, nâng tổng đàn của nhóm lên 20 con. Việc chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh được các hộ dân tích cực thực hiện theo sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, thú y bản. Đến nay, đàn trâu phát triển lên 35 con. Ông Lò Văn Khun (hộ dân hưởng lợi từ tiểu dự án) cho biết: “Bản tôi chủ yếu là dân tộc Lào, đời sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nên còn nhiều khó khăn. Những năm qua, Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, triển khai nhiều mô hình, dự án nhằm giúp chúng tôi vươn lên thoát nghèo bền vững. Tôi thấy tiểu dự án nuôi trâu sinh sản phù hợp với điều kiện thực tế, bởi bản có bãi chăn thả, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào… Chúng tôi cũng dự trữ rơm làm thức ăn khô, chuẩn bị tinh bột, khoáng chất và tiêm phòng dịch bệnh để đàn gia súc sinh trưởng, phát triển tốt”.
 
20170801-m16.jpg
Người dân xã Sùng Phài chăm sóc dê sinh sản được hỗ trợ từ Dự án giảm nghèo.
 
Anh Hà Văn Long - hướng dẫn viên cộng đồng xã Bản Bo cho biết: Đến thời điểm hiện tại, toàn xã đã triển khai 11/13 tiểu dự án hỗ trợ giảm nghèo trong năm 2017. Người hưởng lợi hài lòng với sự lựa chọn các danh mục đầu tư của Dự án cũng như tích cực lao động sản xuất. Chúng tôi còn hướng dẫn người dân hưởng lợi từ các dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm không thả rông gây ô nhiễm môi trường sống, phá hoại cây trồng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân.
 
Huyện Tam Đường có 14 xã, thị trấn với 156 bản, trong đó 12 xã và 122 bản nằm trong vùng triển khai Dự án giảm nghèo. Tại mỗi xã lại thành lập riêng Ban phát triển xã với các thành viên là đại diện lãnh đạo, đoàn thể, cán bộ chuyên môn và thôn bản. Mỗi xã trong vùng dự án có 1 hướng dẫn viên cộng đồng. Dự án tập trung đầu tư trên các lĩnh vực: cơ sở hạ tầng (tập trung vào giao thông), thủy lợi, nước sinh hoạt, xây dựng sân chơi, nhà vệ sinh trường mầm non; về sinh kế quan tâm đầu tư kỹ thuật sản xuất, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật nuôi và chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ…
 
Các tiểu dự án được thực hiện nhằm cải thiện các cơ hội sản xuất, thu nhập, việc làm và mở rộng thị trường cho hộ nghèo, nhất là hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của huyện. Dự án triển khai theo hình thức các hộ dân thuộc hợp phần sinh kế có chung sở thích về chăn nuôi, trồng trọt được lựa chọn con giống, đầu tư thêm tiền đối ứng để có con giống tốt, chuồng nuôi kiên cố, tăng thêm thực phẩm phục vụ chăn nuôi.
 
Trước khi triển khai, các hộ được dân bản bầu chọn phù hợp với tiêu chuẩn quy định (thường là 70% hộ nghèo, 30% hộ khá giả). Sở dĩ có việc lựa chọn các hộ khá cùng tham gia trong nhóm có chung sở thích là động lực giúp hộ nghèo có hướng phấn đấu học tập. Đồng thời, gắn trách nhiệm cho các hộ kinh tế khá giúp đỡ, hướng dẫn hộ còn lại biết cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, nắm bắt kỹ thuật cũng như động viên, khích lệ các hộ trong nhóm cùng nhau thực hiện tốt dự án, nắm chắc kỹ thuật. Thông qua đó, nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong nhóm, cùng nhau vượt khó vươn lên có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhiều nhóm có chung sở thích ở các xã: Tả Lèng, Bản Bo, Sùng Phài… biết cách chuyển đổi nông sản, chăn nuôi từ tự cung tự cấp sang phục vụ nhu cầu thị trường, mang lại lợi nhuận kinh tế cao.    
 
Sau khi các tiểu dự án được triển khai, thành viên trong Ban phát triển xã, hướng dẫn viên cộng đồng thường xuyên kiểm tra thực tế, theo dõi quá trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Đồng thời có hướng giúp đỡ các hộ dân tháo gỡ khó khăn, thiếu hiểu biết về kiến thức kỹ thuật, động viên họ nỗ lực sát sao với cây trồng, vật nuôi đã lựa chọn, tiến tới giảm nghèo bền vững.
 
Với người dân huyện Tam Đường, các hợp phần của Dự án giảm nghèo không chỉ làm thay đổi phương thức sản xuất, canh tác cũ lạc hậu mà còn mở ra cho họ bước tiến mới trong sản xuất sản phẩm hàng hóa, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân, có đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Người dân chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào chăn nuôi, trồng trọt, thâm canh tăng vụ và nhân rộng hiệu quả các dự án trong cộng đồng dân cư.
 
Ông Nguyễn Đức Quảng - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện Tam Đường cho biết: “Cùng với các công trình cơ sở hạ tầng ở các bản từng bước được hoàn thiện, công tác bảo trì, vận hành công trình được chính quyền địa phương, người dân quan tâm. Qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng và tính bền vững của các công trình hạ tầng. Các địa phương trong vùng triển khai Dự án đều thuộc xã khó khăn của huyện, trình độ dân trí hạn chế. Dự án giảm nghèo với các hợp phần hỗ trợ góp phần tích cực nâng cao nhận thức cho người dân trong phát triển kinh tế. Đời sống của người dân vùng hưởng lợi dần cải thiện, góp phần thu hẹp khoảng cách với các vùng thuận lợi”.
 
Mục tiêu của Dự án giảm nghèo trên địa bàn huyện là mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo tối thiểu 3%. Từ khi Dự án được triển khai, huyện Tam Đường đã có 100% hộ nghèo được tiếp cận và hưởng lợi. Nhiều tiểu dự án sinh kế phát huy hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 05-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 về giảm nghèo nhanh và bền vững, đó là trung bình mỗi năm toàn huyện giảm 4% hộ nghèo.
 
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện có hơn 4km đường giao thông được kiên cố, bêtông hóa phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân; trên 2,7km kênh mương, công trình thủy lợi được kiên cố hóa phục vụ nước tưới cho hơn 100ha lúa, cây màu; kè rọ đá 295m phòng chống xói lở; hỗ trợ trồng chè, cà chua, đỗ tương với tổng diện tích 54ha; hỗ trợ 14.970 con gia cầm, 208 con lợn, trâu sinh sản…
 
Nguồn: (Trích nguồn từ Báo Lai Châu)