Thuê bao trả trước: Kiên quyết quản lý mạnh!

Hôm 13/4 vừa rồi, Thông tư 04 Quy định về Quản lý thuê bao di động trả trước chính thức được ban hành. Theo Thông tư này, có tới 6 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao di động trả trước. Đây vốn là các tồn tại mà các văn bản, quy định trước đây vẫn còn bỏ sót…

img

Ông Nguyễn Xuân Trụ - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông

Theo ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tư 04 ra đời trên cơ sở cập nhật những bất cập trong quá trình thực hiện quản lý thuê bao di động trả trước, phù hợp với điều kiện thực tiễn, với quá trình vận động phát triển của thị trường di động Việt Nam hiện nay.
Xin ông cho biết lý do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 04 quy định về quản lý thuê bao di động trả trước lần này?
 
Ông Nguyễn Xuân Trụ: Đầu tiên, cần nhắc lại là Thông tư 04 sẽ thay thế cho Thông tư 22 ban hành năm 2009 về quy định quản lý thông tin Thuê bao di động trả trước. Sau 2 năm thực hiện Thông tư 22, hai Bộ Thông tin và Truyền thông và Công an đã tổ chức Hội nghị Tổng kết, trên cơ sở đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tiếp nhận chỉ đạo của Thủ tướng về hướng triển khai tiếp theo.
 
Vì vậy, Thông tư 04 ra đời trên cơ sở cập nhật những bất cập trong quá trình thực hiện Thông tư 22, nó sẽ hoàn thiện thêm 1 bước nữa so với Thông tư 22 để phù hợp với điều kiện thực tiễn, phù hợp với quá trình vận động phát triển của thị trường di động Việt Nam hiện nay.
 
Theo ông, đâu là những điểm mới của Thông tư 04 so với các quy định trước đây về quản lý thuê bao di động trả trước?
 
Một số điểm mới chính của Thông tư 04 so với Thông tư 22 ban hành năm 2009.
 
Thứ nhất, về chủ điểm Giao dịch được ủy quyền. Trong Thông tư 22 chỉ đề cập đến góc độ Nhà nước, Doanh nghiệp, người sử dụng và dịch vụ. Thế nhưng trong thực tế lại phát sinh một lớp ở giữa là chủ điểm giao dịch ủy quyền, tức là những người vừa phát hành vừa làm đại lý bán sim. Còn với Thông tư 04, đã bổ sung mắt xích bị thiếu này cho Thông tư 22. Toàn bộ quy trình sẽ gồm có: Nhà nước, doanh nghiệp, chủ điểm gia dịch ủy quyền, đại lý bán sim, đại lý phân phối và người sử dụng.
 
Trước đây, những điều kiện về pháp lý, mặt bằng, trang thiết bị dành cho người làm đại lý bán SIM đều không rõ. Chính vì vậy mà đã xảy ra nhiều hiện tượng mà báo chí gọi là “lách”, nhưng thực ra là họ chỉ vận dụng tốt những lỗ hổng, những chỗ không bị cấm mà thôi.Nói cách khác, trong Thông tư 04 sẽ có thêm một lớp là lớp Đại lý, và Đại lý thì không nằm trong hệ thống đăng ký thông tin. Đây là điểm mà ta cần xác định rõ. Đại lý là hệ thống bán hàng theo thương mại. Ngược lại, chủ điểm Giao dịch ủy quyền và Điểm cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp được ủy quyền sẽ làm nhiệm vụ đăng ký này.
 
Thứ hai, thông tư 04 đưa ra quy định cấm dùng SIM đa năng để khai báo thông tin. Nếu như Thông tư 22 dù không quy định phương thức truyền tin từ chủ điểm giao dịch về bằng nhắn tin nhưng cũng không cấm thì điểm này đã được đưa vào trong Thông tư 04. Nhưng Thông tư 04 chỉ cấm dùng SIM đa năng để khai báo thông tin, truyền thông tin về doanh nghiệp, chứ các tính năng khác thì không bị cấm.
 
Thứ ba, về giấy tờ đăng ký thông tin. Trước đây, các loại giấy tờ tùy thân sử dụng để đăng ký thông tin thuê bao trước có rất nhiều như chứng minh thư Nhân dân, Chứng minh thư công an, Chứng minh thư Quân đội, Hộ chiếu... nhưng kể từ ngày 1/6/2012, khi Thông tư 04 chính thức có hiệu lực, việc đăng ký sẽ chỉ còn lại chứng minh thư nhân dân.
 
Thứ tư là điều kiện dành cho Chủ điểm Giao dịch ủy quyền. Thông tư 04 quy định rất rõ về điều kiện pháp lý, mặt bằng dành cho các chủ điểm giao dịch ủy quyền. Theo quy định mới, đối với các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế (mà cụ thể ở đây là MobiFone, VinaPhone, Viettel) thì 100% các xã trên toàn quốc đều phải có điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước của chính doanh nghiệp.
 
Nói cách khác, tại tất cả các xã, các nhà mạng này đều phải có điểm cung cấp dịch vụ của riêng mình. Tuy nhiên, họ cũng có thể lựa chọn một giải pháp là ủy quyền cho các bưu cục, bưu điện, VNPost để dùng chung cơ sở hạ tầng. Tới đây cũng sẽ diễn ra lễ ký biên bản hợp tác giữa doanh nghiệp di động với doanh nghiệp bưu chính để tận dụng tối đa hạ tầng dùng chung. Còn đối với các nhà mạng nhỏ, không chiếm thị phần khống chế thì chỉ quy định về điểm đăng ký thông tin chỉ áp dụng đến cấp huyện.

Cuối cùng là vấn đề khai báo thông tin. Trước đây, chúng ta không có Quy định về trang web, về phương tiện để thuê bao tự kiểm tra tính chính xác của thông tin. Hiện nay, Bộ đã quyết định sử dụng đầu số 1414 để các thuê bao có thể tự kiểm tra thông tin, nếu phát hiện ra sai, lỗi thì có thể đăng ký lại.
 
Thông tư 04 cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng trang web và thời hạn được nêu ra là 6 tháng. Ngoài ra, đối với vấn đề trang thiết bị của các điểm giao dịch: nếu như trước đây chỉ lưu trữ bằng bản photo thì nay, bản thân doanh nghiệp còn phải lưu bằng phần mềm (scan, photo) trong thời gian tối thiểu 5 năm.
 
Đây không phải là lần đầu Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra các giải pháp, quy định để quản lý thuê bao trả trước, tuy nhiên, các biện pháp trước dường như đều chưa thành công như mong đợi, bằng chứng là lần này Bộ lại ban hành Thông tư mới 04. Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?
 
Như tôi đã nói ở trên, Quản lý Nhà nước phải được coi là sự nghiệp của cả một hệ thống chính trị từ cơ quan Nhà nướccho đến người dân. Nguyên nhân của việc chưa thành công thì trong Hội nghị Tổng kết liên Bộ Thông tin và Truyền thông - Công an đã đưa ra: do độ chính xác của thông tin đăng ký chưa cao.
 
Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía. Với cơ quan Quản lý Nhà nước có Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các phòng, các Sở, còn từ doanh nghiệp thì có cấp lãnh đạo doanh nghiệp cho đến các trung tâm, chi nhánh, người bán hàng trực tiếp, đại lý, người dùng... Đây là cả 1 hệ thống phức tạp, rất khó tìm được nguyên nhân chính là ở khâu nào.
 
Chính vì thế, cần phải có những giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề. Trước hết là hoàn thiện các văn bản pháp lý: Bộ đã ban hành nhiều Thông tư, chế tài (Nghị định 83), tiến hành phân cấp cho các Sở, tăng cường thanh tra, kiểm tra và đẩy mạnh xử lý vi phạm. Nếu ta so sánh với ngành giao thông thì có thể thấy ngay sự tương đồng.
 
Tuy nhiên, tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của công tác tuyên truyền. Làm thế nào để người dùng hiểu việc quản lý thuê bao là vì lợi ích xã hội, an ninh trật tự xã hội, vì nếp sống văn hóa Trong vấn đề này, nâng cao ý thức mới là cốt yếu chứ dùng biện pháp kỹ thuật, biện pháp hành chính nào đi nữa cũng chỉ đạt đến chừng mực nhất định.
 
Từ kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi cũng thấy rất rõ, để quản lý thuê bao di động vào khuôn khổ thì nhất thiết phải có sự kiên quyết từ phía quản lý Nhà nước.
 
Chúng tôi hy vọng sau khi có Nghị định thanh tra, hệ thống Cơ sở dữ liệu, sự ra đời của các văn bản pháp quy, vai trò của các Sở được nâng tầm và việc tuyên truyền ý thức được đẩy mạnh, Thông tư 04 sẽ cải thiện được thực tế thuê bao di động trả trước ở Việt Nam hiện nay. Đây cũng sẽ là tiền đề để Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai tiếp các quy định về quản lý thuê bao di động nói chung.
 
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6, điều này có nghĩa, nếu người dùng di động hiện nay đang vi phạm vào các điều cấm của Thông tư 04, chẳng hạn như khai báo thông tin chưa chính xác sẽ bị xử lý, cắt luôn dịch vụ?
 
Thông tư 04 đã nêu rất rõ về quá trình chuyển tiếp. Người dùng sẽ có 3 tháng để họ kiểm tra thông tin. Sau ba tháng mà không kiểm tra, không cung cấp lại thông tin đúng thì mới bị cắt mạng chứ không phải sau ngày 1/6 là cắt luôn.
 
Tương tự, các điểm giao dịch ủy quyền nếu không đáp ứng được điều kiện thì cũng có thời gian chuyển tiếp để thanh lý hợp đồng. Các website của Doanh nghiệp cũng cần phải có thời gian để xây dựng và đi vào hoạt động.
 
Xin cảm ơn ông!
 

Nguồn: VnMedia